Tuyên Quang: Phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học

Tuyên Quang có diện tích rừng lớn với hệ rừng đặc dụng tại các huyện Lâm Bình, Na Hàng có giá trị bảo tồn sinh học lớn. Tỉnh có nhiều chính sách phát triển kinh tế rừng gắn với du lịch sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học.

Tuyên Quang có hệ sinh cảnh vô cùng đa dạng. Tổng diện tích rừng trên 426 nghìn ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng trên 45,5 nghìn ha, diện tích rừng phòng hộ trên 115 nghìn ha, còn lại là diện tích rừng sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên thuộc huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên. Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp giáp với Vườn quốc gia Tam Đảo.

Tại các khu rừng ở Tuyên Quang có khoảng hơn 2.000 loài động, thực vật, trong đó một số loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới như: Vọc đen má trắng, Vọc mũi hếch. Các loài gỗ quý như nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, nhiều loài lan và hàng trăm loại cây thuốc quý…

Để thực hiện tốt công tác quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua UBND tỉnh Tuyên Quang đã tích cực thực hiện các giải pháp khác nhau như phát triển rừng, bảo vệ rừng đặc dụng kết hợp với phát triển kinh tế rừng, du lịch sinh thái.

Thác Nặm Me tại Lâm Bình, Tuyên Quang trở thành điểm thu hút của du khách nghiện rừng núi. Ảnh: Hà My.

Nghị quyết số 36 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái và cây dược liệu dưới tán rừng. UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách cơ chế để phát huy thế mạnh lâm nghiệp của địa phương không chỉ phát triển quy mô sản xuất còn tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh phát triển lâm nghiệp bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế từ đó giảm các hành vi khai thác động, thực vật rừng.

Điển hình như huyện Na Hang có hơn 21.000ha rừng tự nhiên, lực lượng chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra, tuần tra rừng nhất là các khu vực giáp ranh để ngăn chặn tình trạng khai thác rừng, săn bẫy động vật rừng, phá rừng làm rẫy. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức cho người dân về các quy định Luật Lâm nghiệp và Luật Đa dạng sinh học. Đặc biệt, các hộ dân sống trong vùng lõi của rừng đặc dụng sẽ được ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng. Hiện nay, người dân tại đây coi rừng là “khí thở” bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của mỗi người. Nhờ làm tốt bảo tồn tự nhiên hoang dã Na Hang đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá rừng nguyên sinh kết hợp tham quan hồ Na Hang.

Ngoài tuyên truyền, Tuyên Quang cũng gắn phát triển kinh tế với bảo vệ rừng. Nhiều người dân được giao đất trồng rừng mang lại thu nhập cho gia đình. Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 2000 tổ đội bảo vệ rừng với gần 20 nghìn thành viên. Đây là cánh tay nối dài hỗ trợ lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng.

Năm 2022, thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh với nhiều giải pháp trọng tâm như nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học.

Các cơ quan liên quan tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học như rà soát xác định các địa bàn, tuyến trọng điểm và nắm chắc tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật có liên quan đến đa dạng sinh học trên các tuyến, địa bà, , xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

Các địa phương trong toàn tỉnh không để hình thành chợ tự phát, điểm tập trung hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt tại các địa bàn có rừng, tuyến giao thông kết nối các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Các huyện, thị xã trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đưa chuyên đề bảo vệ đa dạng sinh học thành hoạt động truyền thông của địa phương, phối hợp với nhà trường giáo dục trong thế hệ trẻ về vai trò của bảo tồn sinh học, ngăn ngừa tội phạm liên quan tới đa dạng sinh học.

Hà My

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tuyen-quang-phat-trien-kinh-te-rung-gan-voi-bao-ve-da-dang-sinh-hoc-2225068.html