Tưởng nhớ 20 năm ngày mất của cố họa sĩ Bửu Chỉ

Gần 30 tác phẩm được sáng tác trên nhiều chất liệu sẽ được trưng bày để tưởng nhớ 20 năm ngày mất của cố họa sĩ Bửu Chỉ.

Triển lãm “Tay níu thời gian” sẽ diễn ra từ ngày 11/12 đến 4/1/2023 tại không gian Rei Artspace (TPHCM) để tưởng nhớ 20 năm ngày mất của cố họa sĩ Bửu Chỉ.

Triển lãm giới thiệu gần 30 tác phẩm được sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, vải bố, giấy… Ngoài triển lãm, cuốn sách cùng tên gồm tiểu sử của họa sĩ Bửu Chỉ, các tác phẩm và các bài viết về ông, sẽ giúp độc giả bước sâu vào cuộc đời, các mối quan hệ cũng như là phong cách, nguồn cảm hứng sáng tác của họa sĩ Bửu Chỉ.

Cố họa sĩ Bửu Chỉ.

Cố họa sĩ Bửu Chỉ.

Họa sĩ Bửu Chỉ (1948 - 2002) khi dấn thân vào cuộc đấu tranh trong phong trào sinh viên Huế (từ 1968) đã tạo dựng "Slogan" sáng tác với tiêu chí "Nghệ thuật đứng về phía nước mắt".

Trong vai trò Tổng thư ký "Hội sinh viên sáng tác Huế", họa sĩ Bửu Chỉ đã vẽ bộ tranh "Tiếng thét từ lòng đất" gây rúng động tinh thần đấu tranh của thanh niên sinh viên. Tuy là con nhà quan lại triều Nguyễn và là sinh viên khoa Luật của Đại học Huế nhưng Bửu Chỉ sớm tỏ thái độ căm thù giặc Mỹ xâm lược. Bửu Chỉ học vẽ từ nhỏ do cha dạy và truyền nghề nên rất tài hoa.

Tranh cổ động đấu tranh của họa sĩ Bửu Chỉ.

Với tư duy độc đáo khi thể hiện khí phách Huế, hình tượng quật khởi qua tác phẩm của Bửu Chỉ đã làm kẻ thù lo sợ. Chúng vây bắt sinh viên học sinh đi lính, trong đó có Bửu Chỉ.

Khi mọi người bị dồn lên trại lính, Bửu Chỉ đã hiên ngang đứng dậy hô hào mọi người chống lệnh động viên. Nhiều người đã vất lại quần áo lính và bỏ trốn. Lập tức Bửu Chỉ bị bắt giữ và đưa ra tòa án binh xử tội (1972). Chàng luật sư trẻ bị kết tội chống quân lệnh và nhận án 5 năm tù giam.

Cùng hoạt động trong phong trào sinh viên đô thị Huế với họa sĩ Bửu Chỉ, nhà thơ Võ Quê cảm nhận, ngọn bút sắt của anh ngời ánh lửa xuống đường và cả trong ngục tù khắc nghiệt. Sự trung thực, dũng cảm, tình yêu nước nồng nàn của anh; đôi bàn tay tài hoa của anh đã từng làm cho kẻ thù khiếp sợ: "Tranh anh đỏ máu đêm tù/Sợ tranh anh chúng trả thù tay anh/Dù cho điện, nước cực hình/Quên đau anh vẫn vẽ tranh chống thù".

Tác phẩm "Con mắt còn lại" - bức tranh cuối cùng của Bửu Chỉ.

Nhà tù như một lò tôi luyện thêm ý chí sáng tạo nghệ thuật cách mạng của Bửu Chỉ ngày càng thêm mãnh liệt. Với mọi phương tiện trong tay, Bửu Chỉ vẽ tranh rồi gửi ra ngoài.

Những bức tranh bút sắt và mực Tàu của Bửu Chỉ thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất và kiên cường của các chiến sĩ Huế. Hàng chục tác phẩm được đưa lên tranh cổ động tuyên truyền cách mạng và in trên báo Mặt trận giải phóng.

Bức tranh "Cây diêm tàn".

Đó là bức tranh vẽ những bàn tay ứa máu bị xiềng xích trong tiếng gào thét phẫn nộ. Hoặc đó là ánh mắt vô vọng sau song sắt nhà tù. Ai nấy đều xúc động với hình ảnh đôi bàn tay mẹ già che chở cho con thơ. Bên cạnh đó là chân dung mẹ tử tù bị trói chặt tay phía sau bên đứa con nhỏ dại.

Đặc biệt tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cách mạng được thể hiện rất dữ dội, có sức lay động sâu rộng trên các mặt trận.

Chân dung tự họa.

Những tác phẩm gây tiếng vang của anh như: Ta phải thấy mặt trời, Một tuổi thơ chưa kịp lớn, Mẹ hòa bình, Hãy cùng bay lên với khát vọng, Bầy quạ chiến tranh, Người nữ tù. Tranh của Bửu Chỉ tạo nên sự phấn khích mạnh mẽ. Bọn cai ngục được lệnh tra tấn họa sĩ rất dã man. Chúng cố ý đánh vào đôi bàn tay của ông hòng tiêu diệt ý chí cách mạng và không cho vẽ nữa.

Bửu Chỉ ở đâu cũng khuấy động phong trào đấu tranh và gây náo loạn trong tù. Giặc đã phải chuyển Bửu Chỉ đi mấy nhà giam. Cuối cùng ông bị biệt giam tại Tiền Giang (Mỹ Tho) cho đến ngày miền Nam giải phóng.

Bức tranh cuối cùng Bửu Chỉ vẽ bìa cho cuốn sách của mình, chính là con mắt còn lại nhìn qua kẽ ngón tay. Có thể con mắt của ông được chắt lọc từ sự ám ảnh liêu trai qua bài hát "Con mắt còn lại" của Trịnh Công Sơn. Đây là sự bổ sung cho những chân dung tự họa của ông trong cuốn sách.

Họa sĩ Bửu Chỉ qua đời sau cơn tai biến bất ngờ (14/12/2002). Năm 2017, họa sĩ Bửu Chỉ đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, với hai bộ tranh "Tiếng thét từ lòng đất" và "Khát vọng hòa bình".

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tuong-nho-20-nam-ngay-mat-cua-co-hoa-si-buu-chi-post618017.html