Tường trình từ thảm họa sóng thần ở Indonesia: Tìm lạc quan giữa muôn gian khó

Trong những ngày tác nghiệp ở Palu (Indonesia), chúng tôi đã gặp nhiều cảnh đời cùng cực, nhưng nhìn cách họ khắc phục cuộc sống, tìm lạc quan vượt lên gian khổ thực tại, thực đáng nể.

Một chiếc xe hơi bị nuốt vào hố do hiện tượng đất hóa lỏng ở làng Petobo

Từ sau thảm họa động đất kèm sóng thần xảy đến với Palu vào ngày 28.9, việc tìm kiếm nạn nhân sống sót dưới các đống đổ sập chạy đua với thời gian. Sau cơn động đất, khách sạn bề thế Roa Roa, cao 8 tầng lầu ở ngay trung tâm Palu, chỉ còn là đống bê tông ngổn ngang. Dấu hiệu còn người sống sót trong đống đổ nát thông qua tiếng kêu la được nghe thấy từ bên ngoài, nhưng chỉ sau một ngày các tín hiệu đã im bặt.

Khách sạn Mercure cũng nhen nhóm lên tia hy vọng khi chiều 4.10 đội nhân viên cứu hỏa khẩn cấp của Pháp phát hiện vẫn còn sự sống, nhưng chỉ một ngày sau, tín hiệu về sự sống được thông báo đã mất. Dấu hiệu về sự sống của các nạn nhân thảm họa kép trong các đống đổ nát hiện ở Palu đã xác định không còn, công việc còn lại là tìm kiếm tử thi và giúp người dân khắc phục khó khăn.

Người đi kẻ ở

Đứng trong hàng người đợi chuyển lên máy bay Hercules 130 của quân đội Indonesia di tản khỏi Palu, mỉm cười và vẫy tay khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, bà Jayachandra vui mừng bảo: “Tôi đợi 3 ngày nay mới đến lượt được đưa đi khỏi Palu, tôi sẽ đến Balikpapan để vào khu định cư tạm, ở đó tôi nghĩ cuộc sống sẽ ổn định hơn, được chăm sóc tốt hơn vì hiện nhà cửa của tôi ở đây đã bị sóng thần cuốn đi hết, chỉ còn lại phần nền. Nếu tiếp tục ở lại, tôi không biết mình phải sống thế nào. Cứ nghĩ đến thảm họa là thấy bất an, tôi chọn giải pháp ra đi, vì không muốn nhớ lại những gì mình đã chứng kiến”.

Agus vẫn ngủ lại trong căn phòng của mình ở làng Petobo, dù chỉ còn là đống đổ nát

Một hình ảnh trái ngược khác ở làng Petobo, khi len lỏi vào đống đổ nát trong làng, chúng tôi bất ngờ khi thấy Agus đang ngả lưng trên tấm nệm nghỉ trưa. Qua trò chuyện, mới hay đây chính là căn phòng trước kia của Agus, nhưng giờ chỉ còn lại phần khung sắt, gạch ngói và bê tông đổ nát, duy có cái nệm là còn nguyên hình dạng và khá sạch sẽ.

[VIDEO] Hậu thảm họa kép Indonesia: bới tìm thức ăn giữa đổ nát hoang tàn

Dù còn nhiều thi thể đã được phát hiện mắc kẹt trong đống đổ nát hoặc chưa tìm thấy ở hai ngôi làng bị hiện tượng đất hóa lỏng là Balaroa và Petobo, theo thông tin mới nhất, giới chức trách đang cân nhắc khả năng ngừng tìm kiếm người chết bởi các tử thi đã vào giai đoạn mục rữa, không còn khả năng nhận dạng và lo ngại khả năng nhiễm khuẩn, lây lan đến đội cứu hộ và người dân. Làng Balaroa và Petobo sẽ được chỉ định thành mộ tập thể.

Agus bảo: “Tôi không đi được vì người thân của tôi đang nằm dưới đống đổ nát, tôi sẽ ở lại đây đợi đến khi đưa hết mọi người ra ngoài, lúc đó mới tính chuyện đi tìm nơi ở mới”. Nhìn không gian sống của Agus, hai thứ quý nhất là bình đựng nước 20 lít để anh sống cầm hơi, và 3 lít xăng anh cất công xếp hàng mua từ mấy ngày trước để đợi khi xe xúc đến, anh phụ thêm giúp cho việc đào bới các thân nhân của anh được nhanh chóng hơn.

Điểm nóng nhất ở Palu ngay sau thảm họa là khu vực sân bay, cửa ngõ để tiếp nhận hàng cứu trợ cũng như di tản, dù bị hư hại nặng nề, nhưng vẫn cố gắng hoạt động, mọi thao tác tiếp nhận đều bằng kỹ thuật hết sức thủ công.

Gặp Shatfril, nhân viên mặt đất của sân bay Palu trong giờ nghỉ ngắn giữa trưa 6.10, anh bảo: “Từ sau ngày 28.9, tôi chưa về lại nhà, ăn ngủ ở sân bay luôn để thay nhau làm việc cùng mọi người. Cả gia đình tôi đều đã qua Makassar vì khi bị động đất, nhà bị rạn nứt, ở lại không an toàn. Tôi chọn ở lại vì còn nhiều việc phải làm, đến khi nào mọi chuyện ở sân bay trở nên ổn định hơn, lúc đó mới tính chuyện đi hay ở”.

Tại khu sân bay quân sự, hàng ngàn người ngày đêm xếp hàng với lỉnh kỉnh hành lý chờ đến lượt thoát khỏi Palu.

Cornelia tươi cười trong lều bệnh viện dã chiến ở Palu

Sống lạc quan

Đi trong thành phố Palu, chúng tôi gặp được gia đình anh Asad - giáo viên tiếng Anh - sống bám ở vỉa hè từ ngay sau thảm họa. Hỏi Asad sao không chọn giải pháp di chuyển đến Makassar hoặc Balikapan, anh bảo: “Tổ tiên bao đời chúng tôi ở đây, nên dù tai ương thế nào đi nữa, chúng tôi cũng không đi đâu cả. Chúng tôi có cả đại gia đình, nương tựa vào nhau mà sống, người lớn chăm sóc con trẻ, chấp nhận với thực tại. Không oán trách ai được, đây là thảm họa của tự nhiên, là con người, mình sống phải biết cam chịu và hướng lên phía trước”.

Nhờ có Asad, mọi người trong gia đình giữ được tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn, cũng chưa bao giờ cả đại gia đình Asad hội tụ về cùng một nơi ở, với ông bà, chú bác, dâu rể, con cháu của cả 3 thế hệ với hơn 50 người sống cùng một chỗ, ngủ cùng một nơi, mà lại là vỉa hè, chỉ lót tấm chiếu tạm như thế. Mang suy nghĩ đầy lạc quan, Asad bảo thêm: “Nếu thấy khổ mà buông thì sẽ càng khổ thêm thôi, gặp tai ương thế này, chúng tôi cần phải sống gần nhau, dựa vào nhau để vượt qua khổ cực phía trước”.

[VIDEO] Hậu thảm họa động đất, sóng thần Indonesia: Bệnh xá quá tải, nguy cơ nhiễm trùng cao

Nhìn cả đại gia đình Asad, thật khó hình dung đây là những nạn nhân thảm họa sóng thần đã mất đi nhà cửa, người thân và đang đối mặt với cuộc sống thiếu thốn. Hỏi thêm Asad vì sao không vào khu tập trung ở để các tổ chức thiện nguyện và chính quyền dễ chăm sóc hơn mà lại chọn vỉa hè, Asad thực lòng: “Chúng tôi chọn vỉa hè, tự lo cho mình, vì thấy còn đủ khả năng, những nơi ở tập trung để dành cho các gia đình bị thiệt hại nặng nề và mất khả năng tự chăm lo cho cuộc sống. Lý do nữa là mỗi ngày đều có các dư chấn nhỏ, có thể cảm thấy rung lắc, ở trong nhà thật không an toàn”.

Không gian làm việc của nhân viên chăm sóc y tế ngay phần sân Bệnh viện Rsud Undata

Phụ nữ và trẻ em tiếp tục được di tản khỏi Palu

Nhớ lại chuyện ngủ vỉa hè, từ ngày đầu đến Palu vào hôm 3.10, khi công việc đã hoàn tất, khi thấy chúng tôi chuẩn bị cho giấc ngủ đêm trong phần mái hiên của tòa nhà Telkom để tránh sương lạnh, hai anh bạn đồng nghiệp Ulet và Putu người Indonesia đã can ngăn ngay lập tức: “Ra bờ cỏ ngủ, đừng nằm dưới bất kỳ công trình hay cây cối bởi lỡ có một cơn dư chấn hay động đất xảy ra thì lại phiền”. Từ những ngày kế tiếp, nhóm phóng viên tác nghiệp tại Palu đều chọn bờ cỏ ở ven đường, sân nhà làm chỗ ngả lưng qua đêm.

Đến Bệnh viện Rsud Undata, nơi đang điều trị các nạn nhân sóng thần, có thể nhận rõ tinh thần nạn nhân đã ổn định hơn, vết thương dần bình phục, mọi người tươi cười, thoải mái trò chuyện chứ không còn căng thẳng như những ngày gặp trước.

Ngoài phần sân bệnh viện, nơi trạm y tế dã chiến được dựng lên, nơi các nhân viên chăm sóc y tế phục vụ 24/24 khi người dân có nhu cầu, sát trùng, chăm sóc vết thương, công việc cũng thảnh thơi hơn.

Anh Rufus, nhân viên trực tại trạm dã chiến bệnh viện, cho biết: “Khoảng 3 - 4 ngày đầu, công việc chúng tôi luôn trong tình trạng quá tải, số người bị thương về bệnh viện rất nhiều, chúng tôi thực hiện các công đoạn tẩy trùng, sơ cứu vết thương, đánh giá mức độ rồi đưa ra phác đồ điều trị, điều dưỡng phù hợp, hoặc chuyển lên tuyến cao hơn. Hầu hết mọi người bị chấn thương trầy xước do nước cuốn, cơ thể va đập vào những vật trôi nổi cùng. Khoảng 3 ngày trở lại đây, chúng tôi không còn nạn nhân mới mà chỉ là người đang điều trị, một số đã bình phục và có thể về nhà. Tình hình hiện đang tiến triển tốt”.

Lam Phong

Huy Ân (từ Palu, Indonesia)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/tuong-trinh-tu-tham-hoa-song-than-o-indonesia-tim-lac-quan-giua-muon-gian-kho-1011059.html