Tưởng nhớ nữ sĩ anh hùng của vùng đất Hải Lăng, Quảng Trị

Cứ vào dịp tháng 12, khi cả nước đang hướng đến kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, bà Lê Thị Huê đều sửa soạn đóa hoa cúc trắng đến trước phần mộ của nữ đồng đội, liệt sĩ Lê Thị Tuyết, để thắp một nén nhang. Năm nay, đã gần 80 tuổi nên bà chỉ ở nhà lặng trông.

Với bà Huê, có lẽ ký ức về những ngày lửa đạn của 50 năm trước vẫn chưa bao giờ phai nhạt.

Nhìn từ xa, tượng đài chị Tuyết (nữ liệt sĩ Lê Thị Tuyết, hy sinh khi còn đôi mươi) vươn cao như hình ảnh cánh chim đang dang rộng lên bầu trời. Trên đỉnh, một ngôi sao vàng sáng chói tượng trưng cho trái tim vàng son của chị.

Dù có lúc bị tra tấn, hãm hiếp đến chết lịm đi, cho đến khi bị trừng phạt bằng những lát cắt vô tình trên xác thịt, chị Tuyết vẫn ngoan cường đến hơi thở cuối cùng.

Bà Lê Thị Huê, 78 tuổi, bồi hồi kể lại câu chuyện về nữ đồng đội của mình

Bà Lê Thị Huê, 78 tuổi, bồi hồi kể lại câu chuyện về nữ đồng đội của mình

Liệt sĩ, anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Thị Tuyết (sinh năm 1949) tại một gia đình cách mạng ở thôn Duân Kinh, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Khoảng năm 16 tuổi, theo lời kể của bà Lê Thị Huê (78 tuổi, đồng đội chị Tuyết), chị đã thoát ly làm o du kích xã năng nổ của địa phương.

Hồi ấy, dấu chân của chị hằn in khắp những con đường, bờ lau từ Duân Kinh xuống tận Thi Ông (xã Hải Vĩnh). Hai năm sau đó, chị Tuyết làm y tá ở huyện đội Hải Lăng. “Năm 1968, không may trên đường làm nhiệm vụ chúng tôi rơi vào vòng vây quân địch và phải chịu cảnh sống không bằng chết”, bà Huệ nhớ lại và cho biết thêm, bị địch bắt giam tra khảo và dùng những cực hình rất nặng nề. Những ngày đó, bà là người “đồng cam cộng khổ” cùng đồng đội của mình chống chịu đòn roi, nên bà nhớ lắm.

“O Tuyết bị bắt đi đêm trước, sáng hôm sau thì tui mới bị lôi đi. Khi đó tui mới sinh con có 5 tháng, còn yếu lắm”, bà Huê kể lại và cho biết phải chịu đủ mọi cực hình do cả hai bà đều nhất quyết không khai.

Bà Huệ kể, những ngày đó, các bà không biết đã phải chịu bao nhiêu trận đòn roi, những màn tra tấn man rợ trong thời gian bị bắt. “Chúng (quân địch – PV) tra khảo tôi giấu tài liệu ở đâu, bộ đội trốn ở đâu. Không khai, chúng đổ nước ớt xay, nước xà phòng vào mũi, vào miệng rồi bịt lại”, bà Huệ vừa thuật lại nỗi đau trong hồi ức vừa đứng dậy, dùng cả thân mình để diễn tả bộ dạng mình và đồng đội lúc đó.

“Chị Tuyết đã hy sinh sau đó 7 ngày dưới sự ra tay tàn nhẫn của quân địch”, bà Huệ nhớ lại và cho biết mình may mắn trở về được nhưng lòng đau như cắt. Giờ đây con cháu đủ đầy, tổ quốc ghi công, bà Huê vẫn nhớ mãi hình bóng nữ chiến sĩ đồng đội năm nào. Bà kể: “Sao mà quên cho được. Giờ nhắm mắt lại tui vẫn thấu như o Tuyết còn đâu đây…”.

Men theo con đường dọc bờ sông Vĩnh Định rợp bóng bằng lăng và những cụm tre dài xanh ngát, chúng tôi ghé thăm tượng đài liệt sĩ Lê Thị Tuyết, thay cho bà Huê thắp thêm một nén nhang lòng.

Tượng đài liệt sĩ Lê Thị Tuyết.

Xung quanh, cây lá vẫn xanh tốt, tượng đài được láng gạch men. Ít ai biết rằng khung trời hòa bình này đã từng chứng kiến một cuộc chiến kinh hoàng. Chính tại bờ sông này, người đồng đội của bà Huê – chị Lê Thị Tuyết đã hy sinh.

Bên hông tượng đài, sát cạnh tấm bia đá ghi chiến tích của chị, có một gốc cây mít vẫn sống và cho lá xanh tươi. Theo lời kể của bà Huê, cây mít này chính là nơi năm xưa chị Tuyết bị địch dùng cực hình khủng khiếp nhất trong những ngày cuối đời.

Khói lửa, binh đao, là những gì người ta hay nói về Quảng Trị. Năm tháng qua đi, nhưng vết sẹo thành hình từ những ngày không quên ấy vẫn còn day dứt, âm ỉ trong tim người hậu thế.

Tại vị trí cây mít, theo bà Huê năm xưa nơi chị Tuyết ngã xuống.

Giờ đây mỗi khi nhắc về người con gái anh hùng của vùng đất nắng gió Hải Lăng, người ta vẫn hướng về chị Tuyết với sự thành kính đến khâm phục. “Nếu thương o Tuyết thì cứ ráng lên thắp nén nhang. Như tui đây, già yếu rồi nhưng năm nào khỏe khỏe cũng gắng lên đôi ba bữa, năm nào đau bệnh quá thì thôi, chớ chừng nào còn sức thì tui vẫn đi…”, bà Huê nghẹn ngào chia sẻ.

Để ghi nhận sự hy sinh anh dũng và những đóng góp cho cách mạng, ngày 23-7-1997, chị Lê Thị Tuyết được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 2004, nhân dân thôn Kinh Duy, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cùng đóng góp kinh phí để xây dựng tượng đài. Tại đây, các em học sinh vẫn hàng ngày chăm sóc, trồng cây, làm sạch đẹp hơn cho nơi an nghỉ của chị.

Tượng đài đã nhiều lần được chỉnh trang, tu sửa nhờ sự hỗ trợ từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và chính quyền địa phương.

Tuyết Nhi

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/tuong-nho-nu-si-anh-hung-cua-vung-dat-hai-lang-quang-tri/