Tuyên ngôn Độc lập - văn kiện chính trị - pháp lý khẳng định chủ quyền quốc gia

73 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi... Nửa tháng sau, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân, đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: 'Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập'. Hơn 2/3 thế kỷ đi qua, nhưng Bản 'Tuyên ngôn Độc lập' vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, chính trị - pháp lý khẳng định nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.Ảnh: Tư liệu

Mở đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn lời văn bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Cần biết rằng, Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (1791) cũng ghi rõ: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Tuy nhiên, Bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp mới chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một tất yếu của tạo hóa. Bằng trí tuệ mẫn tiệp, trải nghiệm thực tế và kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền của mọi quốc gia, dân tộc trên con đường đấu tranh giành tự do, độc lập.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã chỉ rõ: "Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Điều mà ít ai biết đến, vì sao khái niệm “tự do” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong Bản Tuyên ngôn Độc lập; đặc biệt, là khả năng sáng tạo tuyệt vời khi Người đặt từ “tự do” trước từ “độc lập”? Thực tế, khái niệm “tự do” được biết đến trong triết học chính trị mô tả tình trạng khi một cá nhân không bị sự ép buộc nào, có cơ hội để lựa chọn và hành động theo đúng với ý chí, nguyện vọng của chính mình. Nhận thức của nhân loại về tự do mới chỉ dừng lại ở những phát hiện của các nhà triết học thời kỳ Khai sáng. Với tư cách là một đối tượng nghiên cứu quan trọng của triết học, khái niệm tự do vẫn không ngừng vận động và ngày càng chứa đựng thêm nhiều nội dung mới. Tự do vừa là bản chất tự nhiên, vốn có và là khát vọng thường trực của mỗi con người. Mọi người đều yêu tự do, ai cũng khao khát được tự do. Tự do mạnh mẽ và vĩ đại ở chỗ tìm kiếm nó trở thành bản năng sống còn của con người. Càng thiếu tự do, con người càng khao khát tự do, giống như sự thèm muốn bị thôi thúc bởi cơn khát khi không có nước.

Vì thế, không một con người nào yên phận sống trong sự nô dịch của người khác và không một dân tộc nào cam chịu sống trong sự kìm kẹp của dân tộc khác. Các cuộc chiến chính là để giải phóng con người ra khỏi sự nô dịch và kiềm tỏa. Sự mãnh liệt của khát vọng tìm kiếm tự do là một trong những tiêu chuẩn để “đo đếm” sự bình yên của một dân tộc... Tự do được coi là quyền tự nhiên, “tài sản” hay vốn tự có của mỗi người. Tự do chỉ có thể nảy nở ở vùng đất mà những nhận thức về tự do cũng như mối quan tâm dành cho tự do được mở rộng và khơi sâu.

Với ảnh hưởng sâu sắc của triết học phương Tây, khả năng sáng tạo và tư duy trí tuệ mẫn tiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan niệm đúng về khái niệm “tự do” hay “quyền tự do” và viện dẫn những lời bất hủ trong hai bản Tuyên ngôn để ẩn ý cho tuyên bố chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam vừa giành được độc lập. Theo Người, “tự do” là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Khi một quốc gia, dân tộc được độc lập thì quốc gia, dân tộc đó tất yếu phải có đủ các quyền của mình - quyền làm chủ của quốc gia, hay chủ quyền quốc gia theo cách gọi của Luật Quốc tế. Vì lẽ đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng nhiều lần thuật ngữ “tự do” trong Bản Tuyên ngôn Độc lập không những thể hiện khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, mà còn là lời tuyên bố đanh thép của người đứng đầu Chính phủ lâm thời về “chủ quyền quốc gia”.

Trên thực tế, quyền tự do là thành tố không thể thiếu của quốc gia, là một thuộc tính chính trị - pháp lý gắn liền của quốc gia, đượ̣c ghi nhận trong nhiều văn bản pháp lý quốc tế. Quyết định Trọng tài trong vụ tranh chấp đảo Palme (1928) đã chỉ rõ: “Chủ quyền của quốc gia trong quan hệ với nhau đồng nghĩa với sự độc lập của quốc gia đó”. Nói cách khác, chủ quyền là một đảm bảo chắc chắn cho độc lập của quốc gia, nó không cho phép xây dựng một quyền lực cao hơn quốc gia. Với tư cách một quốc gia độc lập, quốc gia đó có quyền tự do (lựa chọn) cho mình môt chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, không bị lệ thuộc bởi quốc gia khác. Ghi nhận quyền tự do của quốc gia, Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khẳng định: “Mọi quốc gia đều có quyền lựa chọn cho mình một hệ thống chính trị, một mô hình kinh tế, văn hóa, xã hội riêng mà không một quốc gia nào có quyền can thiệp vào”.

Là người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng lời lẽ ngắn gọn, đanh thép vạch trần bộ mặt dối trá và liệt kê những tội ác của thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” trong hơn 80 năm đô hộ; nhất là, “không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào...”. Sau khi mô tả về cuộc binh biến ngày 9-3, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc nổi dậy giành chính quyền, buộc Pháp chạy, Nhật phải đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm và chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ để lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.

Tiếp đó, để khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đại diện cho Chính phủ lâm thời và đại biểu cho toàn dân Việt Nam tuyên bố: “Thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Và tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập; đồng thời, biểu thị quyết tâm và sức mạnh của toàn dân tộc để bảo vệ quyền thiêng liêng đó, với lời thề: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

PGS, TSPhạm Công Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tuyen-ngon-doc-lap-van-kien-chinh-tri-phap-ly-khang-dinh-chu-quyen-quoc-gia/