Tuyên Quang: Giữ màu xanh rừng phòng hộ Lâm Bình

Những cánh rừng tại huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đang được bảo vệ nghiêm ngặt góp phần phủ xanh đất trống, đảm bảo môi trường sinh thái, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.. Nhưng để bảo vệ những cánh rừng trước tác động xấu do con người gây ra, đã in dấu biết bao mồ hôi, công sức của cán trong Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Lâm Bình.

Những ngày cuối năm, các cánh rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Lâm Bình dường như đang reo vui chào đón nắng xuân, dễ dàng nhận thấy một màu xanh căng tràn nhựa sống đang phủ lên khắp cánh rừng nơi đây.

Sau nhiều lần liên hệ, cuối cùng, chúng tôi cũng được lãnh đạo BQL rừng phòng hộ cho theo chân lực lượng khi làm nhiệm vụ. Anh Tề Minh Giáp - Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ nhìn tôi với ánh mắt nghi ngại: “Vất vả lắm đấy, chú có theo được không?”. Sau khi biết tôi quyết tâm theo đoàn thì anh dặn dò tôi từng chi tiết trên đường tuần tra như: nên giữ khoảng cách thế nào, lúc mai phục ra sao, khi gặp lâm tặc nên làm gì...

Cơn mưa rừng vừa ngớt, cũng là lúc những cán bộ BQL rừng phòng hộ đi tuần tra; đây được coi là công việc thường xuyên của những người giữ rừng nơi đây. Vừa xuất phát, chúng tôi đã chinh phục con dốc cao cũng không khác gì lời nhà thơ Quang Dũng từng miêu tả trong bài Tây Tiên “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. Cứ đi một lát tôi lại phải dừng lại nghỉ lấy sức, cùng xuyên rừng tuần tra, tôi mới cảm nhận hết được những vất vả, gian nan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình tuần tra bảo vệ rừng

Hành trình leo núi, vượt suối để đến đầu nguồn càng xa hơn khi cơ thể đã thấm mệt, vậy mà các anh vẫn đi bộ băng băng dưới tán rừng đại ngàn và vượt qua những dốc cao. Dù lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi, song câu chuyện của những người giữ rừng vẫn diễn ra khá rôm rả. Mỗi cuộc tuần rừng thường bắt đầu như vậy và kết thúc sau nhiều ngày vượt núi, ngủ rừng. Thế nhưng mọi người trong đoàn đều thấy vui, bởi mồ hôi của những người nỗ lực phủ xanh đồi núi đã mang lại thành quả.

Gần 40.000 ha rừng và đất rừng phòng hộ thuộc BQL rừng phòng hộ Lâm Bình quản lý lập vành đai che chắn vững chắc bao năm nay cho cộng đồng dân cư 8 xã trong huyện. Vừa đi, anh Giáp vừa nói: “Mặc dù địa bàn rộng, biên chế của Ban lại hạn chế nhưng trong những năm qua, công chức, viên chức của Ban luôn thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ được giao. Vậy nên, mấy năm nay không để mất rừng do cháy; hạn chế tối đa tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản. Tình yêu rừng của từng cán bộ lâm nghiệp giờ được thể hiện bằng nhiều cách, như: trách nhiệm, thái độ, tình cảm… Bên cạnh đó, mọi người luôn cố gắng tìm thật nhiều giống cây rừng mới, chất lượng để rừng trồng thêm đa dạng, rừng tự nhiên được bảo tồn”.

Trong câu chuyện anh Tề Minh Giáp kể, chúng tôi được biết, để có được những kết quả đó, những người giữ rừng ở BQL phải trải qua không ít khó khăn, song các anh đã vượt qua và lặng lẽ cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần giữ vững màu xanh cho những cánh rừng.

Tại huyện Lâm Bình, hơn 12.000 trong tổng số gần 40.000 ha rừng phòng hộ do BQL quản lý được giao cho các tổ, đội tuần rừng ở các thôn bản phối hợp quản lý. Hiện có 26 thôn bản trên địa bàn huyện thành lập được các tổ, đội tuần tra, bảo vệ rừng. Mỗi thôn thành lập từ 10-15 tổ, mỗi tổ từ 5-7 hộ gia đình. Cái hay của các tổ, đội tuần tra, bảo vệ rừng này, chính là tổ này giám sát tổ kia, gia đình này giám sát gia đình kia… Trong năm 2019, các đơn vị thuộc BQL tổ chức tuần tra, kiểm tra được trên 420 lần với gần 1.700 người tham gia. Từ ngày thành lập các tổ, đội tuần tra, bảo vệ rừng ở thôn bản, tình trạng xâm lấn, phá rừng làm nương rẫy tại các thôn bản đã không còn xảy ra. Lâm Bình hiện là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất tỉnh, với hơn 79%.

Lâm Bình hiện là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất tỉnh Tuyên Quang, với hơn 79%.

Với công tác chăm sóc rừng trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng, BQL rừng phòng hộ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, đôn đốc các chủ hộ nhận khoán làm tốt công tác chăm sóc, phát cỏ, vun gốc, trồng dặm lại những cây bị chết đảm bảo theo hồ sơ thiết kế, không để con người hoặc gia súc phá hoại rừng, thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về phòng, chống cháy rừng. Nghiệm thu thực tế công tác bảo vệ rừng, lập và hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Thực hiện giải ngân, chi trả tiền hỗ trợ tới tận tay các hộ nhận khoán theo hợp đồng ký kết. Từ đầu năm đến nay BQL rừng phòng hộ huyện đã thực hiện hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng cây giống lâm nghiệp chất lượng cao là 60 ha đạt 100% kế hoạch. Ngoài ra đơn vị còn tổ chức đo đếm, đánh số cây đứng rừng tự nhiên theo khoảnh, lô đã giao khoán để bàn giao cho cộng đồng thôn, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ được 2.320 cây.

Những cánh rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Lâm Bình xưa kia là căn cứ đóng quân, trú ẩn của bộ đội. Xưởng Quân khí H52 trên đồi Pác Ả thuộc bản Nà Tông, xã Thượng Lâm (trước đây là Bản Cài, xã Xuân Tiến) là cơ sở trọng yếu khai thác và sản xuất diêm tiêu phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn từ năm 1950 đến 1954, nơi có những cánh rừng bao phủ, vị trí bảo đảm bí mật, an toàn, là nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất diêm tiêu thô và than củi (hai nguyên liệu chính để sản xuất thuốc súng). Xưởng Quân khí H52 do đồng chí Ngô Gia Khảm làm giám đốc, chuyên sản xuất diêm tiêu làm thuốc súng (còn gọi là thuốc đen) đã đáp ứng một phần chế tạo vũ khí như lựu đạn, mìn, thuốc phóng, dây cháy chậm, pháo hiệu phục vụ chiến trường.

Nhìn những cánh rừng xanh bát ngát, anh Giáp nói vui với tôi rằng, rừng lúc nào cũng thiêng, luôn ẩn chứa những điều tâm linh giúp cho người làm công tác bảo vệ rừng. Người bảo vệ rừng, nhận chăm sóc rừng bao giờ cũng được rừng bảo vệ, chở che trước thăng trầm cuộc sống. Còn những kẻ phá rừng, xâm hại rừng thì lúc nào cũng phập phồng trước pháp luật và sự trừng phạt của thần rừng.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuyen-quang-giu-mau-xanh-rung-phong-ho-lam-binh-73869