Tưởng nhớ bà Lễ nghi học sĩ

QĐND - Nhằm ngày khai giảng năm học mới 2011-2012, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Lệ Chi Viên ở xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã khánh thành tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, nữ nhà giáo đầu tiên của Việt Nam, một nhà giáo dục xuất sắc.

Sử sách ghi: Nguyễn Thị Lộ quê làng Hải Triều, nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà sinh vào đời Hồ (1400), trong một gia đình khá giả, cha làm nghề xem mạch bốc thuốc. Từ nhỏ bà đã thuộc lòng các sách Tứ thư, Ngũ kinh, Nam sử, Nam y, Nam dược... có tài xuất khẩu thành thơ, nổi tiếng là người đẹp nhất vùng. Sau khi cha qua đời, bà phải cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em. Trong một lần lên kinh thành bán chiếu, bà đã gặp Nguyễn Trãi, rồi trở thành người bạn đời của ông. Khi vua Lê Thái Tông lên ngôi, biết Nguyễn Thị Lộ là người tài đức nên tuyển vào cung, phong làm Lễ nghi học sĩ. Nguyễn Thị Lộ là người phụ nữ đầu tiên ở chức vụ này. Đánh giá về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, sử thần Vũ Quỳnh (1452-1516) khen: “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước. Cậu bé bất trị nay đổi thành một minh quân khác hẳn trước”.

Tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ ở Lệ Chi viên

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Ngày 4-8 năm Nhâm Tuất (1442) vua Lê Thái Tông đi tuần miền Đông, về đến Lệ Chi viên bỗng bị trọng bệnh rồi băng hà. Các quan xiểm nịnh gán cho Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi tội giết vua. Ngày 16-8, quan Đại thần Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ bị giết. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Nguyên nhân sâu xa của vụ án là những mưu đồ chính trị, hãm hại trung thần, tranh đoạt ngôi báu. Sâu xa hơn, đó là sự ghen ghét, đố kỵ của một số quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng lỗi lạc và tính tình ngay thẳng, cương trực của Nguyễn Trãi. Sau đó, nhân dân ta đã lập đền thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tại thôn Khuyến Lương, nay thuộc quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, gần đền thờ Nguyễn Trãi.

Hơn 500 năm sau, nhờ có sự vận động tích cực của “Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ” do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc là hội chủ, một cuộc hội thảo khoa học lớn về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã được tổ chức ở Khuyến Lương ngày 19-12-2002. Những tham luận quan trọng trong hội thảo được tập hợp trong cuốn kỷ yếu nhan đề “Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên”, do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc tổ chức và chủ biên (NXB Văn hóa-Thông tin ấn hành năm 2004). Trong đó có nhiều bài tham luận rất quan trọng, có giá trị và có sức thuyết phục cao của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam như: Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, Giáo sư TSKH Phan Đăng Nhật, Phó giáo sư Chu Quang Trứ...

Trong cuộc hội thảo quan trọng này, các nhà khoa học, bằng những cứ liệu chắc chắn mới phát hiện, có tính khách quan đã đánh giá đúng tài năng, đức độ cùng những cống hiến to lớn của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ: "Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã dâng trọn cuộc đời cho sự bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Đại Việt… bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa..." (Giáo sư Vũ Khiêu). "Bà đã soạn thảo và cho chấn chỉnh nhiều phong tục từ trong cung cho đến ngoài triều… xin chỉ dụ của vua để mở mang học vấn dân tộc, khuyến khích phụ nữ học chữ thánh hiền" (nữ sĩ Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền). "Ý kiến của Nguyễn Thị Lộ không đóng khung nơi cung cấm mà lại thành một chủ trương chỉnh đốn phong tục cả nước. Sử sách chép rõ điều này… Có thể không quá lời khi nói rằng, Nguyễn Thị Lộ chưa có bạn đồng hành nào đi trên con đường cải tạo phong tục Việt Nam từ xưa đến nay" (PGS Vũ Ngọc Khánh) v.v...

Năm 2009, tượng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bằng đồng được dựng tại Tân Lễ (Hưng Hà, Thái Bình) quê hương của bà. Ngay sau đó, “Câu lạc bộ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ” được thành lập ở đây với mục đích khuyến học, khuyến tài và đi vào hoạt động rất hiệu quả, đã phát triển được nhiều chi hội ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm nay, vào đầu những ngày tháng 9 rộn rã khai trường và nhân dịp ngày giỗ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ (16-8 âm lịch), tại Lệ Chi Viên đã long trọng khánh thành tượng Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Tượng được tạc bằng đá trắng nguyên khối, trang trọng ngự bên trái ngôi đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, tay Lễ nghi học sĩ cầm bút như đang viết lên trời xanh tấm lòng trong trắng trung trinh cùng hoài bão lớn lao của những người anh hùng vì dân, vì nước.

Bên phải ngôi đền là tượng đài “giọt lệ” bằng đã hoa cương đỏ, được đặt trên một cuốn sách mở, tượng trưng cho tri thức. Đế là 3 vòng tròn đồng tâm tạo thành tam cấp, tượng trưng cho bầu trời, cho sự giao hòa Thiên-Địa-Nhân sâu sắc, đồng thời cũng là sự ngầm ý ba họ bị tru di. Tượng đài như một giọt lệ đang rơi trên cuốn sách-giọt lệ của nhân dân xót thương cho nỗi oan khiên dậy cả đất trời của những người con Trung-Hiếu-Tiết-Nghĩa. Tượng đài “giọt lệ” còn là biểu tượng trái tim nhân ái của những người anh hùng và trí thức tiêu biểu của dân tộc trường tồn với thời gian.

Bài và ảnh: Trần Vân Hạc

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/74/74/74/167039/Default.aspx