Tuyên Quang: Lợi ích kép từ nuôi đại gia súc

Sau cơ bão dịch tả lợn gây thiệt hại không nhỏ, nhiều hộ sản xuất trên địa bàn xã Lâm Xuyên (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã chuyển hướng sang mô hình chăn nuôi đại gia súc, mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, môi trường.

Nâng cao sản xuất

Mô hình nuôi đại gia súc, với các giống vật nuôi chủ lực là trâu và bò, vốn được phát triển ở Lâm Xuyên nhiều năm qua, tuy nhiên hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu để lấy sức kéo, chưa chú trọng phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường… nên hiệu quả chăn nuôi rất thấp.

Lâm Xuyên đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Lâm Xuyên đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Kể từ năm 2018, các hộ chăn nuôi trâu, bò bắt đầu mở rộng quy mô chuồng trại, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, đầu tư khu trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho chăn nuôi, từ đó mang lại những hiệu quả vượt trội về kinh tế và bảo vệ môi trường.

Đang gặt hái những thành công tích cực với mô hình nuôi bò sinh sản, bà Đinh Thị Thanh (thôn Phú Thọ) chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi nuôi tổng hợp nhiều loại từ trâu, bò đến lợn, gia cầm… nhưng do quy mô nhỏ nên lợi nhuận rất thấp. Đầu năm 2019, tôi quyết định đầu tư gần 700 triệu đồng để mua 60 con bò sinh sản và 1 con bò đực giống”.

Sau gần 10 tháng triển khai mô hình, đàn bò sinh sản của bà Thanh đang cho thấy sự tăng trưởng, phát triển ổn định, đàn bò hiện đã tăng lên 70 con. Theo bà Thanh, trung bình mỗi con bò cái sẽ sinh sản 1 lứa/năm, bê con sau 6 – 7 tháng sẽ có thể xuất bán với giá 12 – 15 triệu đồng.

Đặc biệt, hệ thống chuồng trại được làm kiên cố, có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, giúp bà Thanh giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, qua đó đảm bảo môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe cho thành viên trong gia đình và người dân lân cận.

Ở một hướng đi khác, gia đình anh Nguyễn Kim Hoàng lại đang thành công với mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. Anh Hoàng bắt tay xây dựng mô hình từ năm 2017 với bình quân 40 – 50 con trâu, bò vỗ béo mỗi lứa. Nhờ giá cả ổn định, anh thu về khoản lãi trên 200 triệu đồng/năm.

“Để đảm bảo hiệu quả bền vững, tôi cùng các hộ chăn nuôi khác đều chủ động phát triển mô hình trồng cỏ để có nguồn nguyên liệu sạch, đồng thời chú trọng việc xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ cảnh quan, không gian sống”, anh Hoàng nhấn mạnh.

Các mô hình sẽ được phát triển theo hướng an toàn

Lan tỏa hiệu quả

Hiệu quả vượt trội của mô hình chăn nuôi đại gia súc nhanh chóng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn xã Lâm Xuyên. Theo thống kê, toàn xã đang có trên 10 hộ phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc, tổng đàn trâu của xã đạt 529 con, đàn bò đạt gần 300 con. Mỗi năm, người dân bản địa xuất bán 200 – 250 con trâu, bò, mang lại doanh thu 2 – 3 tỷ đồng.

Bà Dương Thị Phương Nhung – Chủ tịch UBND xã, cho hay: “Điểm nhấn lớn nhất của các mô hình chăn nuôi đại gia súc là sự thay đổi về tư duy sản xuất của người dân. Nếu trước đây, trâu bò được chăn thả tự do, gây mất vệ sinh môi trường, thì nay, các hộ xây dựng trang trại, chủ động ứng dụng kỹ thuật chăm sóc khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường”.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của mô hình, xã Lâm Xuyên đã xây dựng đề án phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, dựa trên những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, với hơn 30 ha đất bãi dọc sông Lô rất thuận lợi để trồng cỏ, đậu, lạc… đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của mô hình chăn nuôi đại gia súc, xã sẽ chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo, nông thôn mới… để hỗ trợ các hộ chăn nuôi theo hướng hiện đại, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo Hưng Nguyên/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tuyen-quang-loi-ich-kep-tu-nuoi-dai-gia-suc/20191213043335560