Tương lai nào đang chờ đợi ngân hàng Credit Suisse?

Chính quyền Thụy Sĩ đang ráo riết tìm ra giải pháp tối ưu nhất để giúp ngân hàng Credit Suisse thoát khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đang xem xét việc mua lại tất cả hoặc một phần ngân hàng Credit Suisse sau khi ngân hàng này lao đao vì khủng hoảng niềm tin, tờ Financial Times đưa tin.

Lãnh đạo 2 ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ dự kiến sẽ gặp riêng vào cuối tuần này để đưa ra lựa chọn tối ưu cho Credit Suisse. Thỏa thuận giữa 2 ngân hàng, nếu đạt được, sẽ được thông báo muộn nhất vào tối 19/3, một người quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Tin tức về quá trình đàm phán giữa UBS và Credit Suisse được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ngân hàng trung ương Thụy Sĩ buộc phải cung cấp hạn mức tín dụng khẩn cấp trị giá gần 54 tỷ USD cho Credit Suisse.

Chiếc “phao cứu sinh” mà ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ tung ra đã giúp giải tỏa một số áp lực trước mắt cho Credit Suisse, nhưng ngân hàng này cần có những thay đổi sâu sắc hơn để tránh rơi vào phá sản.

Tái cấu trúc

Đối với các nhà đầu tư, vấn đề của Credit Suisse không phải là tính thanh khoản của ngân hàng này, mà là mô hình kinh doanh của nó. Mối lo ngại này sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu khách hàng tiếp tục rút tài sản. Câu hỏi đặt ra là tương lai của ngân hàng này sẽ như thế nào.

Credit Suisse đang trải qua một cuộc đại tu chiến lược lớn nhằm khôi phục sự ổn định và lợi nhuận sau hàng loạt thua lỗ và bê bối, nhưng thị trường và các bên liên quan không mấy tin tưởng rằng ngân hàng này sẽ thành công.

CEO Credit Suisse Ulrich Körner tuyên bố sẽ tiếp tục “chuyển đổi chiến lược” để tập trung vào việc quản lý tài sản cho khách hàng giàu có. Ảnh: theedgemarkets.com

CEO Credit Suisse Ulrich Körner tuyên bố sẽ tiếp tục “chuyển đổi chiến lược” để tập trung vào việc quản lý tài sản cho khách hàng giàu có. Ảnh: theedgemarkets.com

Không chỉ bản thân Credit Suisse mà chính phủ, ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ FINMA đã liên hệ chặt chẽ để thảo luận về các phương thức giúp ngân hàng này ổn định hoạt động.

Credit Suisse đã mất nhiều năm cố gắng vực dậy hoạt động kinh doanh sau hàng loạt bê bối và một thời gian khá dài chìm trong thua lỗ.

Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, họ đang có ý định thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, nghĩa là chuyển vốn và các nguồn lực ra khỏi chi nhánh ngân hàng đầu tư đang thua lỗ sang các đơn vị quản lý tài sản trong nước.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cảnh giác, đặc biệt là do sự thiếu minh bạch về những tài sản mà ngân hàng này sẽ bán ra.

Harris Associates, một trong những cổ đông lâu năm nhất của Credit Suisse đã bán toàn bộ cổ phần của mình tại ngân hàng này, làm ảnh hưởng khá nặng nề đến uy tín của đội ngũ quản lý Credit Suisse và giám đốc điều hành Ulrich Körner.

Theo các nhà phân tích của JPMorgan, Credit Suisse hiện không còn nhiều lựa chọn vì các đối tác đã bắt đầu cảm thấy lo ngại về tương lai của ngân hàng này.

“Chặt đứt cánh tay”

Ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ có thể thực hiện một động thái quyết liệt hơn, đó là bán bớt một phần hoạt động kinh doanh của mình để huy động thêm vốn mới.

Kế hoạch này từng được đề xuất bởi cựu CEO của Credit Suisse là Tidjane Thiam. Ông Thiam gần như đã niêm yết 25% cổ phần của ngân hàng này vào năm 2017, nhưng thỏa thuận này đã bị hủy bỏ sau khi vấp phải sự phản đối của các thành viên hội đồng quản trị và các nhà đầu tư.

Các nhà phân tích ước tính rằng việc bán bớt đơn vị Thụy Sĩ có thể tăng tới 15 tỷ Francs Thụy Sĩ (16,25 tỷ USD), gần gấp đôi giá trị thị trường hiện tại của Credit Suisse là 7,7 tỷ Francs Thụy Sĩ (8,34 tỷ USD).

Các tài sản của Credit Suisse đều có giá trị, và các vụ đàm phán M&A liên quan đến các tài sản này đang được tổ chức, một nhân viên cấp cao của ngân hàng này cho biết.

Các đối thủ trong nước như ngân hàng tư nhân Julius Baer có thể sẽ quan tâm đến các mảng kinh doanh của Credit Suisse, nhân viên này cho biết. Tháng trước, Bloomberg cũng đưa tin Deutsche Bank đã để mắt đến các hoạt động quản lý tài sản và tài sản của ngân hàng này.

Theo Bloomberg, Deutsche Bank cũng đang để mắt đến tài sản của Credit Suisse. Ảnh: financemagnates.com

Credit Suisse cũng có thể thu hút sự quan tâm của các nhà cho vay lớn khác ở châu Âu, chẳng hạn như UniCredit của Ý. Tuy nhiên, sự phức tạp của thỏa thuận, bao gồm cả việc thuyết phục các nhà quản lý, có thể khiến người mua nản lòng, nhân viên ngân hàng trên cho biết.

Dù thế nào đi nữa, việc bán tài sản cũng sẽ là một bước đi khác biệt rất lớn so với kế hoạch tái cấu trúc, trong đó bộ phận quản lý tài sản và kinh doanh của Thụy Sĩ sẽ được đặt vào trung tâm của “Credit Suisse mới”.

Nó cũng sẽ đặt dấu chấm hết trên thực tế cho 167 năm lịch sử hoạt động của Credit Suisse với tư cách là một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới về quản lý gia sản cho giới nhà giàu.

Tiếp quản hoàn toàn

Việc bán bớt các đơn vị của Credit Suisse có thể cần có thời gian, nhưng thị trường lại không thể chờ đợi được. Một giải pháp quyết đoán hơn có thể là một đối thủ tiếp quản hoàn toàn.

Từ lâu đã có tin đồn rằng ngân hàng Credit Suisse có thể sẽ được mua lại một phần hoặc toàn bộ bởi UBS, đối thủ lớn nhất của ngân hàng này ở Thụy Sĩ với mức vốn hóa thị trường khoảng 60 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với con số 7 tỷ USD của Credit Suisse.

Nhà phân tích Kian Abouhossein của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase cũng cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất là Credit Suisse chịu sự tiếp quản của một ngân hàng khác, đặc biệt là UBS.

Ông cho rằng nếu Credit Suisse bị bán cho UBS, ngân hàng này có thể sẽ phải phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), giải thể ngân hàng đầu tư và giữ lại các đơn vị quản lý tài sản.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng UBS đang tập trung vào việc phát triển hoạt động kinh doanh tài sản của tập đoàn tại Mỹ, việc mua lại Credit Suisse sẽ khiến họ mất tập trung.

Nếu Credit Suisse bị bán cho UBS, ngân hàng này có thể sẽ phải phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ảnh: DW

Cả hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ được cho là phản đối ý tưởng hợp tác với nhau. “Việc sáp nhập sẽ gây rủi ro rất cao cho hệt thống ngân hàng Thụy Sĩ, đồng thời tạo ra tình trạng độc quyền, không tốt cho người dân Thụy Sĩ, theo ông Vincent Kaufmann, giám đốc điều hành của Ethos, một quỹ đại diện cho các cổ đông nắm giữ hơn 3% cổ phần của Credit Suisse.

Trong khi đó, các chiến lược gia của ngân hàng Mỹ Bank of America cho rằng chính quyền Thụy Sĩ có thể sẽ ưu tiên phương án kết hợp Credit Suisse và một đối tác khu vực nhỏ hơn, vì bất kỳ sự kết hợp nào với UBS đều có thể tạo ra “một ngân hàng quá lớn đối với quốc gia này”.

Nhìn chung, rất í người cho rằng Credit Suisse sẽ bị đóng cửa hoàn toàn, bởi điều đó sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của Thụy Sĩ và làm rung chuyển nền tài chính toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng nếu các đối tác của ngân hàng ngừng giao dịch hoặc các khách hàng “tháo chạy” khỏi Credit Suisse với số lượng lớn hơn bao giờ hết, chính quyền Thụy Sĩ sẽ ra tay giải cứu, bằng cách ngừng tất cả các khoản tiền gửi hoặc thực hiện một đợt bơm vốn trực tiếp vào ngân hàng này.

Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, FT, Bloomberg, CNBC)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tuong-lai-nao-dang-cho-doi-ngan-hang-credit-suisse-a598597.html