'Tụt mood' và vô cảm

Chẳng biết người ta sao, chứ mấy phụ huynh chúng tôi, sáng sáng chở con đi học rồi ngồi cà phê chờ tới giờ vào công sở, gần đây chia phe rõ rệt.

Phe “tụt mood” chiếm số đông áp đảo. Họ là những người nhạy cảm chuyện thời cuộc, hơi một chút là thở than, ảnh hưởng tinh thần. Có chị kia sống thâm trầm kín đáo, ít chia sẻ, sáng thứ Hai vừa rồi nhắn cho tôi cái tin: “Mở mail mà không làm việc được, chán ngán quá. Đọc mấy cái tin giáo dục mà tụt hết cả “mood”!”.

“Tụt mood” là từ mới sinh gần đây, chỉ hội chứng chán nản, chẳng tha thiết gì, chẳng còn chút năng lượng, sức lực hay cảm xúc. “Tụt mood” giống như từ mẹ tôi xưa hay nói “hết hơi”, tức xịt như trái banh lủng. Chẳng còn lăn lộn, đá đấm gì nữa.

Sếp cũ của tôi là giám đốc một công ty phim, cũng lên Facebook than phiền, nhân viên chị “tụt mood hết cả rồi!”, không ai chịu viết lách, sáng tạo gì. Cứ như bệnh dịch, nhà nhà “tụt mood”, người người “tụt mood”, công việc trì trệ theo hiệu ứng domino.

Chuyện gì đang xảy ra vậy? Hóa ra, hàng ngày thông tin tiêu cực cứ vây bủa người ta, như mới đây là chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, giống như cú tát vào mặt nhiều người, nhất là những người có con cái đang học hành. Ai mà chẳng trực chỉ một mục đích: vì tương lai con em chúng ta. Vậy giờ đây chẳng lẽ con cái mình phải sống chung với tiêu cực, bất công? Ước mơ cho con du học xứ người lại bùng lên.

Trái với phe “tụt mood”, phe còn lại có tôi trong đó, gọi là phe thờ ơ, vô cảm. Phe này không đông người, cũng yếu mồm miệng hơn. Nhưng sự thờ ơ của chúng tôi như bức tường đá mà phe kia lao vào đụng phải thì chỉ tức bực, chứ không mong tranh luận gì.

Đôi khi tôi cũng ngạc nhiên về sự trơ trơ của mình. Suốt những ngày dư luận sôi sục chuyện tiêu cực trong ngành giáo dục, tôi tự hỏi, tại sao tôi có thể bàng quan đến thế, không ngạc nhiên, cũng chẳng bất mãn hay lo lắng.

Tôi nói với đám bạn, vì tôi không thấy gì lạ. Chuyện tiêu cực đó lâu nay rồi, từ thời tôi đi học, em tôi đi học và bây giờ là các cháu tôi đi học. Chỉ là tỉnh A, tỉnh B xui xẻo nên người ta khui ra thôi.

Tôi kể với bạn bè rằng, tôi học trong trường chuyên một tỉnh có tiếng hiếu học, sau đó học đại học, và chúng tôi dư sức điểm tên những trường mà việc xin điểm mua điểm là bình thường. Chúng tôi quen với việc các bạn chỉ học các môn khối A, ngoại ngữ một chữ bẻ đôi không biết, học bạ vẫn giỏi toàn diện. Ở lớp bên, các cô nàng văn thơ lãng mạn khối C cộng phân số bằng cách cộng tử với tử, mẫu với mẫu, vẫn có điểm 9, 10 môn toán. Thời học đại học, chúng tôi hay có những mùa đụng mặt nhau ở các khu tập thể giáo viên. Ấy là những ngày sắp thi hay vừa thi xong, sinh viên đến nhà giáo viên bộ môn để đưa quà cáp, gửi phong bao mua điểm.

Học hành và lớn lên như thế, rồi vào đời cũng phải mua chỗ làm có giá cả cụ thể là 40 triệu đồng nếu muốn vào cơ quan A, 100 triệu đồng nếu vào cơ quan B, phải quà cáp nhờ vả những người có chức tước...; nên sự kiện Hà Giang, Sơn La có gì lạ đâu mà tôi phải giận dữ hay “tụt mood” cho được.

Tôi bàng quan vậy, nói ở góc độ nào đó, có khi may mắn hơn những bạn bè mất ngủ, không thể làm việc vì nhạy cảm với bất công xã hội. Nhưng thật ra, chỉ là khi không thể làm gì khác, tôi đành buông xuôi, cũng như trái bóng sau khi hết hơi thì nó nằm bẹp đó.

Hôm rồi, tòa án quận 12, TPHCM xử lưu động các bảo mẫu một trường mầm non trong vụ bạo hành những đứa trẻ. Một tờ báo chụp được tấm ảnh những đứa trẻ thấy cô giáo cũ trên màn hình bèn tìm cách nhìn lảng đi hướng khác, trốn xuống ghế. Tôi thấy xót xa đấy, nhưng mà cũng thấy... thường quá. Con tôi vẫn như thế khi tôi nhắc chào cô lúc tới cửa lớp. Bé thấy những giáo viên dữ dằn là quay mặt đi hoặc tìm cách rúc vào lòng tôi tìm sự che chở.

Nhớ những ngày người ta phẫn nộ với clip hành hạ các bé ở một trường mầm non, sao tôi cũng không thấy ngạc nhiên. Đó là vì những ngày đưa con đi học trễ, tôi vẫn chứng kiến cảnh tương tự. Khi phụ huynh đi xa và các cánh cổng đóng lại, trường mầm non lại vang lên tiếng quát nạt, tiếng roi vụt đen đét trên mặt bàn, tiếng mạt sát trẻ, tiếng khóc... Có hai đứa con, lần đầu chứng kiến tôi cũng giận dữ đến run người. Nhưng tới lần thứ n, ở ngôi trường thứ n, tôi dần xem đó là bình thường.

Đôi khi tôi tự hỏi, chấp nhận sống chung với cái xấu cái ác có phải là sự vô cảm được rèn luyện? Chai lì trước cái ác và bất công có phải chính là đồng tình, cổ vũ cho nó mọc mầm, lớn mạnh?

Tôi nhớ tới thầy giáo Khoa, người tiên phong chống tiêu cực thi cử ở Hà Tây năm nào. Những ngày này, người ta quay trở lại tìm anh, xót xa cùng số phận long đong của anh kể từ khi rời khỏi ngành. “Cây thẳng bị chặt trước, giếng nước ngọt cạn trước”, câu này tôi đọc hồi phổ thông trong cuốn Đắc Nhân Tâm. Tới tận giờ vẫn băn khoăn...

Không thể làm gì để thay đổi, người ta hay chọn cách ra đi. Nhưng tôi rất thích cái ý mà ai đó đã nói: Nước Mỹ không tự nhiên thành cường quốc số một thế giới, nước Nhật không tự nhiên thành quốc gia công nghệ, Singapore không tự nhiên mà sạch tinh tươm... Người ta mất nhiều chục năm, thậm chí vài trăm năm vặn mình đau đớn để xây dựng đời sống giàu có và văn minh. Chúng ta di cư từ đâu tới để hưởng thứ người khác vất vả dựng xây, đó là không công bằng.

Tôi cũng thích cái ý của blogger nọ: Nếu mỗi người đều sống thật tử tế, góp một tay dọn rác, tự làm sạch con người mình, rộng ra là môi trường quanh mình. Cứ từng bước, từng bước nhỏ bé chúng ta có quyền mơ một ngày nào đó có xã hội văn minh mà người nơi lạc hậu bất công khác lại mong di cư tới.

Minh Lê

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276323/tut-mood-va-vo-cam-.html