Tuyển sinh năm 2024: Mở mới nhiều ngành, thiết kế vi mạch lên ngôi

Trong số các ngành học mở mới năm nay, thiết kế vi mạch – công nghệ bán dẫn hiện là ngành đang được nhiều trường ưu tiên.

Trong số gần trăm trường đại học trong cả nước công bố thông tin tuyển sinh, đến nay có khoảng chục trường đại học dự kiến sẽ mở mới ngành thiết kế vi mạch – công nghệ bán dẫn hoặc có tên tương đương.

Nhân viên tại một công ty ở Khu công nghệ cao TPHCM đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch - công nghệ bán dẫn (ảnh: Nguyễn Dũng)

Cụ thể, tại ĐHQG TPHCM, Hội đồng Khoa học và Đào tạo đã đồng ý chủ trương mở 2 ngành thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn ở 3 trường đại học thành viên là Bách khoa, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Thông tin.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa cho biết, Trường dự kiến sẽ mở thêm 3 ngành: thiết kế vi mạch, kinh tế xây dựng, địa kỹ thuật xây dựng. Đây là các ngành đáp ứng nhu cầu mới của đất nước (vi mạch), phát triển kinh tế (kinh tế xây dựng) và bảo đảm hạ tầng cơ sở vật chất (địa kỹ thuật xây dựng).

TS.Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng cho hay, trong kỳ tuyển sinh 2024, trường có 2 chuyên ngành mới là thiết kế vi mạch, digital marketing.

ThS. Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cho hay, bên cạnh các ngành truyền thống, năm nay trường mở 4 ngành mới, gồm: quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong ngành công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin sẽ gồm các chuyên ngành: công nghệ thông tin, công nghệ thông tin y tế, thiết kế vi mạch, thiết kế đồ họa.

Trong số 7 ngành học mở mới của Trường ĐH Công nghệ TPHCM, có một số ngành học khá gần với ngành học thiết kế vi mạch - công nghệ bán dẫn như à khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật nhiệt, trí tuệ nhân tạo…

Đặc biệt, tại Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) ngoài việc mở mới ngành thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn còn liên kết vào các đơn vị thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn với mục tiêu là đầu mối để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ lĩnh vực vi mạch bán dẫn, thực hiện chuyển giao công nghệ từ các nước và vùng lãnh thổ tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Mỹ... phục vụ đào tạo và cung cấp cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai.

TS.Lâm Thành Hiển - Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho hay, trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Trường ĐH Lạc Hồng đã có những chính sách phát triển hoạt động đào tạo hướng đến cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, đóng góp tích cực vào việc phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Đồng Nai, vùng Đông Nam bộ và của cả nước.

Trước đó, hồi đầu tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) tại Hà Nội trong chuỗi hoạt động mà SIA đến Việt Nam lần này.

Tại TPHCM, lãnh đạo SIA đã đến thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao TPHCM để tìm hiểu về hạ tầng cơ sở phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn mà Hoa Kỳ đang đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Đoàn công tác của SIA đánh giá cao môi trường đầu tư của TPHCM và Việt Nam, kỳ vọng chuyến thăm mở ra triển vọng lớn trong hợp tác, đầu tư, phát triển ngành vi mạch bán dẫn cho Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

SIA được thành lập năm 1977 và là Hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ và là động lực chính cho sức mạnh kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hoa Kỳ. Hiện SIA quy tụ mạng lưới các doanh nghiệp thành viên chiếm tới 99% doanh thu ngành bán dẫn Hoa Kỳ, trong đó 2/3 là các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài.

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tuyen-sinh-nam-2024-mo-moi-nhieu-nganh-thiet-ke-vi-mach-len-ngoi-post1606985.tpo