Tương lai nào cho các lưu trữ phim tại Việt Nam?

Dù thường không được chính thức nhìn nhận như một di sản văn hóa phi vật thể nhưng phim, video và các dạng thức hình ảnh động khác đóng vai trò như một phương tiện quan trọng của cuộc sống thường ngày, đóng góp vào các nỗ lực của chúng ta trong việc ghi lại và diễn giải lịch sử - của cộng đồng cũng như của cá nhân.

Tọa đàm Tương lai nào cho các lưu trữ phim tại Việt Nam

Đó là một trong những nội dung được đặt ra tại Hội thảo “Phim như một di sản văn hóa” Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hội đồng Anh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 15/1.

Với nhiều người, phim như một cỗ máy thời gian, đưa đến cơ hội để nhìn lại các ký ức và quá khứ tái hiện trên màn ảnh rộng, qua đó có một cái nhìn thú vị vào tương lai.

Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ: "Thông qua những bộ phim tiêu biểu để khái quát lên những giai đoạn nổi bật của lịch sử, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam".

Phim như một cỗ máy thời gian, đưa đến cơ hội để nhìn lại các ký ức và quá khứ tái hiện trên màn ảnh rộng, qua đó có một cái nhìn thú vị vào tương lai.

Lưu trữ phim còn nhiều khó khăn

Việc bảo tồn và lan tỏa các tư liệu lịch sử này phụ thuộc nhiều vào các quy trình lưu trữ, phục chế và quảng bá phim và video. Ông Lê Tuấn Anh, Viện phim Việt Nam đã công bố những con số về việc lưu trữ phim nhựa và phim số, những khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát triển di sản phim.

Hiện Viện Phim VN và Điện ảnh Quân đội là hai đơn vị có số lượng phim lưu trữ lớn nhất, được đầu tư mạnh nhất và đã có những tiến bộ nhất định trong việc số hóa hình ảnh động.

Theo thống kê của Viện phim Việt Nam, sau hơn 5 năm tiến hành số hóa, đến nay Viện Phim Việt Nam đã số hóa được gần 1.000 phim sang băng Betacam số. Trong đó, số phim truyện nhựa Việt Nam là 282 phim trong tổng số 533 tên phim có trong kho lưu trữ, chiếm tỷ lệ 53%… Việc số hóa tư liệu hình ảnh động nhằm lưu trữ và khai thác là một xu thế tất yếu, bởi những ưu điểm vượt trội không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác số hóa lưu trữ, khai thác hình ảnh động tại các cơ quan lưu trữ nhìn chung là chậm hơn so với các quốc gia phát triển.

Bà Shona Thomson, sáng lập và điều hành, A Kind of Seeing, Anh quốc) chia sẻ: Những thước phim được chọn lọc nhằm kết nối cộng đồng qua phim lưu trữ, hướng tới mục đích đưa những thước phim chạm tới trái tim người xem, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.

Việc số hóa tư liệu hình ảnh động có ưu điểm và nhược điểm, chính vì vậy, mỗi cơ quan lưu trữ cần căn cứ nhu cầu thực tế, khả năng của ngân sách để xây dựng chiến lược số hóa hợp lý, phù hợp với các nước tiên tiến...

Lê Đăng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tuong-lai-nao-cho-cac-luu-tru-phim-tai-viet-nam-3976264-v.html