Tường rào biên giới - trào lưu sợ hãi?

Khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, châu Âu và phương Tây từng nghĩ Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, sự chia rẽ giữa các dân tộc cũng biến mất. Vậy mà gần 30 năm sau, số lượng bức tường và hàng rào lại tăng lên gần như khắp nơi trên thế giới. Người ta bảo đó là xuất phát từ trào lưu sợ hãi.

Những ngôi nhà dân nằm sát bức tường biên giới giữa Mexico - Mỹ. Ảnh: Reuters

Biên giới chính trị “từ cổ chí kim”

Có lẽ Vạn lý Trường thành của Trung Quốc chính là bức tường chính trị đầu tiên trên thế giới. Được khởi công vào thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, bức tường trải dài đến 50.000 km trong nhiều triều đại và có vị thế khác nhau tùy theo từng giai đoạn lịch sử: chiến tuyến, chiến lũy, biên giới.

Cũng phải kể đến những bức tường lớn khác mang tính chính trị trong quá khứ, như phòng tuyến biên giới thời La Mã cổ đại xây từ thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ III. Hoàng đế Julius Cesar là người châu Âu đầu tiên xây tường biên giới. Dưới thời Hoàng đế Hadrianus, khoảng 7.000 km thành lũy đã được xây dựng. Từ đó, những bức tường vẫn được nhắc đến trong lịch sử của các triều đại, vương quốc, Nhà nước, qua nhiều thế kỷ và ít được nhắc đến hơn vào thế kỷ XX.

Số lượng tường rào biên giới tăng dần từ thập niên 2000 do nhiều yếu tố. Một số là kết quả của chiến tranh, như giữa Israel và Liban, giữa Kuwait và Iraq, hoặc bên trong một số thành phố như Belfast hay Bagdad. Ngoài ra, hàng rào an ninh được Israel xây từ năm 2002 tại Cisjordanie là một trong những “bức tường” gây nhiều tranh cãi nhất thế giới, bị Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án năm 2003 và bị Tòa án Công lý Quốc tế La Haye phản đối năm 2004.

Một số khác nhằm mục đích phân chia biên giới chưa chính thức tồn tại, như tường ngăn Maroc với Tây Sahara, ngăn Thổ Nhĩ Kỳ với Cyprus, ngăn Ấn Độ với vùng Kashmir. Cuối cùng, còn có những tường rào nhằm ngăn làn sóng nhập cư như tường ngăn Ấn Độ với Bangladesh, giữa Mỹ và Mexico, giữa Tây Ban Nha và Maroc, hoặc giữa hai thành phố Ceuta, Melilla (thuộc Tây Ban Nha) với phần lãnh thổ Maroc ở Bắc Phi.

Theo thống kê của nhà nghiên cứu chính trị Elisabeth Vallet, thuộc Đại học Québec ở Montreál (UQAM), thế giới có khoảng 70-75 bức tường biên giới đã hoặc sẽ được xây. Số lượng tường hoặc hàng rào chiếm từ 6% đến 18% trên tổng số hơn 250.000 km biên giới đường bộ trên Trái đất. Tuy nhiên, con số này giao động tùy theo “định nghĩa” rào cản, đường biên của mỗi nhà nghiên cứu. Bức tường lớn nhất, đẹp nhất có thể sẽ là dự án kéo dài “bức tường của Bush” ngăn cách biên giới Mỹ và Mexico đang được Tổng thống Donald Trump theo đuổi.

Trào lưu?

Không thống nhất về con số bức tường biên giới, song giới chuyên gia đều có chung một nhận định: việc xây tường đang trở thành trào lưu. Từ hàng rào, chướng ngại vật, tường thật cho đến những “bức tường điện tử, tường ảo” như Brazil đang muốn thiết lập ở biên giới với 10 nước, tất cả đều phản ánh thực trạng thế giới chính trị hiện nay.

Trào lưu dựng tường biên giới trở nên phổ biến sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi thế giới bị chia thành hai cực tư tưởng: cộng sản và tư bản. Berlin trở thành biểu tượng của giai đoạn này, từ 1961-1989. Hiện thế giới vẫn còn một đường biên giới hàng rào kẽm gai thể hiện rõ tư tưởng Chiến tranh Lạnh, ngăn cách hai miền Triều Tiên, được dựng từ năm 1953 và là “bức tường”cổ nhất trong thế giới hiện đại.

Xe tải xếp hàng chờ làm thủ tục thông quan sang Mỹ qua biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: Reuters

Theo nhà nghiên cứu Elisabeth Vallet, có 3 nguyên nhân giải thích cho trào lưu này: hậu quả từ vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ; nhu cầu đảm bảo an ninh trước mối đe dọa thánh chiến và nhập cư; khẳng định chủ quyền và biên giới quốc gia. Nhà nghiên cứu Alexandra Novosseloff, chuyên gia của Liên hợp quốc, cũng có cùng nhận định: “Năm 2001 là thời điểm quan trọng đối với thế giới. Những bức tường mới được xây dựng để chống chọi những nỗi sợ toàn cầu mới, như khủng bố và di dân. Chúng là một trong những giải pháp an toàn trong quan điểm an ninh của thế giới”. Nhà nghiên cứu Pháp Michel Fourcher nhấn mạnh “khẳng định đường biên giới là điều không tránh được: nếu vẫn còn những vấn đề về an ninh thì sẽ còn nhu cầu về bảo vệ. Và công việc bảo vệ đầu tiên chính là đường biên giới”.

Giải pháp?

Hàng rào ngăn cách Ceuta, Melilla không phải là chướng ngại vật chống di dân duy nhất trên lãnh thổ châu Âu mà hiện còn nhiều hàng rào như vậy được dựng lên tại Hy Lạp, Bulgaria, Hungary. Pháp cũng đang cố tìm cách ngăn chặn người nhập cư vượt biển Manche sang nước Anh với dự án xây một bức tường kéo dài cao 4 mét ở Calais.

“Bức tường của Bush” mà Tổng thống Trump đang muốn kéo dài có thể giúp giảm một nửa số người nhập cư trái phép từ Mexico và Trung Mỹ. Tuy nhiên, bài học từ bức tường Berlin là người dân Đông Đức bị khép kín trong suốt 28 năm. Về mặt chính trị, xây một bức tường được cho là cách thể hiện sức mạnh, nhưng thực ra lại chứng tỏ sự sợ hãi, sự đối chọi giữa một bên là người di cư và bên kia là một nhà nước thu mình phòng thủ. Theo Michel Fourcher: “Chính sự hiểu biết thế giới đẩy mạnh quá trình di dân: người ta biết rằng “ở bên kia” tốt hơn, vì vậy họ cứ đi. Những hàng rào chống nhập cư chỉ làm chậm lại hoặc đổi hướng các luồng nhập cư mà thôi”.

Dĩ nhiên, theo nhà nghiên cứu Alexandra Novosseloff, “một bức tường không bao giờ hiệu quả trong dài hạn. Nhưng đôi khi, nó mang lại hiệu quả trong ngắn hạn, hoặc tạo cảm giác là giới chính trị đã làm điều gì đó”. Trong một xã hội bị giằng xé giữa một bên là tiến bộ của toàn cầu hóa và bên kia là bảo vệ bản sắc, dường như ý muốn phòng vệ đằng sau bức tường ngày càng thắng thế. Tại châu Âu, châu Mỹ hay các châu lục khác, đang tồn tại bất đồng lớn giữa những người thực sự muốn giải quyết vấn đề di cư và những người chỉ muốn dựng lên những bức tường và rào cản, vì lý do nào đó.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tuong-rao-bien-gioi-trao-luu-so-hai/