Tướng trẻ vào trận

Những ngày trái bóng ngừng lăn vì đại dịch Covid-19 hóa ra lại khiến huấn luyện viên (HLV) Dương Hồng Sơn tất bật hơn mọi khi. Ngoài việc cùng vợ chăm sóc con cái, vườn tược, anh tập trung học tiếng Anh, xem lại các trận đấu bóng đá rồi ghi chép.

Những thành công liên tiếp cùng với bóng đá trẻ Hà Nội hai năm trở lại đây, trong đó có chức vô địch Giải U.21 quốc gia 2019 đã cho thấy Dương Hồng Sơn khá “mát tay” với công việc huấn luyện. Năm 2018, tức là chỉ hai năm sau khi giải nghệ, anh đã hoàn thành khóa học HLV chứng chỉ B của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Dù được đánh giá cao, song Hồng Sơn muốn sự nghiệp huấn luyện của mình đi theo trình tự. Anh tâm sự: “Một số đội bóng ở V-League đã ngỏ ý nhưng tôi chưa nhận lời. Tôi cần thời gian để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Bởi tôi biết sẽ còn nhiều khó khăn lắm. Tôi đang đầu tư để học tiếng Anh, bởi đây là công cụ tốt nhất để tiếp cận chiến thuật bóng đá thế giới. Tôi cũng tranh thủ đọc thêm để hiểu cách các HLV giữ vững tâm lý cho học trò, cách sử dụng công nghệ để phân tích đối thủ...”.

Bóng đá Việt Nam lâu nay vẫn nói nhiều về công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Nhưng một trong những nhiệm vụ quan trọng không kém, ảnh hưởng trực tiếp đến nền bóng đá mà không được nhiều người nhắc đến là công tác bồi dưỡng, đào tạo trọng tài và đặc biệt là HLV.

 Dương Hồng Sơn được xem là HLV trẻ tài năng, triển vọng. Ảnh: QUANG THỊNH.

Dương Hồng Sơn được xem là HLV trẻ tài năng, triển vọng. Ảnh: QUANG THỊNH.

Một cầu thủ giỏi chưa chắc đã là một HLV tốt và ngược lại. Muốn có một HLV chất lượng thì trước hết đó là yếu tố tài năng về lãnh đạo, chiến thuật và đặc biệt là sự quan tâm bồi dưỡng, đầu tư của chính mỗi câu lạc bộ (CLB). Nếu hỏi người hâm mộ rằng, cầu thủ bóng đá Việt Nam nào tiệm cận với trình độ của châu Á thì không khó để nhiều người kể ra Văn Hậu hay Quang Hải. Nhưng khi hỏi, HLV Việt Nam nào có đủ đẳng cấp dẫn dắt một đội bóng trong khu vực thì chắc chắn mọi người sẽ ậm ừ chứ đừng nói tới tầm châu lục. Tại châu Á, bằng huấn luyện môn bóng đá được phân cấp theo thứ tự từ C, B, A đến Pro; trong đó Pro là bằng cấp cao nhất. Thực tế cho thấy, số lượng HLV bóng đá Việt Nam đạt đẳng cấp Pro của AFC chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lâu nay, các HLV bóng đá Việt Nam được đánh giá không thua kém những đồng nghiệp khu vực về chuyên môn, song điểm yếu về ngoại ngữ khiến họ khó phát triển. Ước muốn về một nền bóng đá sở hữu nhiều nhà cầm quân đẳng cấp đều trông đợi cả vào thế hệ trẻ như Dương Hồng Sơn hay những người thuộc thế hệ 8X và cuối 7X.

Chỉ hơn Dương Hồng Sơn 3 tuổi, nhưng HLV Vũ Hồng Việt từ lâu đã nổi lên là một nhà cầm quân tài năng và hiện nay khá có “số má” tại V-League. Sau hàng loạt thành tích nổi bật tại các giải trẻ, Hồng Việt thay thầy cũ Hoàng Văn Phúc đảm nhiệm vai trò “thuyền trưởng” của Quảng Nam đương đầu với sóng dữ. Mùa trước, anh giúp Quảng Nam hạ cánh an toàn ở vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng. Mùa giải này, mặc dù đội bóng xứ Quảng mới giành được một trận hòa sau hai vòng đấu nhưng chẳng đội bóng nào dám chủ quan khi đối đầu với đoàn quân của thầy trò HLV Vũ Hồng Việt. Ở tuổi 41 và đang sở hữu bằng A, những ngày này, Vũ Hồng Việt vừa lên giáo án cho các học trò tập luyện thích ứng trong lúc dịch Covid-19, vừa miệt mài đèn sách con đường học tập để lấy bằng Pro. Hay HLV Nguyễn Minh Phương sau những khởi đầu thất bại tại Long An, SHB Đà Nẵng tại V-League nay tiếp tục nuôi “mộng đẹp” tại Giải hạng Nhất quốc gia khi cầm quân đội Bình Phước.

Cùng thế hệ 8X như Hồng Sơn, Minh Phương, HLV Mai Xuân Hợp cũng nổi lên như là một “thuyền trưởng” đầy tài năng. Vẫn biết ban lãnh đạo CLB Thanh Hóa có phần hơi nóng khi sớm bổ nhiệm Xuân Hợp dẫn dắt đội một trong nửa mùa giải 2019 và rồi thất bại, song tương lai của anh vẫn còn rất rộng mở. Trước đó, trong nhiệm vụ đào tạo bóng đá trẻ Thanh Hóa có ai hơn được Xuân Hợp? Điều đó không chỉ thể hiện ở chức vô địch Giải U.17 quốc gia 2019 cùng Thanh Hóa mà Xuân Hợp giành được mà ở nhà cầm quân trẻ này toát lên một sự nhiệt huyết, máu lửa và hết mình vì bóng đá. Dù hiện tại làm trợ lý HLV đội một, đồng thời dẫn dắt lứa U.17 Thanh Hóa nhưng ở Xuân Hợp toát lên sự tâm huyết và câu nói “không để bóng đá xứ Thanh bị xem thường” của anh thật sự thể hiện tình yêu mãnh liệt, khát khao được để lại dấu ấn gì đó với đội bóng quê hương.

Với bóng đá xứ Nghệ, thời gian qua, cặp đôi Văn Quyến-Như Thuật có đóng góp đáng kể với bóng đá trẻ; trong đó nổi bật là chức vô địch U.15 quốc gia 2019 cùng Sông Lam Nghệ An. Mùa này, Như Thuật được đôn lên làm trợ lý huấn luyện đội một, trong khi Văn Quyến được làm HLV phó đội U.17 đã hứa hẹn một tương lai rộng mở. Và với Quốc Vượng sở hữu bằng C trong tay, anh đang đặt những bước chân đầu tiên vào sự nghiệp huấn luyện trong vai trò làm trợ lý của HLV Phạm Anh Tuấn tại Hải Phòng FC...

Nhìn vào những gương mặt kể trên chúng ta thấy được sự cố gắng, nhiệt huyết của họ trong việc nỗ lực trở thành một “thuyền trưởng” đẳng cấp. Hiện tại, các HLV mới vào nghề tất nhiên chưa thể và chưa được nắm các đội có thực lực mạnh nhưng vào việc từ thấp đến cao, quá trình từng trải sẽ nhào nặn, nâng cao dần tay nghề, bản lĩnh. Không mấy xa đâu, họ đã và đang gửi lời thách thức đến các HLV nội bằng việc không ngừng rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Tất nhiên họ đều phải vừa làm vừa học, học những tri thức tiên tiến của bóng đá hiện đại, học những kinh nghiệm của các nhà cầm quân để áp dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh từng CLB nước nhà.

HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/tuong-tre-vao-tran-615523