Tưởng tượng cùng nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung

Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung đã tưởng tượng những gì để chúng ta – những độc giả phải tưởng tượng cùng. Là người viết dưới 30 tuổi, hẳn Nhung đã có những suy tưởng đáng để chúng ta chú ý.

Tại sao bàn về thơ, chúng ta phải lôi hết trào lưu này đến trào lưu nọ? Từ Siêu thực, Hiện thực, Chủ nghĩa Tự nhiên, Hiện thực chủ nghĩa, Đa Đa, Cánh Cụt, Thơ Loạn, Thơ Điên... đến Hậu Hiện đại, Đương đại gì gì đó. Tôi bàn về thơ là thơ.

Thơ là thể loại khó viết nhất, khó hơn cả truyện ngắn và tiểu thuyết. Đó là tôi nói việc viết bài thơ hay(!??). Thế nhưng, ở ta lại có rất nhiều người thích làm công việc khó đó, và đi đâu cũng gặp nhà thơ. Họ thấy rằng viết thơ thật dễ như trở bàn tay. Trong đó, phần nhiều là thơ lục bát.

Những cặp lục bát đầy rẫy trên mạng xã hội, trên các báo, những ái, ố, hỉ, nộ đều được phơi bày ra cả. Nhưng những câu thơ trên sẽ chết khô khi người ta đọc xong, bởi nó không được viết dưới đôi tay của người tài hoa. Và chính vì viết lục bát quá nhiều, mà giờ đây ở ta khó tìm ra được ai như những Baudelair, Rimbaud, Lautreámont, Mallarmé, Maia, Lorca, Olga, Hàn Mặc Tử... chứ chưa nói đến Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Puskin...

Loanh quanh như vậy cốt để lôi kéo mọi người chú ý đến nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung. Chị vừa in xong tập thơ đầu tay có tên “Thức cùng tưởng tượng”. Cái tựa đề này là tên một bài thơ viết về người lính có trong tập thơ.

“Thức cùng tưởng tượng” là chuỗi cảm xúc buồn, những cái buồn riêng tư, buồn ở tận vùng trung du, buồn ở phố, ở không gian hẹp, buồn vì chia xa, buồn vì tình yêu, buồn vì chiến tranh...

Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung

Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung

Mấy chục bài thơ hầu như đã được đăng rải rác khoảng 4-5 năm lại đây. Đọc kỹ, ta thấy ở Nhung mạnh về hồi tưởng lại không gian cũ, những dồn nén chất chứa nối nhau, nhưng đó cũng là điểm yếu khi hình ảnh mang lại chưa có nhiều chiều sâu.

Nhưng Nhung đã có tiếng nói cho riêng mình, dù giọng điệu nhẹ nhàng và đang lẫn vào đâu đó, nhưng ta vẫn nhận ra được Nhung, nữ thi sĩ với những câu thơ gầy như muốn ngã trước những cơn gió dù không lớn.

Chúng ta bắt gặp thiên nhiên trong thơ Nhung với gam màu sáng nhẹ, những màu tối trải khắp tập thơ. Nhung quá yếu đuối. Nhung cần mạnh dạn hơn nữa để đi tiếp con đường thơ của mình. Nhung cần thêm ít cá tính của Hồ Xuân Hương, hay đâu đó là của Bà Huyện Thanh Quan, và hãy lãng quên Xuân Quỳnh, thì Nhung mới là Nhung được.

Để dẫn dụ bạn đọc, tôi xin giới thiệu một số câu thơ tiêu biểu của Nhung trong tập “Thức cùng tưởng tượng”:

trăng lưỡi liềm hái cả mang đi

chỉ để lại cho cha mái rạ

(Nhà cũ)

cánh đồng ngủ trưa

cựa mình nói nhảm

(Trung du)

Chữ nghĩa dắt tôi đi

xa hơn khu vườn của nội

sao chưa đến được chân trời

(Khu vườn ký ức)

Ngày ý nghĩ con quay về xóm núi

nơi cha cuốc đất mỗi ban mai

giấc mơ con chưa ra khỏi vết đêm

tỉnh thức trong tiếng đá va lưỡi cuốc

(Có một ngày)

Trong bóng tối ập òa mất, được

dải mây đêm kín đáo thay màu.

(Đêm)

Những con chữ ồn ào trên giá

rêu rao gì mà rỗng rễnh đời ta.

(Cho nhau những lặng im)

Đêm nay ngựa trắng không ngủ

phi mãi trong rừng mưa

tiếng hí buồn hơn điệu sáo

(Ngựa trắng)

trà vừa rót xong đã nguội

lấy gì đằng đãi môi khô

(Ở phố nhà binh)

Đêm sốt ruột một vì sao lẻ

những người lính lại lẫn vào cỏ

cỏ xanh không cần tưởng tượng.

(Thức cùng tưởng tượng)

....

Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung sinh năm 1990, tại Phú Thọ. Chị là cựu sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội, học Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học (tiền thân là Trường Đại học Viết Văn Nguyễn Du). Hiện Nguyễn Thị Kim Nhung đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. "Thức cùng tưởng tượng" (in năm 2019) là tập thơ đầu tay của Nguyễn Thị Kim Nhung.

Vũ Gia Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuong-tuong-cung-nha-tho-nguyen-thi-kim-nhung-70753