Tuyên Quang: Nghề truyền thống khởi sắc

Việc ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm ổn định sản xuất và phát triển ngành dệt may thổ cẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng lao động gắn với phát triển văn hóa du lịch tại địa phương.

Dệt thổ cẩm vừa là hoạt động truyền thống trong đời sống vừa là nghề mang lại thu nhập cho người dân đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông… tại Tuyên Quang. Chị Lục Thị Bình - Chủ cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình (thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên) - cho biết, trước đây, phụ nữ dân tộc rất vất vả mất nhiều thời gian trong việc tạo ra trang phục và các sản phẩm truyền thống, vì phương pháp làm hoàn toàn thủ công. Vì vậy, vợ chồng chị quyết định nghiên cứu cải tiến con thoi trên khung dệt truyền thống thành con thoi tự động; thay thế cho việc người dệt phải dùng tay luồn con thoi từ đầu khung bên này sang đầu khung bên kia; lắp đặt thêm mô tơ điện vào khung dệt, giúp việc dệt thổ cẩm trở nên dễ dàng hơn.

Các sản phẩm thổ cẩm có hoa văn tinh xảo

Các sản phẩm thổ cẩm có hoa văn tinh xảo

Kỹ thuật nhanh chóng, thuận tiện của khung dệt mới thu hút nhiều người đến cơ sở Mạnh Bình để học hỏi, áp dụng sản xuất. Cơ sở của chị đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, chủ yếu là dân tộc thiểu số như người Tày, Dao, Mông, với mức lương trung bình từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Từ những trăn trở về việc gìn giữ nghề dệt tại địa phương, ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ cơ sở dệt thổ cẩm Nguyễn Văn Mạnh (thị trấn Tân Yên) - cũng quyết tâm tìm hiểu và áp dụng công nghệ, thiết bị máy móc tiên tiến vào làm nghề. Với việc đầu tư này, cơ sở sản xuất của ông Mạnh tăng gấp đôi năng suất so với phương pháp thủ công như trước. Thiết bị có thể được sử dụng để làm tất cả các loại hàng may mặc như: Khăn, váy, yếm... Cơ sở Nguyễn Văn Mạnh cũng sản xuất trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số theo đơn đặt hàng và đáp ứng một số đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: "Thời gian đầu tôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về vấn đề tài chính. Song, nhờ sự đồng hành, tư vấn của các bạn hàng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang, tôi đã xây dựng được chiến lược đầu tư phù hợp. Công đoạn nào đầu tư thiết bị máy móc mang lại hiệu quả cao nhất thì tập trung nguồn lực, còn các công đoạn khác vẫn duy trì sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống".

Việc ứng dụng máy móc hiện đại trong sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc và xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được thời gian và công lao động, từ đó hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Một năm cơ sở sản xuất 2.000 sản phẩm các loại cung ứng cho thị trường.

Theo ông Mạnh, việc đầu tư ứng dụng công nghệ phát triển sản xuất rất cần thiết. Vừa góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng phát triển mạnh ngành nghề dệt thổ cẩm, vừa nâng cao chất lượng lao động, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cùng với hoạt động sản xuất, cơ sở của ông Mạnh đang nghiên cứu xây dựng các chương trình thuyết minh cho du khách khi tới tham quan, mua sắm sản phẩm thổ cẩm truyền thống về nét đặc trưng của làng dệt tại địa phương.

Nhiều cơ sở dệt may thổ cẩm ở Tuyên Quang đã mạnh dạn đầu tư máy móc để phát triển sản xuất. Sản phẩm làm ra không chỉ được du khách ưa thích mà còn góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của đồng bào dân tộc.

Mai Nguyễn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tuyen-quang-nghe-truyen-thong-khoi-sac-133199.html