Tuyên Quang: Phát triển du lịch gắn kết xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách phù hợp, mở cửa khuyến khích đầu tư vào du lịch.

Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái đa dạng với nhiều cảnh quan hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao,...

Nhiều năm qua, huyện đã tập trung các nguồn lực xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, tích cực và đa dạng hóa các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nhằm đưa du lịch trở thành trung tâm trong chuỗi phát triển kinh tế- xã hội.

Đồng thời xuyên suốt phương châm: “Phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của địa phương. Gắn phát triển du lịch với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng không gian du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn”.

Đi thuyền thưởng lãm hồ sinh thái Na Hang-Lâm Bình rộng hơn 8.000ha là sản phẩm du lịch độc đáo, tuyệt sắc hiếm có.

Sau nhiều lần được đi tham quan học tập kinh nghiệm để làm du lịch xanh, bền vững, ông Hỏa Văn Ba – chủ Homestay Ba Ngân ở thôn Nà Liềm, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đã mạnh dạn đầu tư sửa sang lại căn nhà sàn bằng gỗ 4 gian 2 trái của gia đình làm cơ sở lưu trú, ngoài ra ông đầu tư mua xe điện phục vụ du khách,… Tổng số tiền đã đầu tư lên tới hơn 2 tỷ đồng. Ông Ba cho biết thêm, tính ưu việt của xe điện chính là không gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn sẽ giúp du khách trải nghiệm, cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn về thiên nhiên, môi trường ở đây.

Người dân ở bản Biến, xã Phúc Sơn mạnh dạn đầu tư, chỉnh trang nhà ở thành địa điểm homestay phục vụ khách du lịch, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Đựng – chủ Homestay Thảo Nguyên, Tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch là xu hướng để phát triển kinh tế lâu dài, bền vững; gia đình tôi đã thực hiện đầu tư xây dựng mới 2 ngôi nhà sàn với diện tích gần 700m2, đồng thời chỉnh trang lại khuôn viên ngôi nhà sàn hiện có.

Ngoài ra, gia đình đầu tư xây dựng thêm bể bơi để phục vụ khi khách đến nghỉ dưỡng. Tại khu nghỉ cho khách, từng chi tiết nhỏ nhất như chiếc cốc, móc áo bằng tre cũng được chăm chút, giữ đúng truyền thống của người dân địa phương. Phòng ngủ dành cho du khách được bố trí ở tầng 2 của nhà sàn và được thiết kế hoàn toàn từ vật liệu thiên nhiên là gỗ và tre, mang đậm chất núi rừng. Tất cả với mong muốn giúp du khách được hòa mình vào cuộc sống tinh khôi, ấm áp thanh bình nơi đây.

Vào ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ hội có đông du khách, homestay còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm cộng đồng: giã bánh dày, chơi những trò chơi như đánh pam, đánh yến, giao lưu văn hóa văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp, nghe hát then, đạp xe tham quan bản làng…

Gia đình Bà Nguyễn Thị Đựng đầu tư hàng tỷ đồng làm Homestay Thảo Nguyên, tại Tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).

Trong chuyến trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình mới đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng đến từ TP. Hà Nội chia sẻ, lần đầu tiên được ngắm cảnh đẹp nguyên sơ với đầy đủ núi non trùng điệp, nước chảy thác reo, chim hót níu lo, muông thú chạy nhảy... hiện hữu ở vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình chẳng khác nào những bức tranh tả thực hoàn mỹ.

Ông Hùng ấn tượng thích nhất là được thả mình thư giãn ở chân thác Khuổi Nhi và được cả đàn cá nhỏ ‘hiếu khách” massage thư giãn khiến mọi mệt mỏi của cả quãng đường dài đều tan biến, thay vào đó là cảm giác thư thái, mát mẻ, sảng khoái. Khi bình minh thức giấc, mây trắng bồng bềnh đã giăng kín đỉnh núi, bảng lảng sà xuống thung lũng, lững lờ trôi nhẹ trên những mái nhà đã nhuốm màu thời gian.

Ngẩn ngơ Thác Khuổi Nhi, không thể tuyệt hơn!. Dòng thác cao vút, bọt tung trắng xóa, nước xanh như ngọc, cá lội tung tăng...

Từ ngôi nhà sàn homestay của một gia đình trẻ người Dao đỏ ở thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn, dõi mắt nhìn xa xa, bản làng, núi xanh, mây trắng, ruộng lúa chín vàng rực đan xen,…

Khám phá núi non hùng vĩ, sông nước mênh mông; thăm nhà dân, được tìm hiểu bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương; thưởng thức nhiều đặc sản nức tiếng vùng cao như: cá suối, thịt trâu khô, gà đen, thịt lợn đen, bánh trứng kiến,…

Khó tả hết những món ăn, hương vị đậm đà và tài hoa ẩm thực của người dân nơi đây; một miền quê quá thanh bình, thơ mộng, trù phú, giàu cảm xúc, mến khách; một nơi đáng đến và đáng sống.

Một góc làng quê xã Khuôn Hà, mộc mạc, bình yên, tinh khôi

Ông Ma Phúc Hiến, Trưởng thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) chia sẻ, để khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch, giúp người dân nâng cao thu nhập, xã đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có làng du lịch cộng đồng thôn Bản Biến. Nắm bắt cơ hội này, một số hộ trong thôn đã tiên phong cải tạo, chỉnh trang nhà ở để đón khách du lịch. Hiện có 7/12 nhà đã đưa vào hoạt động, bước đầu đã thu hút khách tham quan nghỉ dưỡng.

Thác Nặm Me một địa điểm thơ mộng, hớp hồn du khách

Anh Ma Đình Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang (Lâm Bình) cho biết, thời gian qua UBND xã đã vận động nhân dân tích cực chỉnh trang khuôn viên nhà ở, đường thôn ngõ xóm, duy trì Nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, nghề dệt thổ cẩm, đan lát và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia…

Thưởng thức ẩm thực xứ Tuyên là ước muốn của mọi du khách khi ghé thăm, khám phá.

Ông Cao Văn Minh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình chia sẻ: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch có hệ thống, bài bản, thực hiện chỉnh trang khuôn viên nhà ở, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Các nhà bố trí gian đón khách, công trình vệ sinh đạt chuẩn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như nếp nhà, trang phục, tiếng nói, chữ viết, dụng cụ sản xuất sinh hoạt, tâm linh tín ngưỡng... Đến nay toàn huyện có 55 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ du lịch homestay, phục vụ du khách, tổ chức sự kiện.

Để tạo ra không gian du lịch “xanh, sạch, đẹp, an toàn”, thân thiện với du khách, huyện Lâm Bình đã chú trọng đầu tư, tạo các điểm check-in thân thiện, gần gũi với thiên nhiên như trồng cây các tuyến đường hoa đào, hoa mận, hoa ban, hoa lê... các chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, phát triển du lịch rừng, du lịch cộng đồng... tất cả đang tiếp tục được trau truốt, phát triển nâng tầm.

Du khách thích thú với du lịch và dịch vụ rất bình dân tại Homestay Lâm Bình

Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh, biến phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững, tạo tiền đề vững chắc để huyện tiến tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Lâm Bình đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh quảng bá; xây dựng các ấn phẩm, tạp chí, truyền hình, chuyên trang mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok…); giới thiệu các điểm đến du lịch của địa phương; xây dựng và vận hành Website: dulichlambinh.gov.vn; Fanpage: Du lịch Lâm Bình…

Non nước Lâm Bình chất ngất, đắm say, du khách thỏa sức khám phá, tận hưởng.

Năm 2022, huyện Lâm Bình đã đón gần 170 nghìn lượt du khách, vượt kế hoạch đề ra; tổng doanh thu xã hội về du lịch ước đạt gần 200 tỷ đồng. Tính đến tháng 11/2023 huyện đã thu hút trên 191 nghìn lượt khách đạt hơn 100% kế hoạch. Duy trì 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Thổ Bình) trong đó xã Thượng Lâm đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Những kết quả ban đầu trong phát triển du lịch nông thôn đã góp phần thay đổi diện mạo, tư duy, đời sống của người dân địa phương. Chính quyền và người dân huyện Lâm Bình đang nỗ lực tạo ra các giá trị mới trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Bình luôn cởi mở, thân thiện trong tâm trí du khách, từng bước hiện thực hóa khát vọng “nông thôn là nơi đáng sống, nơi để tìm về!”.

Xuân Trường

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tuyen-quang-phat-trien-du-lich-gan-ket-xay-dung-nong-thon-moi-10267727.html