Tưởng nhớ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Ấn tượng những cuộc đi

Là người may mắn trong làng báo được tháp tùng nhiều đời Thủ tướng trong một số chuyến đối ngoại, nhà báo Xuân Ba đã có những thiên ký sự về những chuyến đi ấy. Với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nhà báo Xuân Ba có những cảm nhận, ấn tượng đặc biệt… Sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại nhiều khoảng lặng ngẫm ngợi, nghĩ suy…

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Hoa Kỳ, năm 2005. Ảnh: PV.

Kỳ1: Chuyện giờ mới kể

Tôi may mắn có vài cuộc trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến đi công tác nước ngoài của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Một trong cuộc đi là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tháng 6/2005.

Chuyến đi tiếp nối

Trên chiếc chuyên cơ, một chút hồi tưởng cuộc thăm đặc biệt sau 30 năm chiến tranh này dường như tiếp nối sự đứt đoạn nào đó? Cứ nghĩ có vẻ như Con Tạo đã sắp xếp dẫu cho thời thế biến đổi, loạn lạc thế nào hai dân tộc Việt - Mỹ phải đến ngồi lại với nhau vì sự bình an và thịnh vượng? Nhớ thêm câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc tiếp con trai Tổng thống Mỹ J. Kennedy tháng 8/1988. Vị lão tướng, nguyên là giáo sư sử học đã nhắc chàng trai kém mình một nửa thế kỷ tuổi tác (khi ấy Đại tướng 88 tuổi còn con trai L. Kennedy 38 tuổi) rằng, nhiều người Mỹ, nhất là thế hệ trẻ mới chỉ biết đến lịch sử bang giao Việt - Mỹ qua một cuộc chiến tranh khốc liệt mà quên rằng đã từng có trang sử tốt đẹp trước đó...

Bạn đọc hẳn nhớ, chính sử còn lưu lại chứng cớ, trong thời gian Thomas Jefferson làm Tổng thống Hoa Kỳ, chiếc tàu biển đầu tiên của Hoa Kỳ đã dong buồm cập cảng Tourane tức Đà Nẵng. Có thể nói đó là những công dân Mỹ đầu tiên đặt chân đến nước ta.

Sau đấy năm 1819, có hai con tàu MarmionFranklin đi mất 5 tháng mới đến Việt Nam. Sau chuyến đi ấy, ông thuyền trưởng tàu đã viết cuốn sách về Câu chuyện hành trình xuất bản vào năm 1823 ở London với nhan đề một chuyến đi Việt Nam đã nhận xét rất cực đoan đây là xứ sở với chế độ quân chủ chuyên chế làm cho nền kinh tế khó phát triển.

Năm 1829, Andrew Jakson lên làm Tổng thống thứ 7 Hoa Kỳ là vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ quan tâm tới Việt Nam. Năm 1831 ông đã cử phái viên đầu tiên đi thương thuyết về việc lập lãnh sự nhưng không thành. Cuối năm 1832, một phái đoàn chính thức của Hoa Kỳ mới tới Việt Nam với sứ mạng chuyển tới hoàng đế của nước Đại Nam bức thư có chữ ký của Tổng thống Andrew Jakson. Người thực hiện sứ mạng ngoại giao là đầu tiên đến tiếp xúc với triều đình Đại Nam là Edmund Robert.

Tàu bỏ neo ở Vũng Lắm thuộc Xuân Đài (Phú Yên) bây giờ. Vua Minh Mạng sai hai viên đại thần là Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức từ Huế vào tiếp xúc với thái độ thiện chí. Nhưng rốt cuộc sự bang giao không thành chỉ vì mỗi một lý do nghi thức! Bức quốc thư theo văn phong Hoa Kỳ với câu mở đầu Great and Good Friend bị triều đình Việt Nam coi là bất kính vì đã không nêu danh người nhận và cách xưng hô không hợp thức với một vị hoàng đế nên bị trả lại và vua Minh Mạng không tiếp!...

Rồi câu chuyện Bùi Viện được vua Tự Đức cấp quốc thư lênh đênh sang Mỹ bàn chuyện bang giao không thành…

Lại đến thời điểm toán biệt kích Con Nai của OSS nhảy dù liên lạc được với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc. Và Cụ Hồ viết thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ… Rồi gì nữa, năm 1977 một mối bang giao hữu hảo bị bỏ lỡ… Nhưng lịch sử cũng đã có thời điểm 1995 với việc bình thường hóa Mỹ - Việt. Và sự kiện chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam.

…Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Peter Peterson trong cuộc phỏng vấn trước chuyến thăm đã bộc bạch cứ như một lời mời gọi là Chỉ có Thủ tướng Phan Văn Khải mới giúp dân Mỹ hiểu rõ về Việt Nam. Phải vậy không mà cái kênh đầu tiên ngay trước chuyến đi Thủ tướng chọn là truyền thông, báo chí?

Tôi được may mắn chứng kiến cảnh bếp núc cuộc phỏng vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải với tờ Washington Post (WP) tại Hà Nội. Chủ sự cuộc phỏng vấn hôm 14/6/2005 là phóng viên Nakashima, cây bình luận hạng nhất của tờ WP. Cuộc phỏng vấn kéo dài suốt 1,5 tiếng đồng hồ với nhiều câu hỏi. Nhưng khi trình làng đưa lên mặt báo có 12 câu cả thảy. Nhiều câu hỏi khá hóc búa. Chẳng hạn nhiều vấn đề đang gây nản lòng cho các nhà đầu tư như hệ thống hành chính, luật pháp ở Việt Nam chưa minh bạch, cơ chế thị trường chưa hoàn chỉnh chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế, ngài dự định sẽ có cải cách gì và sẽ thảo luận gì trong chuyến đi tới Hoa Kỳ? Rồi Ngài có thể nói rõ hơn về sự hài hòa giữa cải cách chính trị và cải cách kinh tế. Ngài nghĩ sao khi có ý kiến rằng cải cách chính trị ở Việt Nam đã không theo kịp cải cách kinh tế?

Thủ tướng Phan Văn Khải với thái độ điềm tĩnh và chất giọng chầm chậm đã lần lượt đáp lời tất cả không bỏ hay từ chối câu hỏi hay vấn đề nào! Thái độ ứng xử bình thản, thẳng thắn của Thủ tướng dường như đã gây cho nữ phóng viên Nakashima thái độ, tò mò, thú vị. Nakashima dùng chiếc máy ảnh kỹ thuật số để ghi hình cuộc phỏng vấn. Thủ tướng thân mật cười hỏi cô chụp ảnh có đẹp không? Sau cái cười ngạc nhiên, cô bộc bạch, cô không phải là nhiếp ảnh chuyên nghiệp nhưng sẽ cố… Xong việc, cô bật máy và lại gần cho Thủ tướng xem. Tấm hình ấy như bạn đọc đã biết được đăng trên trang nhất tờ Washington Post ra ngày 16/6/2005.

Sau cuộc trả lời với Washington Post lại đến cuộc phỏng vấn với Hãng AP. Phóng viên AP là Crit thường trú ở Đông Nam Á đã bay sang Hà Nội. Thủ tướng thân mật hỏi thăm về công việc của Crit.

Tôi nhớ sau buổi phỏng vấn, Crit đã xin chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Phan Văn Khải.

Hóa giải bất đồng

Có một chi tiết trong lịch trình. Chuyên cơ hạ cánh kỹ thuật ở Narita (Nhật) mấy tiếng đồng hồ. Đó là chuyện thường của những chuyến bay nối các châu lục và xuyên đại dương.

Nhưng sau chuyến thăm ít lâu, không nhiều người biết, ngay khi hạ cánh xuống Narita, Thủ tướng Phan Văn Khải đã được Thủ tướng Nhật Koizumi đón. Tin đó đã không được phổ biến!

Một sự kiện khác ở Seattle.

Cuộc gặp, nói đúng hơn là cuộc ăn tối của Thủ tướng Phan Văn Khải với các giới chủ Hoa Kỳ.

...Tôi tới muộn nên không rõ chủ lẫn khách chuyện trò thoải mái như thế này đã bao lâu. Đại diện công ty Microsoft có trụ sở tại Seattle này hồ hởi thông báo với Thủ tướng Việt Nam rằng mới đây, gần chục em học sinh Việt Nam đã đoạt giải trong một cuộc thi do đại diện Microsoft ở Việt Nam tổ chức và nói thêm rằng, bằng khảo sát, nghiên cứu của mình, chỉ số IQ của học sinh Việt Nam đứng vào hàng khả quan... Thủ tướng cám ơn, rồi nói tiếp, đại ý, nhưng thưa các bạn, phải có những cú hích, phải có những tác động của ông Bill Gates, của Công ty Microsoft thì chỉ số IQ ấy mới hiệu quả và hữu ích!

Một vị tò mò, xin lỗi ngài, hồi trưa vừa xuống máy bay, ngài đã tới ngay Hãng Boeing? Thủ tướng cuời, chúng tôi chân thành cảm ơn Boeing cũng như các ngài có mặt tại đây đã tham gia có hiệu quả trong việc tổ chức chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của chúng tôi. Việc đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đến Hoa Kỳ lần này trên chính chiếc Boeing 777 an lành, chính là minh chứng cho quan hệ hợp tác hiệu quả, tin cậy giữa tập đoàn Boeing với Việt Nam. Rồi qua chủ nhà, các vị khách cũng biết thêm, chiếc chuyên cơ này là một trong 4 chiếc Boeing loại 777-200 ER mà Việt Nam mua trong khoảng thời gian 2003-2004.

Nhiều câu hỏi mang sắc thái thân gần được nối thêm với Phó thủ tướng Vũ Khoan, với Bộ trưởng Đoàn Mạnh Giao, với Bộ trưởng Cao Đức Phát với cả bà Tôn Nữ Thị Ninh và nhà sử học Dương Trung Quốc những vấn đề mà họ đang quan tâm. Có một vị hỏi Thủ tướng rằng, Tổng thống Bush khoái chơi golf và câu cá, thế còn Thủ tướng Việt Nam thích giải trí những môn gì sau những giờ làm việc căng thẳng? Thủ tướng ta cũng thân mật nhũn nhặn mà rằng, Thủ tướng thích chơi cầu lông. Vị đại diện hãng Nike, ông Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành William Perez của Hãng Nike đứng gần đó sốt sắng nói ngay, hãng Nike sẽ sẵn sàng thửa riêng cho Thủ tướng Việt Nam một bộ đồ để chơi cầu lông thật mỹ mãn!

Trong tiếng cười vui vẻ, vị đại diện hãng GAP nhũn nhặn phát biểu rằng cũng sẵn sàng thửa riêng cho Thủ tướng một bộ đồ thể thao chuẩn nhất!...

Vẫn giữ nguyên cái cười cởi mở, giọng Thủ tướng Phan Văn Khải điềm đạm, đại ý, cá nhân tôi xin cám ơn lòng tốt của các ngài. Cái mà cá nhân tôi cũng như nhân dân Việt Nam cần và muốn là sự hợp tác đầu tư nhiều mặt không chỉ của những hãng, những công ty hàng đầu thế giới như GAP, như Nike mà của nhiều hãng, nhiều Công ty Hoa Kỳ đối với thị trường Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam là có lợi cho các bạn. Sự có mặt của các bạn ở Việt Nam là có lợi cho chúng tôi. Điều này là chất keo gắn bó chúng ta với nhau lâu dài... Và cũng chính là phần thưởng quí giá nhất đối với cá nhân tôi,với tất cả chúng ta hôm nay!

Tôi chợt nhớ một đoạn trong cuốn sách của nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (Vietnamnet) xuất bản mới đây viết vài xen trong cuộc đi ấy.

Lần thử lửa đầu tiên là cuộc ra mắt báo giới quốc tế khi Thủ tướng vừa đặt chân đến Seattle. Một người Mỹ gốc Việt tự xưng là phóng viên VietNam News Network đã đứng lên hỏi những câu mang tính áp đặt và chỉ trích về nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam. Lẽ thường người được hỏi có quyền từ chối. nhưng Thủ tướng vẫn kiên nhẫn trả lời. Thủ tướng nhận xét người hỏi này chưa bao giờ trở lại Việt Nam. Bạn nên về nước để tận mắt chứng kiến những tiến bộ mà Việt Nam đạt được kể từ khi đất nước ta thống nhất. Không biết lời khuyên của ông có làm cho người hỏi khó xử? Và khi có một nhà báo người Việt khác hét lên trong phòng họp báo một câu khiếm nhã trước khi bị những người tổ chức phía Mỹ mời ra ngoài, Thủ tướng vẫn tỏ thái độ bình thản trước thái độ cư xử khiếm nhã của một người cùng chung dòng máu Việt. Sự phẫn nộ trào dâng trong tất cả chúng tôi khi ấy.

Buổi tiệc Galadiner tại Washington DC có một sự cố xảy ra. Một người Mỹ hắt rượu và Thượng nghị sĩ Jonh McCain, người cùng với Thượng nghị sỹ Jonh Kerry đóng vai trò đi đầu vận động cho tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Người này gọi ông là kẻ phản bội và hét lên những lời khó nghe với Thủ tướng. Tình huống có vẻ rất khó kiềm chế như vậy đã thử thách khả năng ứng phó của Thủ tướng. Thủ tướng Phan Văn Khải nhún vai đi lên bàn chủ tọa và cười với mọi người Đời là thế đấy! Quả là bất ngờ và thú vị. Mọi người cũng cười theo, cái cười thông cảm. Có lẽ, trước đó, cả vị nghị sĩ thân thiện và kẻ quá khích chưa từng nghĩ tới điều này.

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tuong-nho-nguyen-thu-tuong-phan-van-khai-an-tuong-nhung-cuoc-di-1252077.tpo