Tuyên Quang: Gần ba năm thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng của Na Hang - Bài 3: Phát triển du lịch, dịch vụ thành kinh tế mũi nhọn

Xác định phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng tâm, Đảng bộ huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Na Hang (Tuyên Quang) Hoàng Anh Cương cho biết: Na Hang có các di tích được xếp hạng di tích quốc gia, gồm: Di tích hang Phia Muồn (xã Sơn Phú) nằm trong khu vực phổ biến là những núi đá phiến sét vôi xen kẽ những núi đất, những dải thung lũng hẹp và những thảm rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn. Phia Muồn là một di chỉ cư trú và là khu mộ táng của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau. Di tích đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang) là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai năm 1285. Nơi đây có đền Pác Tạ được dựng lên để phụng thờ và ngưỡng vọng vị hôn phu (người vợ sắp cưới) của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Ngôi đền nằm ở địa thế cao, bằng phẳng dưới chân núi Tạ Sơn huyền sử, là điểm hợp lưu giữa sông Gâm và sông Năng tạo nên một cảnh sắc 'Sơn thủy hữu tình'. Đây là một ngôi đền thiêng, mỗi khi du khách qua đây đều ghé lại thắp hương cầu nguyện. Di tích Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương (xã Năng Khả). Nơi đây là địa điểm tổ chức in tiền đầu tiên của nhà nước cách mạng Việt Nam.

Thắng cảnh Pắc Tạ (ngã 3 sông) là ngọn núi cao nhất ven hồ thủy điện Tuyên Quang - là biểu tượng của huyện Na Hang. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

Bài 3: Phát triển du lịch, dịch vụ thành kinh tế mũi nhọn

Na Hang có tiềm năng lớn cho ngành kinh tế du lịch phát triển. Với diện tích hơn 8.000 ha, hồ sinh thái Tuyên Quang, trong đó hơn một nửa thuộc về Na hang kết nối các tuyến đường thủy từ thị trấn huyện lỵ với 8 xã khu C của huyện và các xã của huyện Lâm Bình; nối liền với khu danh thắng Quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn, Na Hang rất có điều kiện để phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang với diện tích trên 33.000 ha nằm trên địa bàn xã Thanh Tương, Sơn Phú, Khâu Tinh, Côn Lôn và thị trấn Na Hang, giáp với các xã của huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình và huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Đập hồ thủy điện Tuyên Quang tại Na Hang mở một cửa xả lũ. Ảnh Trần Mạnh Thường chụp cuối tháng 7/2017

Trong khu bảo tồn có trên 21.000 ha là rừng đặc dụng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan hài, cây thuốc quý… Khu bảo tồn có nhiều loài chim, thú quý, hàng nghìn loại cá, trong đó có cá dầm xanh, anh vũ; nhiều loài động vật trong khu bảo tồn được ghi trong sách đỏ Việt Nam, sách đỏ thế giới.

Thắng cảnh hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Trần Mạnh Thường

Trên cơ sở đó, Cấp ủy, chính quyền huyện Na Hang đã chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/HU ngày 15/9/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, huyện Na Hang giai đoạn 2016-2020 gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc, trọng tâm là bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, các lễ hội truyền thống. Huyện đã phối hợp với Bảo tảng tỉnh Tuyên Quang hoàn thiện hồ sơ đo đạc, định vị, đạc họa khoanh vùng bảo vệ di tích đối với 28 di tích trên địa bàn huyện Na Hang. Na Hang duy trì tổ chức các Lễ hội Lồng Tông của Dân tộc Tày, Lễ hội bắt cá tại xã Năng Khả vào dịp Tết truyền thống hàng năm. Na Hang cũng đã duy trì được 10 câu lạc bộ hát Then đàn tính và các đội văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn. Các làn điệu dân ca, các phong tục tập quán truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn phát huy. Hát Then, đàn Tính từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với dân tộc Tày ở Na Hang. Những làn điệu hát Then được những chàng trai, cô gái vùng cao này thể hiện đã phản ánh khá đầy đủ những phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày. Cùng với lễ hội Lồng Tông, nghi lễ hát Then, đàn Tính là một di sản văn hóa độc đáo, phản ánh tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Tày nơi đây.

Thác Mơ (Na Hang) đổ ra hồ thủy điện Tuyên Quang hấp dẫn du khách. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

Bước đầu, huyện đã chỉ đạo xây dựng làng văn hóa du lịch Khau Tràng, xã Hồng Thái và thôn Nà Khá, xã Năng Khả. Các cơ quan chức năng của huyện phối hợp khảo sát hang động Pắc Khoang, bản Nà Chao, xã Năng Khả và đề nghị cấp có thẩm quyền của tỉnh Tuyên Quang nghiên cứu, khảo sát ruộng bậc thang các xã Hồng Thái, Đà Vị, Yên Hoa để lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích Quốc gia.

Na Hang cũng đã xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế, nhất là du lịch lịch sử, văn hóa du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch liên vùng, liên tỉnh được đẩy mạnh. Đã tạo ra sự kết nối các tuyến đường thủy từ Na Hang với các xã trong huyện, nối liền với khu danh thắng Quốc gia đặc biệt Ba Bể tỉnh Bắc Kạn; huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang.

Thu hoạch chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang - Tuyên Quang. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

Huyện cũng đã tích cực phối hợp trong công tác đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình là Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt. Đề nghị UNESCO công nhận Na Hang (Tuyên Quang) cùng với Khu di sản thiên nhiên Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) - là di sản thiên nhiên thế giới.

Na Hang tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư; khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát triển các dịch vụ du lịch; phát triển các sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ du khách kết hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị các sản phẩm hàng hóa là đặc sản của địa phương như: Rượu ngô, chè Shan tuyết, đậu xanh, đậu tương, thịt lợn chua, thịt trâu khô...; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Các thiếu nữ Dao Tiền thu hoạch lê đặc sản tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, Tuyên Quang. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

Hoạt động du lịch của huyện xuất phát điểm thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng như: Nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch chưa được đầu tư với quy mô lớn; đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch vừa thiếu vừa yếu; nhận thức của nhân dân và một bộ phận cấp ủy, chính quyền cơ sở về du lịch còn hạn chế; chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương; hoạt động kinh doanh du lịch tại cơ sở chưa phát triển đồng bộ, còn nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào các công ty lữ hành... Vậy nên huyện có nhiều giải pháp nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Đến này hệ thống nhà hàng khách sạn tại địa bản huyện đã cơ bản đảm bảo phục vụ ăn, ngủ, vui chơi của du khách. Ngoài ra, một số sản phẩm nông sản phục vụ du lịch như gạo nếp Côn Lôn, đậu tương, đậu xanh Yên Hoa, Thượng Nông, rau sạch Hồng Thái, ngỗng Côn Lôn bước đầu được hình thành đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Trong năm 2017 số lượt khách đến tham quan, du lịch là 107.446 lượt khách, vượt 43,3% KH; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 93 tỷ đồng. Năm nay, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 100 tỷ đồng.

Để phục vụ phát triển du lịch, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện Na Hang tăng cường quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị trên địa bàn thị trấn huyện lỵ; rà soát điều chỉnh và lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư; khu chức năng như Khu trung tâm chính trị - hành chính; Khu dịch vụ thương mại, du lịch; Khu văn hóa thể thao; Khu y tế, chăm sóc sức khỏe; Khu giáo dục đào tạo; Khu công viên cây xanh; Khu công nghiệp, kho tàng; Khu nghĩa trang nhân dân; Khu xử lý chất thải...

Hát Then, đàn tính dân tộc Tày tại trường phổ thông dân tộc bán trú xã Thương Nông, huyện Na Hang - Tuyên Quang. Ảnh Thái Sơn

Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của huyện phối hợp với các cấp, các ngành của tỉnh xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm và tiếp tục triển khai các hạng mục nâng cấp đô thị. Na Hang đã hoàn thiện tuyến kè bảo vệ sông Gâm (bờ phải); cầu Ba Đạo, cầu Tát Luông-Hang Khào, Khu đón tiếp khách du lịch thác mơ thuộc khu du lịch sinh thái Na Hang, đường giao thông lên khu Lâm Viên Phiêng Bung... Xây dựng và đưa vào sử dụng công trình vườn hoa nút giao thông tại trung tâm thị trấn; hoàn thiện mặt bằng công trình nút giao đầu cầu cứng tạm đấu nối với QL 279, đang triển khai thi công xây dựng tuyến đường nội thị thuộc dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thị trấn Na Hang lên thị xã Na Hang (tiến độ thi công tổng thể đạt 60%); công trình Dự án Hạ tầng du lịch thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang.

Đội văn nghệ hát Then, đàn tính phục vụ khách du lịch trên hồ thủy điện Tuyên Quang tại Na Hang. Ảnh Thái Sơn

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, Na Hang kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế phát triển du lịch sinh thái hồ thủy điện Tuyên Quang, huy động các nguồn lực, tiếp tục khai thác tiềm năng cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để quản lý, khai thác có hiệu quả các di tích, Na Hang đã thành lập Ban quản lý di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, Na Hang duy trì 4 lễ hội Lồng Tông (xuống đồng) tại (thị trấn Na Hang, xã Đà Vị, Năng Khả, Yên Hoa); sưu tầm và lập kế hoạch tổ chức Lễ hội giã cốm xã Côn Lôn.

Na Hang cũng đã duy trì được 10 câu lạc bộ hát Then đàn tính và các đội văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn. Các làn điệu dân ca, các phong tục tập quán truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn phát huy. Hát Then, đàn Tính từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với dân tộc Tày ở Na Hang.

Xuân Bân - Quang Đán

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuyen-quang-gan-ba-nam-thuc-hien-cac-nghi-quyet-dai-hoi-dang-cua-na-hang--bai-3-phat-trien-du-lich-dich-vu-thanh-kinh-te-mui-nhon-65142