Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ

'Cầm Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ trên tay, tôi hết sức xúc động, vì đây là một nhà văn lừng danh năm xưa, nhưng đã vắng bóng trên văn đàn nửa thế kỷ nay' (Nhà thơ Triệu Phong).

Bìa tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ

Nhớ lại Giải thưởng văn nghệ 1951 - 1952, những nhà văn Võ Huy Tâm, Nguyễn Khắc Thứ, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng..., được trao những giải thưởng cao nhất: Giải Nhất: Tiểu thuyết Vùng mỏ của Võ Huy Tâm. Giải Nhì: gồm 2 giải trao cho ký sự Trận Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ; và tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi. Giải Ba: gồm 2 giải trao cho truyện ngắn Con đường sống của Minh Lộc; và ký sự Chiến thắng Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng. Giải Khuyến khích gồm 3 giải cho các tác phẩm truyện ngắn Đánh trận giặc lúa của Bùi Hiển; truyện Xây dựng của Nguyễn Khải; truyện Ông Cốc của Nguyễn Khắc Mẫn...

Như vậy, xuất phát điểm ban đầu của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ là rất xuất sắc, giải thưởng của nền văn học kháng chiến đã ghi nhận ông là một trong những cây bút hàng đầu của văn nghệ Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống thực dân.

Vậy Nguyễn Khắc Thứ là ai? Và vì đâu ông đoạt Giải thưởng văn học cao quý này?

Nhà văn quân đội Nguyễn Khắc Thứ sinh năm 1921, quê quán thuộc thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Một người bà con thân thiết của ông là nhà giáo Trương Quang Đệ viết về ông: “ Nguyễn Khắc Thứ thuộc thế hệ những nhà văn thời kháng chiến chống Pháp. Từ thời còn là học sinh, Nguyễn Khắc Thứ đã say mê văn chương và đã sáng tác nhiều truyện dài, truyện ngắn, thơ ca.

Khoảng năm 1948, khi giặc càn về quê nhà, gia đình anh phải buồn bã đem toàn bộ sách vở ra đốt, trong đó chúng tôi phát hiện nhiều bản thảo truyện ngắn và thơ ca của anh được viết tay nắn nót hoặc đánh máy. Kháng chiến bùng nổ, đường sắt, cầu cống, tàu xe bị phá bỏ, anh lên chiến khu Ba Lòng của tỉnh Quảng Trị và công tác tại Ban di cư tản cư của tỉnh.

Khoảng năm 1949, anh ra công tác ở Nghệ Tĩnh thuộc vùng tự do, kết hợp với một việc riêng cũng không kém phần quan trọng là đưa người em con dì, sau này là Nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân, ra vùng tự do tiếp tục học tập… Ca sĩ Tân Nhân lúc đó là nữ sinh Đồng Khánh (Huế), hoạt động nội thành bị lộ, phải rời thành phố lên khu kháng chiến. Sau đó, Nguyễn Khắc Thứ xin gia nhập quân đội, chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên”.

Sau năm 1954, từ Sư đoàn 325 Bình Trị Thiên, nhà văn Nguyễn Khắc Thứ được gọi về Trại viết anh hùng của Tổng cục Chính trị. Nhà văn Nguyên Ngọc nhớ lại: “Bấy giờ Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua quân đội vừa họp ở Hà Nội. Tổng cục Chính trị gọi mỗi sư đoàn một người “biết viết” về Hà Nội để chia nhau viết về các anh hùng vừa được tuyên dương. Hóa ra đấy là cuộc tập hợp để rồi sau đó sẽ hình thành cả một thế hệ những người cầm bút chủ lực được rèn luyện trong kháng chiến chống Pháp và bắt đầu chính thức bước vào văn học sau năm 1954-1955.

Nguyễn Khải từ sư đoàn đồng bằng Bắc Bộ lên, Phùng Quán, Nguyễn Khắc Thứ từ Sư đoàn 325 Bình Trị Thiên ra, Hồ Phương từ Sư đoàn 308 về, Nguyễn Trọng Oánh và Hải Hồ từ Sư đoàn 304 Khu 4, Lý Đăng Cao từ Phòng không, Hà Mậu Nhai từ Sư đoàn 330 Nam Bộ... Ít lâu sau, có thêm Hữu Mai từ Điện Biên Phủ, Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi từ Sư đoàn 338 Nam Bộ về...

Tôi là người về sau cùng, một cây bút mới tập tò đôi ba bài bút ký vô danh, từ Sư đoàn 324 Khu 5 cũng được gọi về vì có ai đó tình cờ giới thiệu. Lính mới toanh, cấp thấp nhất trong nhóm, còn hoàn toàn trắng tay, gặp ai cũng sợ.

Bấy giờ Hồ Phương đã có “Thư nhà”, chúng tôi ở chiến trường Khu 5 xa thế mà cũng từng được đọc và phục lăn. Nguyễn Khắc Thứ đã có cả bộ tiểu thuyết “Đất chuyển” đồ sộ. Phùng Quán vừa xáo động văn đàn bằng “Vượt Côn Đảo”. Nguyễn Khải thì từng đoạt giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam, danh tiếng vang đến tận những chiến trường xa trong Nam của chúng tôi...”.

Nhà văn Nguyễn Khải cũng viết về đội ngũ nhà văn trẻ quân đội những ngày tháng này: Mãi đến giữa tháng 8 năm 1955, sau ngày đình chiến, kết thúc cuộc chiến chống Pháp đúng một năm, chúng tôi mới được Phòng Văn nghệ gọi về Hà Nội viết truyện anh hùng.

Đây là đi công tác, đi rồi về chứ không phải là thuyên chuyển công tác, đi rồi ở hẳn. Thôi được, cứ biết là được về Tổng cục mấy tháng, lên đó sẽ tính, biết đâu được trên yêu mà cho ở lại. Tôi được về Tổng cục Chính trị, được về Hà Nội như đang ở ao ngòi được ra sông cái, đầm lớn, việc gì cũng lạ, chuyện nào cũng vui.

Hàng ngày tôi đều được cùng ngồi ăn, cùng trò chuyện với anh các Thanh Tịnh, Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Xuân Miễn, Bích Lâm, Vũ Tú Nam, Từ Bích Hoàng, Vũ Cao, Mai Văn Hiến, Doãn Trung, Hà Mậu Nhai, Nguyễn Thụy Ứng, Ngọc Tự... Cùng lên Tổng cục với tôi đợt ấy có các anh: Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khắc Thứ, Trần Cẩn, Mạc Phi, Vũ Sắc, Xuân Thiêm, Nguyễn Trọng Oánh, Lý Đăng Cao, Xuân Vũ, Minh Giang, Phác Văn. Ít lâu sau có thêm các anh: Hữu Mai, Hải Hồ, Ngô Thông, Nguyễn Ngọc Tấn. Rồi các anh Hoàng Cầm, Hoàng Yến, Phùng Quán, Tạ Hữu Thiện. Và ông Trần Dần.

Ngày ấy hình như chỉ có tôi và anh Nguyên Ngọc là ngơ ngác hơn cả, vì chúng tôi là lính quân khu, lính địa phương. Còn các anh khác là lính chủ lực, lính các đại đoàn, họ thường gặp nhau, cùng làm việc với nhau mỗi lần Bộ Tổng mở chiến dịch lớn. Họ là bạn của nhau, xưng hô với nhau là ông tôi, cậu tớ, gọi nhau là thằng này thằng nọ. Còn tôi thì khác. Ai cũng đáng mặt đàn anh mình cả.

Thầy giáo Trương Quang Đệ cho biết: “Vào những năm 1956-1957, Nguyễn Khắc Thứ tham gia trại sáng tác của Tổng cục Chính trị viết về đề tài anh hùng quân đội. Anh cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Đất chuyển”, kể lại một câu chuyện có tính hiện thực, với những nhân vật có hồn, có tình người. Chỉ mấy tháng sau khi được xuất bản ở Việt Nam, “Đất chuyển” được một nhà văn Trung Quốc dịch sang Hoa văn với tên gọi “Thổ địa hồi gia”.

Một truyện khác của anh, “Bản án tử hình” được nhiều nước Đông Âu đăng lại trên các báo văn học, sau khi họ nhờ anh dịch ra tiếng Pháp làm cứ liệu trung gian…”. Sau giai đoạn ở Trại viết, Nguyễn Khắc Thứ tiếp tục thăng hoa với nhiều tác phẩm ra đời: Phá kho bom Tân Sơn Nhất, Bản án tử hình... được các nhà xuất bản xuất bản với số lương lớn, không cuốn nào đưới 10.000 bản, và một tên tuổi Nguyễn Khắc Thứ rất tỏa sáng lúc bấy giờ... Nguyễn Khắc Thứ thuộc lớp nhà văn đầu tiên có mặt tại Hội Nhà văn Việt Nam buổi đầu thành lập, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.

Cho đến nay, sau nửa thế kỷ, giai đoạn văn học bừng sáng với nhiều tác phẩm văn học xuất sắc của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ mới được Nhà xuấ bản Văn học tập hợp lại, ra mắt trong một bộ tuyển tập dày dặn, do Nhà nước đặt hàng. Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ bìa cứng, dày 710 trang, gần như trọn bộ những sáng tác của ông: Từ Trận Thanh Hương, tiểu thuyết Đất chuyển, truyên dài Hẹn hò, tập truyện Phá kho bom Tân Sơn Nhất và tiểu thuyết Bản án tử hình.

Đọc trọn bộ Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ này, người đọc thời nào cũng thấy hiện lên một gương mặt văn học tài hoa, kiến thức rộng mở, một giọng văn có cá tính và đặc biệt rất sắc sảo và “thời cuộc”.

Những thành tích văn học của ông, như Trận Thanh Hương được giải thưởng văn học kháng chiến, Đất chuyển kể như thiên tiểu thuyết đầu tiên về cải cách ruộng đất đến văn học Trung Quốc cũng nể vì, và đậc biết là tiểu thuyết “Bản án tử hình” kể như thiên tiểu thuyết đầu tiên khơi dòng dòng văn học “dao găm súng lục” an ninh tình báo của chúng ta. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Khắc Thứ đều để lại một dấu ấn lịch sự trong lòng bạn đọc và trong nền văn chương nước nhà.

Triệu Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/tuyen-tap-nguyen-khac-thu/176187.htm