Tuyển sinh vào lớp 10: Nên thi mấy môn?

Trước đề xuất không tổ chức môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, lãnh đạo các trường trung học cơ sở ở Hà Nội đã có những ý kiến trái chiều.

Hiện nay, nhiều ý kiến trái chiều về việc Hà Nội có nên tổ chức môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay không?

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, điều này thể hiện mong mỏi của đại đa số phụ huynh có con thi vào lớp 10 và cũng là nguyện vọng chính đáng.

Sau hàng chục năm chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn, từ năm 2019, Hà Nội bắt đầu triển khai thi 4 môn. Năm 2020 và 2022, thành phố Hà Nội đã bỏ môn thứ 4 do dịch bệnh bùng phát.

Trong mấy năm gần đây, việc thi tuyển sinh vào 10 với bao nhiêu môn luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các em học sinh và phụ huynh ở Hà Nội với mong muốn bỏ môn thi thứ 4 để giảm bớt áp lực.

“Việc tổ chức thêm môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lý giải là để giúp học sinh học đều tất cả các môn, không bị học lệch dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học. Sở cũng yêu cầu các trường tổ chức dạy học đầy đủ nội dung các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định nhằm bảo đảm học sinh có kiến thức, kỹ năng tốt để tiếp tục học tập có chất lượng khi vào lớp 10.

Tuy nhiên, từ năm học 2022 - 2023, lớp 10 bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bước sang giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ngoài 8 môn bắt buộc, học sinh lớp 9 lên lớp 10 được chọn để học 4 trong 9 môn, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Như vậy, có những môn trong 6 môn chọn để thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, học sinh sẽ không học ở bậc trung học phổ thông. Giáo dục đã chuyển từ giáo dục truyền đạt một chiều sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Vì vậy, chúng ta cần xem xét việc có cần thiết phải tổ chức môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh đầu vào lớp 10 như trước đây không”, thầy Nguyễn Quốc Bình nói.

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Đỗ Thơm

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Đỗ Thơm

Kỳ thi chuyển cấp là kỳ thi quan trọng, nhiều áp lực, tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Quốc Bình, thí sinh ngày nay không chỉ áp lực từ môn học mà còn áp lực đến từ chính những kỳ vọng của phụ huynh.

Ở thành phố lớn như Hà Nội, kỳ thi vào 10 trung học phổ thông công lập luôn là một kỳ thi vô cùng căng thẳng với tính cạnh tranh cao. Như năm 2022, chỉ có 60% học sinh có cơ hội đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập.

Hầu hết phụ huynh đều hy vọng con được học ở môi trường học tập tốt nhất như trường chuyên, chất lượng cao, trường gần nhà để thuận tiện đi lại. Điều này vô hình tạo áp lực lên các em.

Vì vậy, thầy Nguyễn Quốc Bình lưu ý, cha mẹ học sinh cần nhìn nhận, đánh giá học lực của con cái một cách khách quan, dựa trên kết quả học tập thực tế và tham khảo ý kiến thầy cô. Từ đó, cùng con đặt ra mục tiêu phù hợp với năng lực, giúp con lựa chọn được môi trường cấp 3 vừa phù hợp với khả năng của mình vừa phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai.

Từ đầu năm học, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh đã xây dựng kế hoạch vừa học vừa kết hợp với ôn tập theo hình thức cuốn chiếu, học đến đâu chắc kiến thức đến đấy, phân loại từng nhóm học sinh để có cách ôn tập phù hợp. Đối với các nhóm học sinh yếu hơn, nhà trường sẽ tách riêng và sắp xếp thời gian hỗ trợ bổ sung, lấy lại kiến thức cho các em.

Thực tế, khóa học sinh lớp 9 năm nay đã trải qua những giai đoạn học tập trực tuyến kéo dài nên việc củng cố kiến thức vô cùng quan trọng.

“Cho đến hiện nay, ngoài 3 môn thi đã công bố, đối với các môn còn lại, nhà trường vẫn đảm bảo cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản. Để từ đó, khi có thông báo thi môn thứ 4, trường có thể bắt đầu kế hoạch ôn tập cho học sinh ở mức độ cao và chuyên sâu hơn, nhằm đáp ứng tốt nhất kỳ thi tuyển sinh vào 10.

Từ đó, tránh được việc học sinh phải bổ sung kiến thức từ đầu hoặc lượng kiến thức cần bổ sung quá lớn”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh nhấn mạnh.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dân Hòa (Hà Nội) cho rằng, nếu bỏ môn thi thứ 4 và chỉ thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ thì đối với các môn học còn lại, học sinh sẽ mang tâm lý học đối phó vì “thi gì học nấy”.

Việc tổ chức thi 4 môn sẽ giúp học sinh có kiến thức nền tảng, trình độ văn hóa và sự tiếp nối kiến thức vững chắc khi chuyển sang một giai đoạn mới (quá trình phân hóa, định hướng nghề nghiệp).

Đồng quan điểm với thầy Nguyễn Khắc Thành, thầy Phạm Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đội Bình (Hà Nội) chia sẻ, từ đầu năm học, các em đã được học tập trung và không còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19. Vì vậy, để đánh giá toàn diện, tránh việc học sinh học lệch thì nên tổ chức thi tuyển sinh vào 10 với 4 môn học.

“Tâm lý phụ huynh luôn muốn biết trước các môn thi để các con tập trung vào ôn tập. Tuy nhiên, nếu biết môn thi từ sớm thì tâm lý các em sẽ chỉ học môn thi và sao nhãng các môn còn lại, ảnh hưởng tới kết quả đánh giá chung. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi 4 môn để các em học các môn đồng đều hơn.

Trước khi có những quyết định mới, thời gian này, giáo viên, phụ huynh hãy đồng hành cùng học sinh để các em yên tâm học tập, ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi thật tốt”, thầy Phạm Quốc Việt nói.

Anh Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tuyen-sinh-vao-lop-10-nen-thi-may-mon-post233105.gd