Tuyển sinh 2023: 'Chạy đua' mở ngành học mới gắn với AI, công nghệ số

Trí tuệ nhân tạo AI đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây. Nắm bắt nhu cầu xã hội, năm 2023, nhiều trường đại học mở thêm ngành học mới gắn với công nghệ số.

Theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường dự kiến tuyển sinh 63 chương trình đào tạo với tổng chỉ tiêu là 7.985 chỉ tiêu. Năm nay, trường mở thêm 3 chương trình đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano (40 chỉ tiêu), Công nghệ vật liệu Polymer và Compozit (40 chỉ tiêu), Kỹ thuật sinh học (40 chỉ tiêu).

Đáng chú ý, Đại học Bách khoa Hà Nội vừa chính thức ra mắt Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số (BK Fintech). PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Mục tiêu hoạt động của trung tâm là trở thành đơn vị nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ với nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế số, xã hội số quốc gia”.

Không riêng Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều trường có truyền thống đào tạo khối ngành kinh tế cũng bắt đầu tuyển sinh các khối ngành thuộc lĩnh vực công nghệ.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại mùa tuyển sinh năm 2022.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại mùa tuyển sinh năm 2022.

Ở mùa tuyển sinh 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến mở thêm 4 ngành mới, gồm ngành: Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao). Vì thế, trường cũng dự kiến tăng 460 chỉ tiêu so với năm ngoái, lên mức 4.280 chỉ tiêu.

Trường giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh, nhưng thay đổi tỷ lệ chỉ tiêu. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến dành 55% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp, 15% chỉ tiêu từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Còn lại, trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển theo đề án riêng và theo quy định của Bộ GDĐT. So với năm 2022, chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp giảm 10%.

Năm 2023, Trường Đại học Thương mại đào tạo mở thêm 5 ngành mới, gồm: Phân tích kinh doanh trong môi trường số, Tiếng Trung thương mại, Quản trị khách sạn, Marketing thương mại và Thương mại quốc tế. So với năm ngoái, trường tăng 700 chỉ tiêu.

Lý giải việc mở thêm ngành, đại diện Trường Đại học Thương mại cho biết, các ngành này có tính mới và phù hợp với bối cảnh hiện tại, khi nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên cấp thiết. Trường định hướng tiên phong trong chuyển đối số, đón đầu các xu thế phát triển, nên các chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng đa ngành, có tính quốc tế, gắn với công nghệ và chuyển đổi số.

Tương tự, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành mới trong năm 2023 như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.

Ở khu vực phía Nam, nhiều trường đại học cũng mở nhiều ngành học mới, trong đó có nhiều ngành gắn với công nghệ số.

Năm nay, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tuyển sinh 8.250 chỉ tiêu. Trường có 5 chương trình đào tạo mới gồm: Công nghệ tài chính (Fintech); Marketing công nghệ (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI) và Công nghệ logistics (Logtech).

Cũng trong năm nay, Hội đồng tuyển sinh Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành bậc đại học ở các trường thành viên. Cụ thể là các ngành: Trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Công nghệ thông tin); Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên)…

Tại Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trong năm 2023, trường dự kiến mở 5 ngành học mới là: Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Luật, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử.

Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2 tại TP Hồ Chí Minh mở ngành Trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và công nghệ thông tin.

Theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 của Bộ GDĐT, 4 nhóm ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Kinh doanh và quản lý.

Xu hướng đầu tư mở ngành học mới chứng tỏ rằng, các trường chuyển mình từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì thị trường cần. Nếu đảm bảo điều kiện chất lượng, đó là tín hiệu tốt, song thực tế, không phải ngành mới nào mở ra cũng bảo đảm chất lượng. Không ít trường có ngành mới mở ra liên tục trong vài năm không tuyển được người học buộc phải “đóng cửa”.

Trước xu thế các trường đại học ồ ạt mở ngành học mới trong một vài mùa tuyển sinh gần đây, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhìn nhận, việc các trường mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức đào tạo, dẫn tới nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho hay, dự kiến, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố trong tháng 2, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023.

Lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 cũng sẽ được tổ chức sớm hơn so với năm ngoái, dự kiến vào tuần cuối của tháng 6, thay vì vào tháng 7 như các năm trước.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tuyen-sinh-2023-chay-dua-mo-nganh-hoc-moi-gan-voi-ai-cong-nghe-so-5710450.html