Tường trình ở 'thôn nhảy dù'

Hơn 200 hộ và 1.000 nhân khẩu di cư tự phát từ các nơi đến vùng đất dọc quốc lộ 29, sát Vườn quốc gia Yok Đôn, thuộc địa phận xã Cư M,lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk lập vườn, lập nhà sinh sống. Lâu nay, họ sống không có điện, nước, chợ, trường học, các loại giấy tờ tùy thân, kể cả những đứa trẻ sinh ra cũng không có giấy khai sinh..., chính quyền địa phương cho rằng họ sống bất hợp pháp, cần phải trở về nơi ở cũ.

Y bác sĩ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Ea Súp tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em tại “thôn nhảy dù". Ảnh: Hải Luận

Bài 1: Sắp chết mới sợ bệnh

Vì cuộc sinh tồn, bố mẹ phải cắn răng để đàn con nhỏ ở nhà tự xoay xở, trông coi lẫn nhau cho bố mẹ đi làm thuê ở nơi rất xa, có khi cả tháng vẫn chưa về. Hàng trăm đứa trẻ không được đi học, không được chăm sóc y tế tại chỗ... Chỉ đến khi bọn trẻ bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, họ mới giật mình lo sợ.

“Bác sĩ ơi, phía dưới kia có 12 hộ, bố mẹ đã vào Bình Dương đi làm thuê, thả mấy đứa nhỏ ở nhà, không có ai đưa lên đây tiêm thuốc. Bác sĩ cố gắng xuống đó tiêm cho chúng nó, tội nghiệp lắm” - Ông Thào Xeo Xẻng, dân tộc Mông, Thôn trưởng “tự phong” nói với bác sĩ Nguyễn Viết Hữu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Ea Súp, đang ở “thôn nhảy dù”, xã Cư M,lan dập dịch sởi. Sau một hồi hỏi thăm đường đi và chỗ đặt bàn tiêm thuốc, bác sĩ Hữu chốt lại: “Không thể ngồi giữa nắng chang chang này tiêm thuốc được. Nếu tiêm xong mà không có người lớn ở nhà theo dõi vào ban đêm, lỡ có chuyện gì xảy ra thì kêu cứu ai giữa chốn rừng thiêng nước độc?”.

Vì miếng ăn, “giết chết” con chữ

Thiếu tá Hà Ngọc Lâm, trinh sát viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê, BĐBP Đắk Lắk, chở tôi vượt qua 25km đường rừng đầy “ổ voi” mới đến được nơi cư ngụ của 12 hộ dân chỉ có mấy đứa nhỏ ở nhà. Ông Dương Văn Diền, người hàng xóm dẫn tôi đến một đoạn khá xa mới gặp nhà có mấy đưa trẻ đang đứng dưới bóng cây nho nhỏ, giữa cái nắng như thiêu như đốt. “Đây, nhà của ông Vừa Du Vơ. Vợ chồng hắn đi làm thuê trong Bình Dương hơn một tháng rồi, 3 đứa nhỏ này ở với nhau. Hằng ngày, đứa lớn phải thay bố mẹ nó nuôi 2 đứa em” –- Ông Diền giới thiệu vắn tắt.

- Con bao nhiêu tuổi rồi? – Tôi hỏi đứa lớn.

- 12 tuổi.

- Em con mấy tuổi?

- Đứa nhỏ 2 tuổi.

- Con có đi học không?

- Không đi học, ở nhà chăm em.

- Ai đi chợ mua thức ăn hàng ngày?

- Không đi chợ, ra ngoài rừng hái rau ăn, xuống dưới hố nước mò bắt cá về ăn. Nhiều hôm, chỉ ăn cơm với nước suối.

- Bố mẹ con lúc nào về?

- Không biết.

Bố mẹ đi làm thuê ở Bình Dương, 3 đứa trẻ này ở xã Cư M,lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk ở nhà với nhau cả tháng. Ảnh: Hải Luận

Vùng này đang trong đỉnh điểm mùa khô, cây rừng khô như cháy, chưa kể những cánh rừng đã bị cạo sạch để lấy đất canh tác, nắng quá không có cây rau nào sống nổi. Cá dưới hồ, năm thì mười họa các cháu mới bắt được vài con cá rô nhỏ bằng cái bút bi còn sót lại. Cái nhà tôn của các cháu đang ở chỉ cao hơn 2m, nóng như rang. Buổi trưa, buổi chiều, các cháu phải ra ngồi dưới bóng cây cho đỡ nóng. Gần đó trong một ngôi nhà rách nát khác, chỉ có một đứa nhỏ đang nằm trên võng. Tôi đưa máy ảnh lên, chưa kịp chụp, nó đã khóc ré lên. Ông Diền nói: “Bố mẹ nó cũng đang đi làm thuê ở xa lắm”.

Nhà ông Diền được coi là hạng “khá giả” nhất vùng, có 4 đứa con, chẳng đứa nào được đi học. Cố hỏi mãi, ông mới nói ra, lo miếng ăn còn chưa đủ, tiền đâu mà đưa con ra ngoài xã Cư M,lan ở trọ học. Theo thống kê của ông Thôn trưởng “tự phong” Thào Xeo Xẻng, cả vùng này có 400 trẻ đã đủ tuổi học nhưng không có trường để đi học, có 32 cháu đang ở trọ học tại Trung tâm xã Cư M,lan, 60 cháu mới sinh ra không có giấy khai sinh.

“Từ thôn chúng tôi đang ở ra trung tâm xã 24km, đường đất bụi mù. Mấy nhà hùn nhau thuê phòng trọ cho các cháu ở, đứa lớn nhất học lớp 6, nhỏ nữa học lớp 1, 2. Con tôi nhỏ nhất, mới 4 tuổi, học mầm non cũng cho ở chung và nhờ mấy cháu lớp 6 chăm sóc. Sáng sớm thứ 2 chở con đi, chiều thứ 6 ra đón về. Nhiều hộ cho con học được một thời gian, chịu không nổi tiền nuôi ăn học, đành phải cho con bỏ học” – Ông Xẻng xót xa kể lại.

Gần chết mới đi bệnh viện

Ngày chúng tôi đến vùng dân cư này, gặp được đoàn y bác sĩ của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Ea Súp vào dập dịch sởi và tiêm chủng cho số trẻ dưới 15 tuổi. Bác sĩ Nguyễn Viết Hữu kể: “Tuần trước, có một người mẹ đưa con đến đây khám bệnh, tôi phát hiện đứa con bị mắc bệnh sởi đã phát ban đỏ khắp người. Tôi lập tức yêu cầu nhập viện điều trị, nhưng người mẹ cứ khăng khăng không nằm viện. Hỏi mãi, bà mới nói không có tiền. Tôi lập tức theo bà về tận nhà để tìm nguồn ổ dịch sởi từ đâu ra. Qua điều tra, phát hiện có 5 người đang bị bệnh sởi ở xung quanh, có người đang sốt cao, có người đã lộ những nốt đỏ rồi. Tôi lập tức động viên họ ra huyện nhập viện điều trị bệnh. Họ không sợ chết, chẳng có người nào đi viện. Tôi làm kế hoạch gửi UBND huyện Ea Súp, phải vào dập dịch sởi ngay, không chậm trễ. Nếu để chậm, nó lây lan rộng thì rất khủng khiếp”.

Trạm chống dịch “tiền phương” được tổ chức làm tại nhà ông Xẻng, trong 1 buổi có rất đông người dân đến khám sàng lọc, tiêm vắc-xin; trạm cũng phát mùng, võng miễn phí cho bà con. Theo bác sĩ Hữu, đa số trẻ em từ 9 tháng đến 15 tuổi ở đây chưa được tiêm vắc-xin loại gì. Lần này, cháu nào đến đây cũng được tiêm vắc-xin. Ông Xẻng tâm sự từ đáy lòng: “Dân ở đây vì đói nghèo, vì trình độ thấp, vì liều mạng nên ít quan tâm đến ốm đau. Sắp chết, người ta mới sợ, bình thường có sốt, có ho cũng mặc kệ. Có bà cụ ở gần đây, bị đau lâu lắm rồi mà không đi bệnh viện. Đến khi bụng trướng to lắm, người nhà mới đưa cụ xuống bệnh viện. Điều trị được vài ngày, bệnh viện trả về chờ chết. Cụ chết 2 ngày rồi, chiều hôm nay đưa đi chôn. Đoàn bác sĩ nhiệt tình vào đây tiêm thuốc cho con em, nhưng chưa được 50% số nhà đưa con đến tiêm. Số khác phải bỏ nhà đi làm ăn xa, số còn lại không sợ bệnh”.

Bài 2: Ở lại hay “nhổ” đi?

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tuong-trinh-o-thon-nhay-du/