Tuyên Quang: Nhiều giải pháp giảm nghèo ở các xã có tỷ lệ nghèo cao

Tỉnh Tuyên Quang có 14 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa. Để giảm nghèo hiệu quả, giúp người dân có cuộc sống ổn định, thời gian qua, địa phương đã có nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương.

Năm 2017, xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình) là xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 80,50%, cao nhất huyện. Đa phần người dân trong xã sống chủ yếu nhờ vào đồng ruộng, cuộc sống vô cùng khó khăn. Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, UBND xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định cuộc sống cho người dân. Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, xã đã tập trung tư vấn, tuyên truyền cho người lao động tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài nước thông qua các phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại huyện.

Người dân được hướng dẫn phát triển các mô hình chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

Người dân được hướng dẫn phát triển các mô hình chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

Đến cuối năm 2017, toàn xã đã giảm 14 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 78%. Anh Ma Văn Bầu, thôn Khau Cau trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Đầu năm 2017, thông qua phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại huyện, anh đã tìm được công việc lắp ráp điện tử tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Sau một tháng đào tạo, anh đã được nhận vào làm với số lương 4 triệu đồng/tháng. Hiện nay, với tay nghề và chế độ đãi ngộ của công ty, anh đã có thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng.

Năm 2017, xã Minh Quang (huyện Chiêm Hóa) đã giảm từ 951 hộ nghèo xuống còn 833 hộ nghèo. Để đạt được kết quả này, xã đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo, vận động những hộ gia đình có khả năng thoát nghèo đăng ký tự nguyện thoát nghèo… Bà Ma Thị Cơi, thôn Bản Cuống, xã Minh Quang nói, theo Chương trình 135, gia đình bà được hỗ trợ 2 con trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, hiện nay bà đã có 4 con trâu con. Bà chuẩn bị xuất bán lấy vốn đầu tư mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.

Mô hình trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang, bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, hàng năm Sở đều chỉ đạo các phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố tập trung rà soát hộ nghèo trên địa bàn. Trong đó, tìm rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ để có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp. Cụ thể như: Đối với hộ nghèo thiếu vốn sản xuất sẽ tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế; hộ nghèo do thiếu việc làm được tạo điều kiện cho người lao động học nghề, tham gia các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm để họ có thu nhập ổn định… Nhờ đó, các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao hằng năm đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 4%. Đặc biệt, chương trình giảm nghèo đã được lồng ghép thực hiện trong các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ, giúp hộ nghèo vươn lên.

Trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo để giúp hộ nghèo nâng cao thu nhập, có cuộc sống ổn định. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Ngọc Sơn cho biết, các ngành, UBND các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách, dự án, giải pháp giảm nghèo, tập trung thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Kết quả 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Tuyên Quang đã cóo 6.443 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn, doanh số cho vay trên 260 tỷ đồng. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 386.928 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và người dân ở khu vực đặc biệt khó khăn. Tiếp tục duy trì thực hiện các chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo; rà soát thẩm định báo cáo đề nghị UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 8/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ cho 34.283 hộ nghèo với 143.032 khẩu, kinh phí trên 13,5 tỷ đồng; triển khai giải ngân đợt I cho 239 hộ nghèo được các đơn vị tài trợ xóa nhà ở tạm, dột nát (thuộc chương trình tài trợ an sinh xã hội năm 2017), số tiền 5,975 tỷ đồng. Các chế độ, chính sách khác đối với hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện kịp thời, đúng quy định.

KHÁNH VÂN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tuyen-quang-nhieu-giai-phap-giam-ngheo-o-cac-xa-co-ty-le-ngheo-cao-d81051.html