Tuyển sinh 2021: Khuyến khích thi theo nhóm trường

Tại Hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm 2020 và định hướng năm 2021 tổ chức sáng 12/12, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết, công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 vẫn giữ ổn định như năm 2020. Đi cùng với đó là có một số cải tiến về mặt kỹ thuật đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.

Phát huy những mặt được

Tổng kết giáo dục đại học trong 5 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm đã được đổi mới thành công theo lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường. Thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, gia tăng đáng kể cơ hội trúng tuyển.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị. Ảnh: HL

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị. Ảnh: HL

Các trường phối hợp thực hiện công tác xét tuyển nhẹ nhàng dựa vào phần mềm xét tuyển chung và lọc ảo do Bộ GD&ĐT hỗ trợ; đồng thời thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh với những phương thức khác, phù hợp với yêu cầu riêng.

Đánh giá về công tác thi tuyển trong năm qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: “Năm nay 2020 là năm đặc biệt bởi cả nước đã trải qua nhiều thay đổi, biến động lớn, từ dịch COVID-19 đến bão lũ. Ngành đã triển khai thực hiện sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành. Năm nay, tuyển sinh cũng bị muộn và các trường đại học khai giảng năm học mới chậm hơn 1 - 2 tháng so với những năm trước”.

Mặc dù có nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 với 2 lần thi THPT và bão lũ ở khu vực miền Trung, công tác tổ chức thi và tuyển sinh đã đạt được kết quả rất tốt, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt khi xét tuyển đợt 1 đã sử dụng kết quả gộp chung của cả 2 lần thi THPT. Các trường đã tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và quyết định phương thức tuyển sinh, trong đó chủ yếu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự phối hợp của các cơ sở giáo dục đại học và các địa phương để cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chung của ngành, chia sẻ khó khăn với thí sinh và toàn xã hội.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện trong năm 2021 cũng như 5 năm tới.

Trên cơ sở phát huy những ưu điểm đã nêu, công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.

Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.

Bộ GD&ĐT vẫn nên "cầm cái"

Tại Hội nghị trực tuyến, nhiều trường đã bày tỏ sự đồng tình với phương án đặt ra của Bộ GD&ĐT.

GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết: “Qua việc các trường đăng ký phương án tuyển sinh, có ít nhất 50% chỉ tiêu của các trường vẫn dựa trên kỳ thi. Chứng tỏ đây vẫn là kỳ thi quan trọng với tuyển sinh của các trường, đỡ tốn kém và vất vả cho cả thí sinh và nhà trường”.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Hữu Tú cũng cho rằng: “Bộ tiếp tục duy trì lọc ảo. Vừa qua, vấn đề lọc ảo đã giúp tỷ lệ ảo của các trường giảm đi rất nhiều, gần như không có. Bộ GD&ĐT vẫn nên giữ vai trò “cầm cái” để đảm bảo kỳ thi tuyệt đối nghiêm túc. Qua đó, các trường mới tin tưởng sử dụng kết quả. Đề thi đảm bảo tính phân loại tốt, nếu vấn đề này làm tốt thì các trường sẽ sử dụng hiệu quả hơn”.

Đồng tình về việc đảm bảo đề thi có tính phân loại cao hơn, PGS - TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Đây chính là cơ sở tốt để các trường sử dụng kết quả tuyển sinh. Đồng thời, các trường cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh. Ví dụ thi trên máy tính gần như toàn bộ là bước tiến của việc này. Tiếp đó là xây dựng các trung tâm khảo thí uy tín để các trường căn cứ kết quả tuyển sinh.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Ngoại thương Hà Nội ủng hộ phương án tuyển sinh 2021 là ổn định, đặc biệt là sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

“ĐH Ngoại thương dành 50% chỉ tiêu cho phương thức này. Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo chung với công tác xét tuyển, đặc biệt việc đăng ký trên hệ thống quốc gia của học sinh THPT”, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết.

Bà Lê Thị Thu Thủy cho rằng, để nâng cao chất lượng tuyển sinh, tiến tới cần có Trung tâm khảo thí độc lập. Việc này có giúp các trường xét tuyển nhiều đượt trong năm như các nước trên thế giới đã làm. Để làm được việc này cần có sự chuẩn bị hành lang pháp lý trước 2 - 3 năm khi đưa vào áp dụng.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/tuyen-sinh-2021-khuyen-khich-thi-theo-nhom-truong-20201212150452439.htm