Tuyên Quang: Phát huy lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư

Tuyên Quang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư khi sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào, chính sách thu hút đầu tư cởi mở cùng xu thế sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế.

Một góc di tích Quốc gia đặc biệt - Khu Bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. (Ảnh: Hùng Cường)

Những bứt phá quan trọng

Với diện tích tự nhiên 5.868 km2, dân số trên 78,6 vạn người với 22 dân tộc; Tuyên Quang là tỉnh có truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa lâu đời, là Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến và có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Những năm gần đây, Tuyên Quang đã có những bứt phá quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng tỉnh trở thành một trong những “hạt nhân” phát triển kinh tế vùng Tây Bắc.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,05% so với năm 2018; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 39 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 2.106 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.660 tỷ đồng, chỉ số phát triển công nghiệp 110%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 8.407,5 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2018. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2019 đạt 104,1 triệu USD. Tỉnh thu hút 1.945,7 nghìn lượt khách du lịch; doanh thu xã hội về du lịch đạt 1.750 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.779 doanh nghiệp, đơn vị kinh tế trực thuộc công ty nhà nước với số vốn đăng ký là 18.356,44 tỷ đồng. Tỉnh cũng thu hút được một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Geleximco, Vingroup, Dabaco, Mường Thanh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Woodsland... đầu tư các dự án quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Hiện nay, tỉnh có 08 chương trình, dự án ODA được phân bổ kế hoạch vốn năm 2020; tổng mức đầu tư của các dự án trên 2.240 tỷ đồng đầu tư các lĩnh vực: Giao thông, nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục…

Thêm vào đó, hiện có 15 dự án FDI của 13 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Australia, Samoa, với tổng số vốn đăng ký 202,611 triệu USD (tương đương 4.359 tỷ đồng). Các dự án FDI triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho 7.067 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống nhân dân.

Khu công nghiệp Long Bình An, tỉnh Tuyên Quang.

Về du lịch, Tuyên Quang có hơn 500 di tích lịch sử văn hóa; có 22 dân tộc cùng chung sống với nhiều lễ hội và các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, đặc biệt “Thực hành Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” (trong đó có tỉnh Tuyên Quang và một số địa phương của Việt Nam) đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh có suối nước nóng Mỹ Lâm nổi tiếng về giá trị chữa bệnh và nghỉ dưỡng; hồ Na Hang với những núi đá vôi hùng vĩ, rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý và muông thú quý hiếm được ghi trong sách Đỏ thế giới.

Đặc biệt, nơi đây còn sở hữu 3 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương-Yên Sơn), di tích Quốc gia đặc biệt Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (Chiêm Hóa), di tích Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp với tỉnh Bắc Kạn trong việc xây dựng hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đó là những tiềm năng để Tuyên Quang phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái và du lịch tâm linh.

Bến đỗ an toàn của nhà đầu tư ASEAN

Trong những năm tới, Tỉnh xác định huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đổi mới, sáng tạo và hội nhập, đưa Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung phát triển du lịch, hạ tầng giao thông và đô thị, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa.

Đồng thời, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thu hút vốn đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Tỉnh luôn quan tâm cải cách thủ tục hành chính; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án tại tỉnh và quảng bá hình ảnh Tuyên Quang thân thiện, an toàn, hiệu quả đến nhà đầu tư.

Chè Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nâng cao tính chuyên nghiệp và đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư có trọng tâm, có định hướng vào các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Tăng cường công tác quảng bá các tiềm năng và lợi thế của tỉnh; Thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và tọa đàm với doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh nhằm lắng nghe, chia sẻ và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng sẽ tăng cường tính liên kết, kết nối với các địa phương lân cận, phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chủ động, tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư và các sở, ban ngành. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để nghiên cứu thị trường, tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường mới. Tăng cường tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án; khuyến khích các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô và chiều sâu...

Cùng hợp tác và phát triển

Tỉnh Tuyên Quang luôn chào đón, mong muốn hợp tác cùng các nhà đầu tư ASEAN trong những dự án như: Dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch quốc gia Tân Trào; Dự án Khu du lịch sinh thái vùng hồ Na Hang - Lâm Bình; Điểm du lịch sinh thái Soi Gà; Dự án xây dựng trung tâm giống công nghệ cao (Sản xuất cây giống lâm nghiệp, cây dược liệu); Dự án Liên kết sản xuất - tiêu thụ cam hữu cơ an toàn; Dự án sản xuất rau an toàn, công nghệ cao; Nhà máy cơ khí lắp ráp và chế tạo; Nhà máy dệt may; Nhà máy sản xuất giầy da; Nhà máy sản xuất chế biến gỗ; Nhà máy sản xuất Polyme Composite; Nhà máy lắp ráp điện tử; Nhà máy sản xuất tấm nhựa; Nhà máy sản xuất phân vi sinh và sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật; Dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xây dựng Nhà máy xử lý nước thải thành phố Tuyên Quang; Dự án xây dựng Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của thành phố Tuyên Quang; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Trên cơ sở này, Tuyên Quang đã xây dựng các dự án, đề xuất và hoàn thiện cơ chế, chính sách, ưu đãi đầu tư; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: “Tôi hoan nghênh các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư tên tuổi trong nước và quốc tế có nhiều tiềm năng tài chính, kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, lợi ích địa phương Tuyên Quang và vì lợi ích của đơn vị mình đã lên đây - nơi Thủ đô kháng chiến, để tham gia làm ăn, đầu tư”. Vì vậy, Chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang luôn cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ASEAN đến thăm, tìm hiểu, đầu tư và hợp tác kinh doanh.

Phạm Minh Huấn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuyen-quang-phat-huy-loi-the-day-manh-thu-hut-dau-tu-118278.html