Tuyên Quang: Đặc sắc Lễ hội lồng tông Bản Cuống, Minh Quang (Chiêm Hóa)

Lễ hội Lồng tông Bản Cuống - xã Minh Quang (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) là lễ hội còn giữ được nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc của bà con dân tộc Tày. Lễ hội'Lồng tông' trong tiếng Tày có nghĩa là 'xuống đồng'. Người Tày thường tổ chức lễ hội ở ngoài cánh đồng để tạ ơn trời đất, thần linh và cầu cho vụ mới mưa thuận, gió hòa. Lễ hội lồng tông bản Cuống được ấn định vào chiều mồng 3 Tết. Người Tày trong vùng có tục lệ cúng gia tiên vào sáng mồng 3, sau đó đến lễ hội lồng tông để cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ rước thần linh từ đền Chung Chính Đại Vương xuống lễ hội lồng tồng. Ảnh Phúc Thái Sơn

Phần lễ của lễ hội gắn liền với nghi lễ đền Bó Cuống - ngôi đền thờ vị tướng quân Ma Doãn Giảo, người có công giúp dân đánh giặc "Cờ đen" vào khoảng cuối Thế kỷ XIX.

Ma Doãn Giảo bấy giờ là quan thổ ty sở tại. Ông đã lãnh đạo quân dân trong vùng chống lại sự cướp phá của tàn quân "cờ đen" Lưu Vĩnh Phúc. Đạo quân của ông đã tấn công nhiều trận và giành thắng lợi đóng góp quan trọng vào sự thắng lợi của chính quyền nhà Nguyễn trong việc bình ổn biên cương. Trong một cuộc truy đuổi giặc lên vùng biên giới, ông đã tử trận.

Sau khi mất thi hài ông được đưa về quê nhà an táng trên khu đồi tại xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình ). Ngày nay, tại nơi đây còn nhiều phần mộ của các vị tướng lĩnh theo ông trong cuộc chiến đấu tại quê hương, vùng quê hương ông hiện vẫn còn đền thờ ông đặt ở lưng chừng dãy núi Đền, thôn Bản Cuống, xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa.

Triều đình nhà Nguyễn phong tặng nhiều danh hiệu tướng quân cho ông và các vị tướng theo ông. Ông còn được nhân dân tôn xưng là Trung Chính Đại Vương, được dựng miếu thờ ở nhiều nơi và được đưa vào đền Bách Thần (thị trấn Chiêm Hóa) để phụng thờ. Gia đình hậu duệ của ông là ông Ma Doãn Sồng được thờ cúng ông và được chọn là nơi cúng lễ đưa ra chân cột còn hành lễ trong hội Lồng tông mồng 3 Tết tại xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa.

Hai ảnh trên là các hoạt động tại lễ hội lồng tồng thôn Bản Cuống, xã Minh Quang (Chiêm Hóa). Ảnh Phúc Thái Sơn

Ngày nay, người dân ở thôn Bản Cuống đã có nhà văn hóa sân vận động và những thửa ruông còn giữ nguyên bản sắc , một thửa ruộng thiêng để tổ chức lễ hội hàng năm. Thửa thứ nhất quay về nướng Nam, nhìn sang khu đồi nơi có mộ phần tướng quân Ma Doãn Giảo và các vị tướng dưới quyền ông ở xã Thổ Bình (Lâm Bình) là nơi để đặt mâm “tồng”.

Thửa ruộng này được gọi là “nà Mo”. Thửa thứ 2 ở vị trí cao hơn để dành treo trống hội được gọi là “Nà khoen tổng”. Thửa thứ 3 rộng nhất để dựng cây nêu (hay cột còn) được gọi là Nà tót còn”. Hàng năm, cứ đến khi làm lễ, cột còn cũ mới được đào lên và thay bằng cột còn mới. 3 thửa ruộng này vẫn được bà con trong thôn canh tác nhưng không ai được cày vào vị trí chôn cột còn. Lễ vật trên mâm tồng là các sản vật của địa phương, những quả còn cũng được đặt lên mâm tồng làm lễ trước khi mang ra hội. Những quả còn chứa các hạt giống với ngụ ý tạ ơn thần linh 1 năm mới mùa màng bội thu.
Người tung thủng vòng trong trên cây còn được cho là mang lại may mắn cho cả vùng trong năm. Phần hội rộn rã tiếng cười, người dân và du khách phấn khởi tung còn. Không có tranh cướp, không chen lấn mỗi khi quả còn rơi xuống. Sau hội tung còn là đến các trò chơi dân gian như leo cầu lút, cầu thăng bằng, bịt mắt bắt vịt… các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, bóng đá, bóng chuyền… của xã Minh Quang cũng được tổ chức trong ngày này khiến người dân trong vùng đến chiều tối mới chia tay mùa lễ hội.

Thái Sơn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuyen-quang-dac-sac-le-hoi-long-tong-ban-cuong-minh-quang-chiem-hoa-59906