Tuyển sinh Đại học 2019: Bất ngờ thí sinh điểm cao vẫn trượt

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh có điểm cao hơn điểm chuẩn vẫn mất cơ hội trúng tuyển đợt 1 vì những lý do bất ngờ.

Thí sinh xác nhận nhập học. Ảnh: Như Ý

Thí sinh xác nhận nhập học. Ảnh: Như Ý

Trường hợp thí sinh có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trường ĐH công bố nhưng vẫn trượt xảy ra với một số thí sinh xét tuyển các ngành năng khiếu tại các trường sư phạm.

Hai thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm mầm non và sư phạm âm nhạc của trường ĐH Sài Gòn là ví dụ điển hình. Đ.V.T (Quảng Nam) tốt nghiệp THPT năm 2017 học lực khá, năm nay dự thi THPT quốc gia đạt 5,5 điểm môn ngữ văn. Thí sinh này đăng ký nguyện vọng 1 ngành sư phạm âm nhạc tổ hợp N01 trường ĐH Sài Gòn đạt tổng điểm 21,5 (gồm năng khiếu 1 đạt 8 điểm, năng khiếu 2 đạt 8 điểm và môn ngữ văn 5,5 điểm). So với điểm chuẩn 18 của ngành này, Đ.V.T dư 3,5 điểm nhưng không có tên trong danh sách trúng tuyển của trường.

Thí sinh thứ hai là N.H.N.H. (quận 3, TP.HCM) năm nay thi lại lần 2 và chỉ đăng ký ngành sư phạm mầm non của Trường ĐH Sài Gòn. Hai môn năng khiếu thí sinh H. đạt điểm rất cao (gồm kể chuyện 10 và hát 9,5 điểm) nhưng môn ngữ văn chỉ đạt 3,25 điểm. Với 22,75 điểm, thí sinh này có điểm thi cao hơn điểm chuẩn ngành sư phạm mầm non 22,25 nhưng vẫn trượt.

Điểm thi cao hơn điểm chuẩn nhưng vẫn rớt cũng xảy ra với một số thí sinh xét tuyển vào ngành giáo dục thể chất của Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm nay.

Theo đại diện Trường ĐH Sài Gòn, quy chế tuyển sinh sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và học bạ hoặc kết hợp với điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển thì điểm học bạ phải tương đương với các ngưỡng theo quy chế. Cụ thể, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do bộ quy định.

Năm nay, điểm sàn ĐH đối với ngành sư phạm được Bộ GD&ĐT quy định là 18 điểm. Chiếu theo quy chế thì điểm sàn một môn văn hóa để xét tuyển vào các ngành sư phạm bậc ĐH là 6. Quy chế cũng quy định các trường có ngành sư phạm xác định điểm sàn, cụ thể trường sử dụng 2 môn thì điểm sàn 2 môn = điểm sàn 3 môn bộ công bố chia 3 x 2. Nếu trường sử dụng 1 môn thì điểm sàn 1 môn = điểm sàn 3 môn bộ công bố chia 3.

Trong trường hợp này, thí sinh ở Quảng Nam được 5,5 điểm môn ngữ văn +1/3 điểm ưu tiên (0,25/3) = 5,58 điểm (nhỏ hơn 6 điểm) thì chưa đạt sàn môn văn hóa theo quy định trên. Còn thí sinh ở TPHCM chỉ đạt 3,25 điểm môn ngữ văn thì nhỏ hơn 6 điểm nên cũng không đạt.

Chính vì vậy, hai thí sinh này dù thừa điểm chuẩn quy định trúng tuyển nhưng lại không đạt được điểm kiện đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT.

Một thực trạng nữa là trên điểm chuẩn mà không vượt sàn cũng có thể xảy ra ở các trường đại học sư phạm có tính môn chính (chẳng hạn như trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2)

Ví dụ, một thí sinh có điểm thi THPT 3 môn tổ hợp A00: toán 8,4, lý 5, hóa 4 thi vào sư phạm toán với điểm chuẩn 25. Giả sử thí sinh này không có điểm ưu tiên.

Khi đó, tổng điểm xét tuyển của thí sinh này là 8,4x2+5+4=25,8 (môn chính nhân đôi), tức cao hơn điểm chuẩn. Tuy nhiên thí sinh này cũng không đỗ vào sư phạm toán vì tổng 3 môn thi 8,4+5+4=17,4 là nhỏ hơn điểm sàn quy định của Bộ GD&ĐT.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-2019-bat-ngo-thi-sinh-diem-cao-van-truot-1452269.tpo