Tuyên Quang: Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Dao đỏ vinh dự được công nhận là di sản văn hóa

Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Dao đỏ qua trang phục là một kho tàng nghệ thuật tạo hình, trang trí dân gian rất đặc sắc, mang đậm cá tính của tộc người.

Sáng ngày 12/10, tại thôn Phiêng Bung, xã Năng Khả, huyện Na Hang (Tuyên Quang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang phối hợp với huyện Na Hang tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến dự có lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch; lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang; đại diện các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và một số huyện giáp ranh của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang.

Lễ đón nhận Bằng công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa quốc gia

Tại buổi lễ, Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - Nguyễn Thế Giang trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ cho 04 địa phương (huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên và Sơn Dương) trong tỉnh Tuyên Quang.

Tại Tuyên Quang, người Dao đỏ thường sinh sống ở một số xã thuộc huyện Na Hang, Sơn Dương, Lâm Bình, Hàm Yên. Trang phục truyền thống của đồng bào Dao Đỏ là một trong những trang phục được trang trí hoa văn phong phú, đa dạng nhất trong các tộc người ở tỉnh Tuyên Quang.

Nét đặc sắc trong trang phục truyền thống của người Dao đỏ đó là những họa tiết hoa văn trang trí trên từng bộ phận. Bởi hoa văn trên y phục không chỉ biểu hiện cho tính cần cù và nhẫn nại mà nó còn thể hiện sự khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ, nghệ thuật của người phụ nữ dân tộc Dao đỏ. Các họa tiết, hoa văn thể hiện trên bộ trang phục còn cho thấy sự khéo léo, tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục cân đối hài hòa, tươi sáng của người phụ nữ, tạo nên nét riêng đậm đà bản sắc dân tộc.

Một bộ trang phục truyền thống bao gồm: Khăn, mũ, áo dài, yếm (áo con), quần, dây lưng, xà cạp quấn chân. Những họa tiết, hoa văn được thêu trên trang phục từ 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Bởi theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống.

Với phụ nữ người Dao Đỏ, trang phục quan trọng nhất là chiếc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen dài ngang ống chân. Áo không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân với hoa văn trang trí tập trung ở viền nẹp ngực, tà áo và đầu ống tay áo bằng các họa tiết trang trí hình dấu chân hổ, hình răng cưa, quả trám, thập ngoặc và hình hoa cúc... Chất liệu được sử dụng để làm nên bộ trang phục này thường được dùng bằng vải lanh đã qua nhuộm chàm một cách kỹ lưỡng. Từ đó, bằng đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ đã thêu những nét hoa văn, chắp ghép những trang sức bằng bạc. Những họa tiết được thêu thường rất phong phú, đa dạng như hoa lá, cỏ cây, rừng núi, loài động vật...

Trang phục phụ nữ dân tộc Dao đỏ rực rỡ sắc màu

Khăn đội đầu cũng là một trong những điểm không thể thiếu của phụ nữ người Dao. Khăn được trang trí bằng nhiều họa tiết: Cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các hoa văn họa tiết sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn. Trang phục người Dao đỏ ở mỗi địa phương cơ bản đều giống nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sắc màu văn hóa Dao. Trong đó, có sự khác biệt trong cách mặc, vấn khăn, xà cạp và thêm bớt các chi tiết... Điển hình như: Trang phục người Dao đỏ ở một số nơi thường có chuỗi quả bông len hình tròn màu đỏ treo trước ngực. Số lượng và kích cỡ tùy quan niệm mỗi vùng. Nếu ở Hùng Mỹ, Phúc Sơn (Chiêm Hóa) có 9 quả bông, kích cỡ lớn thì ở Sơn Phú (Na Hang) có 11 quả bông, kích cỡ bé hơn. Trang phục người Dao ở Bạch Xa, Tân Thành, Minh Khương (Hàm Yên) chỉ có những tua rua màu đỏ quanh viền áo trước ngực.

Không chỉ tỉ mỉ trong những họa tiết được thêu trên áo, trang phục truyền thống của người Dao đỏ còn có phần tinh xảo ở những họa tiết được trang trí ở chiếc quần và khăn vấn đầu. Những hoa văn được trang trí ở ống quần của người phụ nữ Dao đỏ thường là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng hay hình cây thông, hình quả trám... tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục. Khăn đội đầu là một trong những điểm không thể thiếu của phụ nữ người Dao. Khăn được trang trí bằng nhiều họa tiết: Cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các hoa văn họa tiết sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn. Người Dao ở Tuyên Quang vẫn luôn bảo vệ, phát huy giá trị di sản mang đậm tính thẩm mỹ, thể hiện sự tài hoa, tinh tế và khéo léo này.

Thay mặt các địa phương có dân tộc Dao đỏ được công nhận di sản, đồng chí Hoàng Anh Cương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Na Hang khẳng định, huyện sẽ xây dựng chương trình cụ thể để giữ gìn và phát huy di sản trên địa bàn huyện, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Na Hang nói riêng. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trải nghiệm trong thời gian tới.

Cũng trọng dịp này, từ ngày 12 đến 13/10 tại huyện Na Hang sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch huyện với nhiều hoạt động như: Đua mảng; biểu diễn dù lượn; tham quan mùa vàng ruộng bậc thang; thi đấu thể thao; Liên hoan Nghệ thuật hát Then - đàn Tính huyện Na Hang lần thứ II năm 2019; trình diễn trang phục các dân tộc và nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ; tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình; trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng nông sản và các nông cụ, văn hóa dân tộc thiểu số đặc trưng của huyện. Trước đó, ngày 11-10 đã diễn ra Lễ hội giã cốm - Hội chợ quê tại xã Côn Lôn.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuyen-quang-nghe-thuat-trang-tri-tren-trang-phuc-nguoi-dao-do-vinh-du-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-72445