Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ khi xây chắc phòng thủ tại Idlib

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vừa điều thêm hệ thống phòng không ATILGAN đến Idlib với quyết tâm sẽ đánh chặn bất kỳ mục mục tiêu nào của SAA trong khu vực.

Theo AMN, hôm 3/6 đoàn xe quân sự hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào tỉnh Idlib của Syria chở theo nhiều xe tăng chiến đấu hạng nặng Leopard 2A4, xe chiến đấu bộ binh và đặc biệt trong đoàn xe này có nhiều hệ thống phòng không ATILGAN.

Hình ảnh được ghi lại khi đoàn xe xuất hiện tại thị trấn Batbu ở phía bắc tỉnh Idlib, nơi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thiết lập các vị trí quân sự.

Cùng với việc điều ATILGAN đến Idlib, Ankara tuyên bố rằng sẽ bắn hạ bất kỳ chiếc máy bay nào gây nguy hiểm cho quân Thổ và lực lượng được hậu thuẫn tại Idlib.

Thổ đưa thêm vũ khí phòng không vào Idlib.

Thổ đưa thêm vũ khí phòng không vào Idlib.

Nếu Thổ quyết định dùng ATILGAN để đối phó với chiến đấu cơ của Syria và Nga thì đây là hành động khá phiêu lưu bởi ATILGAN chỉ được trang bị loại đạn tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stinger, được tích hợp thành hệ thống và sử dụng khung gầm xe cơ thiết giáp M-113.

Hệ thống ATILGAN được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay tầm thấp, gồm 2 bệ phóng với 8 ống phóng tên lửa FIM-92 Stinger cùng một súng máy 12,7 mm tích hợp, để tiêu diệt những mục tiêu trong vùng mù của tên lửa.

Độ cao tiêu diệt mục tiêu tối đa từ 180-3.800m; tên lửa sử dụng đầu nổ nặng 3kg, hoạt động theo nguyên lý chạm nổ, được gắn kíp nổ và đồng hồ hẹn giờ tự hủy.

Các bệ phóng được sự hỗ trợ của hệ thống quan sát quang điện tử đặt trên xe, cùng máy đo xa laser và hệ thống nhận dạng địch-ta; kíp chiến đấu gồm 3 người.

Về lý thuyết vũ khí này thực sự là cơn ác mộng với những mục tiêu bay thấp. Nhưng hiệu quả của các loại tên lửa Stinger thực sự không cao, khi gần đây, một cuộc tiến công bằng tên lửa loại này nhằm vào máy bay cường kích Su-25M của Nga đã bị thất bại.

Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng ATILGAN với những tên lửa Stinger vẫn có thể là cơn ác mộng với những chiến đấu cơ thế hệ cũ như L-39 hay những trực thăng quân sự của Không quân Syria.

Một số ý kiến cho rằng, tuyên bố của Thổ hoàn toàn có cơ sở bởi trước khi ATILGAN được tăng cường đến Idlib, hệ thống phòng không tầm trung MIM-23 Hawk cũng đã được Ankara điều đến khu vực này.

Với sự hiện diện của hai hệ thống này, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối phó với nhiều mục tiêu khác nhau. Nếu thực sự yếu kém trong nhiệm vụ đối phó chiến đấu cơ, ATILGAN vẫn là cơn ác mộng với mọi trực thăng.

Trong khi nhiệm vụ đánh chặn nhiệm đấu cơ hệ thống MIM-23 Hawk có thể đảm nhiệm tốt. Đây chính là sự nguy hiểm của Thổ khi điều đến Idlib 2 loại vũ khí này.

Theo Tuấn Vũ/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/tuyen-bo-cua-tho-nhi-ky-khi-xay-chac-phong-thu-tai-idlib/20200611091659185