Tuyên ngôn Độc lập - Áng 'thiên cổ hùng văn' của thời đại mới

Tuyên ngôn Độc lập được ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước. Tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 26/8/1945 tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới đọc trước quốc dân, đồng bào tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn nêu cao khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, đánh dấu trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc

Bản Tuyên ngôn nêu cao khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, đánh dấu trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Sự nghiệp văn học của Người gắn liền với sự nghiệp cứu nước cứu dân, trong đó văn chính luận là lĩnh vực nổi bật, chiếm đa số trong trước tác văn học của Người. Đó là những bài chính luận được Người sáng tác từ những năm 20 của thế kỷ XX (đăng trên các tờ báo Pháp với bút danh Nguyễn Ái Quốc) và những bài văn chính luận viết từ lúc về nước (tháng 02/1941) cho tới cuối đời.

Văn chính luận Hồ Chí Minh sáng tác chủ yếu với mục đích đấu tranh chính trị, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước trong từng giai đoạn, do vậy những tác phẩm chính luận của Người thường đánh dấu những sự kiện trọng đại của dân tộc và phục vụ đường lối, chủ trương, chính sách của cách mạng và do đó mang tính chiến đấu rất cao, tiêu biểu như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966) và không thể không kể đến Tuyên ngôn Độc lập Người viết năm 1945 được đánh giá là áng “thơ thần”, bản “thiên cổ hùng văn” của thời đại mới.

Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt

Tuyên ngôn Độc lập được ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước. Tác phẩm được Người sáng tác ngày 26/8/1945 tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới đọc trước quốc dân, đồng bào tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Để hiểu đúng tầm vóc cũng như tài năng của Hồ Chí Minh cần phải đặt bản Tuyên ngôn Độc lập vào bối cảnh rộng hơn.

Như chúng ta đều biết, năm 1945, Việt Nam đã giành được chính quyền. Nhưng bối cảnh lịch sử đất nước lúc ấy hết sức phức tạp bởi chính quyền cách mạng còn non trẻ phải đương đầu với bao khó khăn chồng chất: không chỉ giặc đói, giặc dốt mà còn là giặc ngoại xâm; không chỉ đối phó với bọn thù trong mà còn đối phó với giặc ngoài. Khi ấy bọn đế quốc vẫn chưa công nhận nền độc lập của Việt Nam, vẫn đang âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Tiến vào từ miền Bắc là quân đội Tàu Tưởng - tay sai của đế quốc Mỹ; tiến vào từ miền Nam là quân đội Anh - núp sau lưng là quân đội Pháp. Chúng đều lấy danh nghĩa quân Đồng Minh vào tước khí giới của phát xít Nhật. Hồ Chí Minh hiểu rằng lúc ấy rất có thể Mỹ và Anh sẽ nhân nhượng cho Pháp quay trở lại Việt Nam, vì Đông Dương trước đây vốn là thuộc địa của Pháp từ thế kỉ XIX.

Để để chuẩn bị cho cuộc xâm lược trở lại lần hai này, thực dân Pháp đã tung ra trước dư luận thế giới những luận điệu bịp bợm rằng Đông Dương là thuộc địa của Pháp, do người Pháp có công khai hóa nhưng Đông Dương bị phát xít Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, mà Pháp cũng có chân trong Đồng Minh, vậy đương nhiên Pháp có quyền quay trở lại Đông Dương (trong đó có Việt Nam) để lấy lại phần đất đã bị chiếm.

Bản Tuyên ngôn Độc lập bác bỏ mọi luận điệu xảo trá đó bằng một hệ thống luận điệu vô cùng chặt chẽ, đanh thép. Hiểu như thế để chúng ta thấy rằng, bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc ta đã ra đời trong hoàn cảnh lịch sử hết sức cam go, còn gọi là tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, khi Cách mạng Tháng Tám đã thành công, nền độc lập đã giành được nhưng nền độc lập ấy đang bị đe dọa, những đám mây đen xâm lược vẫn tiếp tục vần vũ trên bầu trời Việt Nam.

Một cuộc tranh luận ngầm

Ra đời trong hoàn cảnh lịch sự đặc biệt như vậy nên đối tượng của bản Tuyên ngôn không chỉ là đồng bào cả nước, là nhân dân thế giới nói chung, mà còn là bọn thực dân, đế quốc đang âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Mục đích của bản Tuyên ngôn cũng không chỉ là để tuyên bố nền độc lập, nói lời khai sinh cho một nước Việt Nam mới mà trước hết nhằm đập tan mọi luận điệu xảo trá của bọn thực dân cướp nước trước dư luận thế giới.

Thực chất đây là một cuộc tranh luận ngầm: Dân tộc Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập - nền độc lập mà chúng ta đổ bao máu xương mới giành được và đang quyết giữ. Tác phẩm vừa nhằm khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam, vừa phủ định những lý lẽ bịp bợm của kẻ thù. Hiểu như thế chúng ta mới thấy được ý nghĩa, tầm vóc của bản Tuyên ngôn và tài năng lập luận của Hồ Chí Minh.

Lẽ phải không ai chối cãi được

Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn bằng cách trích dẫn lời hai bản tuyên ngôn bất hủ của nước Mỹ và nước Pháp: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Như vậy, cả hai bản tuyên ngôn của hai cường quốc đã đặt ra vấn đề tự do, bình đẳng, hạnh phúc của con người, đã nói lên những quyền cơ bản nhất của con người nói chung - những vấn đề rất tiến bộ, vĩ đại thời bấy giờ.

Cách mở đầu như thế sẽ tạo được cơ sở pháp lý chính nghĩa hết sức vững vàng cho bản tuyên ngôn của Việt Nam. Vì tinh thần, nội dung của hai bản tuyên ngôn ấy có ý nghĩa tích cực, tiến bộ, đã được cả thế giới thừa nhận, được coi là những lẽ phải không ai chối cãi, là lời bất hủ, xứng đáng là những chân lý vĩnh cửu về quyền của con người.

Cho nên việc trích dẫn ấy chứng tỏ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam đã có một căn cứ sâu xa, một hậu thuẫn vô cùng mạnh mẽ, bởi đã là chân lý của loài người thì phải được loài người công nhận và bảo vệ.

Thế giới nếu đã công nhận quyền độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc của người Mỹ, người Pháp thì sẽ phải công nhận quyền độc lập, tự do của người Việt Nam.

Việc trích dẫn này đã thể hiện sự khôn khéo, sắc sảo, tầm trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở phần sau bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh còn viết: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng Minh đã công nhận các nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.

Một chiến thuật sắc bén, niềm tự hào dân tộc to lớn

Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc mở đầu bản Tuyên ngôn như thế còn là chiến thuật sắc bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách nói vừa ngắn gọn vừa có hiệu lực mạnh, vừa khéo léo vừa tỏ ra kiên quyết, thâm thúy sâu cay và có ý nghĩa ngăn chặn âm mưu xâm lược của bọn đế quốc.

Nói khéo léo vì chúng ta rất trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Mỹ, người Pháp (trích dẫn trang trọng, đánh giá rất cao); nhưng nói kiên quyết, thâm thúy, sâu cay là muốn ngầm nhắc nhở thực dân Pháp và đế quốc Mỹ rằng: Dân tộc họ xưa kia từng giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, từng viết nên truyền thống vẻ vang bằng những cuộc cách mạng vĩ đại trở thành niềm tự hào của nhân dân thế giới nói chung, nhân dân Mỹ, Pháp nói riêng.

Vậy thì những người Mỹ, người Pháp thời này, đừng có dẫm đạp lên truyền thống, phản bội lại tổ tiên mình, đừng làm vấy bùn ngọn cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng bất diệt nếu nhất định tiến quân xâm lược Việt Nam. Hồ Chí Minh đã lấy lời lẽ của chính người Mỹ, người Pháp để đập lại luận điệu của thực dân, đế quốc hiện đại.

Hơn nữa, việc mở đầu như thế còn có ý nghĩa gợi lên niềm tự hào dân tộc to lớn, khi ngầm ý đặt ngang hàng ba cuộc cách mạng, ba nền độc lập, ba quốc gia và ba bản tuyên ngôn.

Vì rằng, nếu như nước Mỹ có Cách mạng 1776, nước Pháp có Cách mạng 1791 thì Việt Nam cũng có Cách mạng Tháng Tám năm 1945; nếu cuộc Cách mạng của người Mỹ làm nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, cuộc Cách mạng của người Pháp làm nhiệm vụ lật đổ chế độ quân chủ phong kiến giành quyền tự do, dân chủ, bình đẳng thì cuộc Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam là một cuộc “cách mạng kép”, làm đồng thời hai nhiệm vụ, đó là đánh đuổi thực dân Pháp, lật đổ chế độ phong kiến, giành quyền độc lập, tự do, dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân.

Vậy nếu người Mỹ có bản Tuyên ngôn độc lập, người Pháp có bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền thì Việt Nam cũng có bản Tuyên ngôn Độc lập của mình. Hơn nữa, đây được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ ba của dân tộc, nó gợi lại trong chúng ta niềm tự hào về áng “thơ thần” bất hủ đời Lý, áng Bình Ngô Đại cáo - thiên cổ hùng văn đời Lê.

Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn có sáng tạo bằng cách “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đằng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Ở đây, Hồ Chí Minh đã nâng vấn đề con người lên thành vấn đề dân tộc, đã phát triển quyền của con người thành quyền của mỗi dân tộc. Cách suy rộng ra ấy vừa dễ hiểu với người Việt Nam, vừa có ý nghĩa lớn lao trong lịch sử.

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam là bản tuyên ngôn về quyền của dân tộc, chứ không chỉ là tuyên ngôn về quyền của con người. Các nhà nghiên cứu cho rằng ý kiến suy rộng ra của Hồ Chí Minh thực sự là một cống hiến vĩ đại cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là ở các nước thuộc địa, là “phát súng khởi đầu cho bão táp cách mạng ở các nước thuộc địa sẽ bắn vào chủ nghĩa thực dân, làm rung chuyển và sụp đổ thành trì của chủ nghĩa thực dân đế quốc”.

Một “Bản án chế độ thực dân Pháp” thu nhỏ

Trong bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác phi nghĩa của thực dân Pháp gây ra cho nhân dân Việt Nam trong suốt gần 100 năm.

Đây thực chất là một hệ thống luận điểm bóc trần bản chất của thực dân Pháp, đập tan luận điệu bịp bợm của thực dân trước dư luận thế giới: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.

Tiếp đó, Người dẫn chứng ngắn gọn bằng 14 câu văn, khái quát những tội ác điển hình của thực dân Pháp gây ra cho nhân dân Việt Nam trong gần một thế kỷ đô hộ, gọi là “khai hóa”, “văn minh”, chủ yếu trên hai lĩnh vực: chính trị và kinh tế, khiến bản Tuyên ngôn ngắn gọn nhưng giống như bản một “Bản án chế độ thực dân Pháp” thu nhỏ.

Nghệ thuật chính luận ở đây ngắn gọn mà hàm súc. 14 câu đồng dạng về cấu trúc ngữ pháp (Chúng + một động từ chỉ hành động tội ác), nối tiếp liên tục, kể những tội ác điển hình, bóc trần những chính sách cai trị thâm độc của thực dân Pháp ở Việt Nam, thực chất là đã vi phạm quyền cơ bản của con người. Điệp từ “Chúng” láy lại ở đầu câu văn, liên tiếp, làm cho lời kết tội rõ ràng, đanh thép, phẫn nộ căm thù. Rất nhiều từ ngữ, hình ảnh có tính chất gợi hình và biểu cảm mạnh mẽ (động từ, từ láy, tính từ, ẩn dụ, thậm xưng,..) làm cho lời kết tội thêm xúc động thấm thía, nghẹn ngào.

Giọng văn cũng thay đổi, đan xen: Khi thì sôi trào, đanh thép, phẫn nộ, căm thù; khi thì nghẹn ngào, trầm lắng, xót xa, u uất: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”; “chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”.

Đoạn văn gợi chúng ta nhớ đến bản chép tội giặc Minh của Nguyễn Trãi ngày xưa: “Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội/Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa hết mùi/ Lẽ nào trời đất dung tha/ Ai bảo thần dân chịu được”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tố cáo tội ác thực dân Pháp bán Đông Dương, Việt Nam cho phát xít Nhật vào mùa thu năm 40, “phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng trị đến Bắc kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng”.

Không chỉ có vậy, “trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.

Hồ Chí Minh kết luận: “Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Đây có lẽ chỉ là những dòng văn cuối cùng của một Bản án chế độ thực dân Pháp mà Người lập hồ sơ từ những năm 20 của thế kỷ trước.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”

Với những lý lẽ sắc bén, bản Tuyên ngôn khẳng định nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn toàn xứng đáng là chủ nhân chân chính của đất nước mình, xứng đáng hưởng nền độc lập dân tộc.

Bởi lẽ, đó là một dân tộc có nhân đạo và chính nghĩa; dân tộc đó đã kiên cường đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, giành quyền độc lập dân tộc; dân tộc đó trung thành với Đồng Minh, đứng về phe Đồng Minh chống phát xít; dân tộc đó đã lật đổ chế độ quân chủ phong kiến giành quyền dân chủ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.

Nghĩa là nền độc lập, tự do không phải ngẫu nhiên mà có, đó là kết quả của bao máu xương con người Việt Nam. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “Phải trăm năm mới có ngày độc lập/Ai đếm hết được chuỗi người lên máy chém lúc hừng đông? Roi vọt Côn Lôn ngục tù Phú Quốc/ Mỗi trang sử đất này đều nhuộm máu cha ông”.

Cho nên: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập !”.

Từ những cơ sở pháp lý và thực tiễn, Hồ Chí Minh dõng dạc, trịnh trọng tuyên bố quyền độc lập của dân tộc Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Đồng thời Người cũng nêu rõ quyết tâm, ý chí của cả dân tộc: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Hồ Chí Minh chưa thể nói như Nguyễn Trãi năm xưa thắng giặc Minh: “Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới/ Kiền khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh/ Muôn thuở nền thái bình vững chắc”. Vì sau đó cả dân tộc còn bước vào cuộc trường chinh kháng chiến 30 năm nữa mới bảo vệ toàn vẹn nền độc lập ấy.

Bản Tuyên ngôn chính thức khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; đã kết tinh những quyền cơ bản nhất, nguyện vọng tha thiết nhất của nhân dân Việt Nam về độc lập tự do. Bản Tuyên ngôn nêu cao khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, đánh dấu trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và mang tư tưởng lớn nhất của thời đại: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.

Tư tưởng xuyên suốt, vĩ đại của Hồ Chí Minh là: Độc lập, tự do là quyền thiêng liêng nhất, là tài sản quý giá nhất mà mỗi dân tộc cần giành và giữ lấy. Đây là áng văn chính luận mẫu mực, có giá trị lịch sử và văn học to lớn, được đánh giá là bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ ba của dân tộc, là bài “thơ thần”, áng “thiên cổ hùng văn” của thời đại mới.

Trần Thúy Hoàn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/390299/tuyen-ngon-doc-lap-ang-thien-co-hung-van-cua-thoi-dai-moi.html