Tướng Sùng Thìn Cò: 'Nhiều lãnh đạo có 'sân sau', có doanh nghiệp đằng sau đấy'

'Phải xác định được đối tượng, thông thường từ trước nay chúng ta đều xác định là người có chức vụ, có quyền hạn, tức là có điều kiện để tham nhũng', Thượng tướng Lê Quý Vương (ĐBQH đoàn Hưng Yên) phân tích.

Tại phiên thảo luận tổ chiều 9/11, về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã đi sâu vào phân tích dự thảo này.

Cần mở rộng đối tượng áp dụng ra khu vực ngoài Nhà nước

Góp ý vào dự thảo Luật, nhiều đại biểu QH cho rằng, tham nhũng bây giờ không chỉ là những người có chức có quyền mà công chức bình thường cũng có thể tham nhũng. Do đó, việc mở rộng diện kê khai tài sản là phù hợp.

Với quy định về việc cán bộ thuộc đối tượng kiểm soát phải kê khai tài sản, thu nhập của cả người thân, ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng có nghịch lý khi chỉ buộc kê tài sản với con chưa thành niên – đối tượng vẫn phải sống phụ thuộc, gần như không có có tài sản.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Giang)

"Trong khi con đã thành niên lại rất nhiều khả năng để “tiếp tay” cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng mà lại không phải kê khai", ông Hiểu nói.

Mở rộng diện đối tượng trong trường hợp này, theo ông Hiểu, chính là để theo dõi sự biến động tài sản của cán bộ.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) nói, kê khai tài sản khó lắm. Không biết ai có, ai không. “Nhiều lãnh đạo có "sân sau" đấy, có doanh nghiệp đằng sau đấy. Xin được một dự án về là biết ngay, lộ ra hết. Dự án của chúng ta toàn phát sinh vốn, có vấn đề ở chỗ đấy đấy", Tướng Sùng Thìn Cò nói thêm.

Theo đó, tướng Sùng Thìn Cò nói việc kê khai tài sản phải trung thực, không nên để tình trạng khi kê khai thì cán bộ dưới xuôi lại… nghèo hơn cán bộ miền ngược.

Trong khi đó, ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) nêu quan điểm, đưa vào dự thảo luật phải xác định đúng đối tượng có thể tham nhũng, nếu đưa quá nhiều, đưa tràn lan đối tượng “nguy cơ tham nhũng” nhưng khả năng quản lý không có nên khó kiểm soát được. Do đó phải xem xét, tính toán lại, chứ đưa những đối tượng chẳng có gì để tham nhũng vào thì… “vừa buồn vừa tủi”.

“Phòng” là chính

Còn thượng tướng Lê Quý Vương (ĐBQH đoàn Hưng Yên), Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng dự thảo luật có mấy điểm "chốt" và phải nhấn mạnh được yếu tố "phòng".

Tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ĐBQH đoàn Bạc Liêu)

Tướng Vương cho rằng đây là một luật hết sức quan trọng, phải thiết kế sao cho xứng với cái tên của luật và cần nhấn mạnh việc phòng rồi mới chống, còn khi có tham nhũng xảy ra thì trách nhiệm điều tra, xử lý đã thuộc cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra.

“Vấn đề thứ hai là xác định được đối tượng, thông thường từ trước nay chúng ta đều xác định là người có chức vụ, có quyền hạn, tức là có điều kiện để tham nhũng", ông Vương phân tích.

ĐB Lê Quý Vương cũng cho rằng, Luật này cần phải nhấn mạnh đến vấn đề phòng tham nhũng, để làm sao cho người ta “không dám” tham nhũng nữa. Theo đó, ông Vương cũng đề nghị dự thảo Luật cần mở rộng đối tượng áp dụng ra khu vực ngoài Nhà nước, bởi trong bối cảnh đổi mới hiện nay, các đơn vị kinh tế nhà nước sẽ giảm, khu vực tư nhân tăng lên và khu vực tư nhân lại tác động đến quản lý của Nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho rằng: “Tham nhũng phức tạp, người tham nhũng là công chức, người có trình độ hiểu biết một khi mà có ý đồ giấu giếm thì việc phát hiện khó khăn".

"Do đó, trong phòng chống tham nhũng - quan điểm cá nhân tôi - phòng là chính. Chúng ta thiết kế làm sao, để cho người có ý đồ tham nhũng không thể tham nhũng, còn để tham nhũng rồi phát hiện, xử lý rất đau lòng”, ông Khái nhấn mạnh thêm.

Ông Khái mong muốn các ĐBQH thảo luận, góp ý Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để làm sao thiết lập được khuôn khổ pháp lý thật chặt, không có kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để tham nhũng và có cơ chế kiểm soát.

NGUYỄN THANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tuong-sung-thin-co-nhieu-lanh-dao-co-san-sau-co-doanh-nghiep-day-d66696.html