Tuyên Quang: Vỗ béo trâu, nghề làm giàu trên vùng cao Lâm Bình

Mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo của nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã đem lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này vừa tiết kiệm được sức lao động, vừa giúp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập và giúp người dân có công ăn việc làm ổn định ngay tại địa phương.

Từ việc hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi trâu, đến nay huyện Lâm Bình có tổng đàn trâu trên 7.600 con. Hiện đang có 137 hộ gia đình được hỗ trợ vốn từ nguồn xây dựng nông thôn mới để thực hiện dự án chăn nuôi nhốt vỗ béo. Trong năm 2020, huyện tiếp tục thẩm định hỗ trợ vốn cho 79 hộ thực hiện. Đồng thời, duy trì có hiệu quả 2 HTX chăn nuôi trâu ở xã Bình An, Thượng Lâm liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành. Thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu vỗ béo, ngoài những hộ đang thực hiện dự án, hiện nay trên địa bàn huyện còn có nhiều hộ khác cũng tham gia thực hiện nuôi trâu theo hình thức này.

Nghề nuôi trâu vỗ béo tại Lâm Bình cho thu nhập khá.

Ông Trần Văn Trung - Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện cho biết: Việc phát triển nghề nuôi trâu, vỗ béo theo hướng hàng hóa tại Lâm Bình là hoàn toàn có thể thực hiện được. Thế nhưng để con trâu sau khi vỗ béo bán ra thị trường với chất lượng tốt, trở thành hàng hóa đặc trưng của địa phương thì huyện cũng cần có sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của trung ương và của tỉnh để cung cấp tư liệu và kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là việc lựa chọn con giống, duy trì đàn, chăn nuôi nhốt hoặc bán chăn thả đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay vấn đề đầu ra cho sản phẩm trâu, là không đáng ngại, bởi thương lái khắp từ Hà Nội rồi các tỉnh lân cận đều đã biết đến thị trường trâu nuôi nhốt vỗ béo ở huyện Lâm Bình, số hộ thường xuyên đi buôn bán trâu, bò ở các chợ và đưa về các tỉnh dưới xuôi bán. Nhiều hộ gia đình đã chủ động sử dụng những diện tích đất ven suối, soi bãi hoăc đất vườn đồi để trồng cỏ voi, và các loại cỏ khác để phục vụ chăn nhốt.

Bình An là một trong những xã điển hình của huyện với nhiều hộ tham gia thực hiện nuôi trâu, tập trung ở các thôn Tiên Tốc, Nà Coóc, Phiêng Luông, Tát Ten. Ông Ma Công Khâm - Chủ tịch UBND xã Bình An chia sẻ, trên địa bàn xã hiện có trên 1. 236 con trâu, bò. Trong đó, đàn trâu có 906 con. Đây là số lượng trâu, bò mà địa phương đã duy trì trong nhiều năm trở lại đây. Lợi thế ở địa phương thuận lợi gần QL 279 nên việc buôn bán và vận chuyển khá thuận lợi. Chỉ có điều trong hai năm trở lại đây do có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện nên giá cả trâu, bò không ổn định, điều này ảnh hưởng đến tâm lý chăn nuôi của một số hộ dân. Mặc dù đất bãi chăn thả ở địa phương có thu hẹp nhưng nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến việc chăn nuôi khi số diện tích trồng cỏ voi của xã đã phát triển triên 5 ha...Xã phát triển diện tích trồng cỏ rnên khá thuận lợi trong việc chăn nuôi nhốt và bán chăn thả đại gia súc. Ngoài ra, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân để phát nghề chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa.

Ông Đặng Văn Lâm ở thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình là người đã chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và buôn bán ở địa phương nhiều năm nay. Hiện gia đình ông đã xây dựng được nhà khang trang, trong chuồng trâu đang có gần 25 con trâu nhỡ được ông mua về để nuôi nhốt. Ông Lâm cho biết có được cơ ngơi hôm nay cũng là nhờ chăn nuôi và buôn bán trâu, bò. Sản phẩm đầu ra của thị trường trâu, rất ổn định trong nhiều năm trở lại đây. Hơn nữa chủ chăn nuôi chủ động liên kết với HTX công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) bình quân 3 tháng xuất một lứa trung bình mỗi con lãi trên 4 triệu đồng mỗi năm xuất được 4 lứa. Theo ông Lâm thì người nuôi nhốt cũng phải bỏ công đi tìm ở các thôn bản trong huyện để mua trâu, của những gia đình có trâu, nhưng thiếu nhân lực, buộc phải bán để lấy tiền trang trải và tiếp tục duy trì đàn. Ngoài ra, người dân ở đây đến các chợ phiên tại các tỉnh bạn như Hà Giang, Bắc Kạn để tìm mua về. Giá mua đầu vào khoảng 10 đến 15 triệu đồng/con.

Trăn trở nhất hiện nay của huyện Lâm Bình là công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu, có nơi làm chưa tốt. Do vậy mỗi khi trâu, bò mắc bệnh làm ảnh hưởng lớn đến việc cấp giấp kiểm dịch và vận chuyển, buôn bán đại gia súc. Hơn nữa, do một số hộ chăn nuôi vẫn duy trì một con đực giống để phối cho cả đàn theo kiểu cận huyết thống nên trâu, bò sinh sản ra thường không to, béo và khỏe như các con trâu, bò ở các địa phương khác. Vấn đề vệ sinh chuồng trại cũng chưa thực sự được người dân quan tâm. Nhiều chuồng trại không được quét dọn nên rất mất vệ sinh; có nơi chuồng làm quá sơ sài, thậm chí mái không che chắn hết nắng, mưa nên ảnh hưởng tới sinh trưởng của trâu, bò... Giải quyết được những hạn chế nói trên, sẽ giúp nghề nuôi trâu, bò vỗ béo ở huyện vùng cao Lâm Bình sẽ đạt hiệu quả bền vững.

Thái Sơn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuyen-quang-vo-beo-trau-nghe-lam-giau-tren-vung-cao-lam-binh-78778