Tuyên Quang: Sản xuất trà thảo dược kết hợp du lịch, thu lãi cao

Trồng cây xạ đen để sản xuất trà thảo dược, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao thu nhập cho bà con Tuyên Quang.

Từ thành công đề tài cây xạ đen xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, năm 2017, Phú Thọ tiếp nối sản xuất trà thảo dược từ cây xạ đen, tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm. Các hoạt động trên đã đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đại biểu tham quan mô hình trồng cây xạ đen tại xã Phú Lâm.

Cây xạ đen vị đắng, chát, tính hàn, có tác dụng chữa xơ gan cổ chướng, ức chế tế bào ung thư gan, ung thư biểu mô miệng, dạ dày, ung thư máu cấp tính, ung thư phổi ở mức yếu...

Ngoài xạ đen, Phú Lâm còn xây dựng 2 mô hình 0,8 ha cà gai leo, 0,2 ha cây cỏ ngọt, kết hợp với lá sen, để sản xuất trà thảo dược xạ đen.

Theo đó, để sản xuất trà thảo dược xạ đen, cần có thêm cà gai leo, cỏ ngọt, lá sen, để phát huy các dược tính tốt, cho ra sản phẩm an toàn, chất lượng.

Được biết, hàm lượng glycoalcaloid trong cà gai leo có tác dụng ức chế sự sao chép virus, làm âm tính virus viêm gan B, chống viêm gan, ức chế mạnh sự phát triển xơ gan.

Cây cỏ ngọt có độ ngọt gấp 300 lần đường saccaroza, ít năng lượng, không lên men, không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, giúp thay thế đường trong chế độ ăn kiêng, dùng làm chất điều vị của trà.

Lá sen có tác dụng ức chế quá trình chyển hóa lipid, giảm hấp thu chất béo, chống xơ vữa động mạch…

Sau hai năm thực hiện đề tài, nhóm đã tập huấn cho 60 người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái nguyên liệu.

Theo đó, cà gai leo, cỏ ngọt được trồng từ hạt và cây hom, trồng hạt, năng suất cao hơn cây hom 11-16%. Cà gai leo có hàm lượng glycoalcaloid cao gấp 8-10 lần, so tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam.

Đã sản xuất thử nghiệm 5.000 hộp trà túi lọc thành phẩm, khối lượng tịnh mỗi hộp 40g (20 túi/hộp), đảm bảo chất lượng, ATTP. Nếu bán 30.000 đồng/hộp trà, trừ chi phí, lãi 12.000 đồng/hộp.

Bà Vi Thị Toan, xã Phú Lâm, cho biết, năm 2014, bà trồng 6.000 m2 cây xạ đen, hiện, đang sinh trưởng tốt. Quá trình chăm sóc, không sử dụng thuốc trừ sâu.

Để cây phát triển khỏe mạnh, bà bón bằng phân hữu cơ... Vườn xạ đen cho thu hoạch 500 - 550 kg xạ đen khô/năm, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng.

Từ năm 2017 đến nay, bà Toan tiếp tục trồng 5.000 m2 cà gai leo, 2.000 m2 cây cỏ ngọt. Được hỗ trợ giống, tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sấy bảo quản nguyên liệu.

Sau khi sấy khô, bán cho dự án và khách du lịch, 80 - 100 nghìn đồng/kg xạ đen, 100-120 nghìn đồng/kg cà gai leo và 100 - 150 nghìn đồng/kg cỏ ngọt. Hiện, nguồn nguyên liệu được nhiều khách trong và ngoài tỉnh tìm đến.

Theo đánh giá ban đầu, trồng xạ đen, cà gai leo, cỏ ngọt, giúp bảo vệ, phát triển nguồn dược liệu quý, cung cấp nguồn dược liệu tại tỉnh và các công ty dược phẩm...

Mặt khác, việc sản xuất trà thảo dược xạ đen túi lọc thành công, đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm tại khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm nói riêng, và của Tuyên Quang nói chung, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Đồng Tháp: Lão nông vùng biên tâm huyết với cây lúa tím

Ở vùng biên giới Tân Hồng (Ðồng Tháp), ông Nguyễn Văn Hương, xã Tân Phước, là người tiên phong trong sản xuất lúa tím sữa an toàn, có nguồn gốc từ miền Trung, mở ra cơ hội canh tác lúa vùng biên.

Ông cho biết: “Khách hàng Hà Nội vừa gọi điện đặt 50kg, giá 30.000 đồng/kg nhưng không còn gạo để bán…”.

Ông Hương kiểm tra lúa sinh trưởng.

Ông cho biết, sinh ra và lớn lên tại vùng biên giới Tân Hồng, cảnh trúng mùa được giá, cứ lặp đi lặp lại làm ông trăn trở.

“Phải đột phá, mới mong đổi đời, đó là lý do tôi theo đuổi lúa tím sữa. Giống mới, giá trị cao, sẽ tạo đột phá giúp bà con vùng biên sống được với mảnh ruộng của mình”- ông Hương tâm sự.

Khởi đầu, năm 2017, khi thấy một nông dân đem giống lúa tím sữa từ miền Trung về, trông rất lạ. Thấy có tiềm năng, ông quyết định mua làm giống.

Cơ hội mở ra khi có một công ty hỗ trợ vật tư, và mua lúa với giá 14.000 đồng/kg. Song, đến cuối vụ, công ty “bẻ kèo”, tôi đành bán với giá hơn 10.000 đồng/kg.

Năng suất khoảng 3 tấn/ha, nếu sản xuất an toàn, gạo tím sữa nhất định có chỗ đứng vững chắc. Từ đó, tôi theo đuổi, và đưa cho bà con xung quanh cùng làm”- ông Hương nói.

Ông cho biết: “Giống mới tiềm năng, nhưng phải sản xuất sạch mới bền vững”. Vì vậy, trong canh tác, ông sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học.... Đặc biệt là chủ động nguồn giống, đảm bảo sản xuất ổn định.

Đồng thời, ông thuê lao động cắt bỏ từng bông lúa lai, lộn để lúa tím sữa đạt độ thuần cao.

Đến vụ đông xuân 2018-2019, nguồn giống đã được thuần chủng tốt, nên thích ứng thổ nhưỡng địa phương, năng suất đạt 5,5 tấn/ha.

Để tạo niềm tin, những người đến mua gạo đều được ông cho dùng thử, khi thấy sản phẩm tốt, khen ngon, mới đặt hàng. Nhờ cách làm này, gạo tím sữa tạo được uy tín, và nhiều người biết đến.

Để đảm bảo bền vững, ông đặt tên là: “Gạo Nghĩa Nhân”, khi nấu có hương thơm dịu, mềm, ngọt, để nguội vẫn dẻo và lâu hư.

Đặc tính vượt trội của gạo là, có hàm lượng vi chất dinh dưỡng, tốt cho người tiểu đường, huyết áp...

“Trồng lúa tím sữa sạch, tuy chi phí cao, nhưng giá lúa, gạo gấp đôi. Điều quan trọng là đảm bảo sức khỏe cho người dùng” - ông Hương chia sẻ.

Vụ đông xuân 2018-2019, mặc dù thị trường lúa gạo khó khăn, nhưng ông vẫn bán được 20 tấn lúa tím sữa cho Công ty CP Nông trang Tràm Chim.

Dự kiến, tháng 9-2019, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu gạo Nghĩa Nhân” - ông Hương cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Hồng, cho biết, đơn vị đã hỗ trợ bà con tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa sạch.

Hiện, huyện đã có 30ha lúa tím sữa an toàn. Sau khi định hình vùng lúa tím sữa, huyện sẽ quy hoạch vùng chuyên canh, hỗ trợ quảng bá gạo Nghĩa Nhân.

“Hiện, gạo Nghĩa Nhân được đóng gói triển lãm, trưng bày tại các hội chợ, được khách hàng đánh giá cao. Sắp tới, ngành sẽ tuyển chọn để trở thành bộ giống đặc sản” - ông Tài nói.

Hậu Giang: Thay thế vườn tạp bằng cây ăn trái, rau màu

Hiện, nhiều vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, đã được thay thế bằng cây ăn trái, rau màu, kỳ vọng đem lại giá trị cao.

Ông Hai chăm sóc vườn bưởi da xanh cho lứa trái đầu tiên.Ảnh Thiên Trang

Xã Vĩnh Thuận Đông, đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả, đất ven bãi bồi, sang trồng cây ăn trái: bưởi da xanh, thanh long, khóm; rau màu để tăng thu nhập.

Ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch xã Vĩnh Thuận Đông, thông tin: Ngoài hỗ trợ giống, xã còn mở lớp tập huấn, kết nối với vườn cây ăn trái các xã lân cận, để bà con học hỏi, vượt khó khi mới chuyển đổi.

Năm nay, ông Lê Văn Dân, ấp 6, trồng đậu bắp Nhật, từ 5 công ruộng lúa năng suất thấp (chỉ 700kg/công). Nhờ được hỗ trợ, ông mạnh dạn trồng đậu bắp Nhật.

Đồng thời, liên kết với Công ty CP thủy sản Bạc Liêu, được công ty hỗ trợ 50% giống, phân bón. Vườn đậu bắp đang cho trái, mỗi đợt hái 170-200kg. Sau đó, bán cho công ty 8.500 đồng/kg.

Ngoài ra, ông còn trồng khổ qua, bầu, bí trong vườn đậu bắp. Đến lứa thu hoạch, cả gia đình cùng hái để kịp lứa đậu bắp đạt chuẩn (trái từ 8-10cm).

Theo ông Dân, đến hết vụ, mỗi công đậu bắp thu 6-7 triệu đồng. Thấy lợi ích lớn, đã có thêm 4 hộ tham gia trồng đậu bắp Nhật, với 2ha.

Ông Nguyễn Văn Hai, ấp 2, trước đây chỉ là vườn tạp, thu nhập thấp, khi được xã vận động, ông Hai cải tạo đất trồng 170 cây bưởi da xanh, trong đó, được hỗ trợ cây giống 140 gốc. Hiện, một số cây đã cho trái, dự kiến một năm nữa sẽ thu hoạch.

Ngoài ra, ông còn có đàn gà hơn 40 con, tận dụng phân gà ủ làm phân hữu cơ; mỗi năm được 40 bao, hạn chế sử dụng phân hóa học. Nhờ vậy, vườn bưởi của ông được đánh giá tốt.

Ông còn lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm 17 triệu đồng. Ông cho biết: “Nhờ địa phương định hướng tham gia HTX để tiêu thụ bưởi, nên tôi càng yên tâm để đạt năng suất cao”.

Mặt khác, địa phương còn đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho người dân vận chuyển nông sản. Đầu năm 2019 đến nay, đã làm mới 2 tuyến lộ bê tông 4,4km. Nâng cấp thêm 3km, xây mới 6 cây cầu.

Ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông, cho biết: Năm 2019, xã tiếp tục vận động chuyển đổi cây trồng, và liên kết tiêu thụ nông sản.

Khuyến khích trồng xen nhiều loại rau, màu trong vườn cây ăn trái, để lấy ngắn nuôi dài. Tạo việc làm cho lao động nông thôn; khuyến khích người dân tìm việc làm lúc nông nhàn như: trồng nấm rơm, đan lát lục bình, gia công lồng đèn…

Vị Thanh: Dưa hấu nghịch mùa được giá

Trong những ngày qua, giá dưa hấu bán lẻ cho người tiêu dùng tại các chợ như Vị Thanh, T.p Vị Thanh (Hậu Giang) chợ Nàng Mau, huyện Vị Thủy; chợ Long Mỹ, Thị xã Long Mỹ và một số chợ trên địa bàn tỉnh đang ở mức 12 -14.000 đồng/kg, cao hơn tuần trước 4.-6.000 đồng/kg.

Trong khi đó, thương lái vào tận rẫy thu mua dưa hấu của nông dân với giá 8-10.000 đồng/kg, tăng hơn vài ngày trước hơn 4.000 đồng/kg.

Nông dân bán dưa hấu cho thương lái.

Theo một số nông dân huyện Vị Thủy, và T.p Vị Thanh, nguyên nhân dưa hấu tăng, do rơi vào thời điểm nghịch vụ, ít người trồng nên sản lượng thấp, giá cao.

An Như (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tuyen-quang-san-xuat-tra-thao-duoc-ket-hop-du-lich-thu-lai-cao-post28945.html