Tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua Chư Sê sụt lún kinh hoàng

Tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, vừa mới hoàn thành xây lắp thì xảy ra hư hỏng nghiêm trọng.

VOV đưa tin, tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua Chư Sê có chiều dài gần 11km, vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng do Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Công trình khởi công tháng 5/2018, đến tháng 6/2019 thì hoàn thành xây lắp, chuẩn bị được nghiệm thu, bàn giao để lưu thông. Đáng tiếc, đầu tháng 9/2019, sau đợt mưa lớn, tại đây bắt đầu bị sụt lún, nứt gãy.

Sụt lún ngày một nghiêm trọng hơn, đến cuối tháng 10, hiện trường như một vụ động đất. Điểm sụt lún cao quá đầu người, vết nứt rộng cả mét.

Đường vừa mới hoàn thành thì bị sụt lún nghiêm trọng. (Ảnh: VOV.vn)

Thông tin trên báo Dân việt, việc hư hỏng sạt, lún nền mặt đường đoạn km10+200 – km10+330 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo xử lý trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức và các cá nhân được phân công trực tiếp quản lý, điều hành dự án.

Trong văn bản Ban quản lý dự án 6 (BQLDA 6) gửi Bộ GTVT vào chiều ngày 11/9 có nêu: Chưa thể khắc phục dự án đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh Chư Sê (Gia Lai) vì mưa và địa chất phức tạp.

Đồng thời, đưa ra lý do tuyến đường đi qua địa hình trước kia là ao nước của người dân dù đã được lấp lại khá lâu (gần 10 năm), bề mặt phía trên bằng phẳng, nhưng phía dưới sâu có thể đã hình thành túi bùn, dẫn tới khi mưa to khối lượng lớn dồn dập đã tạo áp lực khiến nền đất bị lún trôi xuống các túi bùn này, tạo ra nứt gãy thẳng đứng trên bề mặt đường.

Ngoài ra, BQLDA 6 còn đổ lỗi cho cả tư vấn thiết kế khảo sát khi đã để xảy ra tình trạng trên mà không phát hiện được. Xuất phát từ lý lẽ này đã khiến nhiều người bày tỏ không đồng tính với lý do "khách quan" này.

Liên quan tới vụ việc này, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Chuyên gia giao thông cho biết: "Nguyên nhân dẫn tới sụt lún mặt đường tránh Chư Sê thuộc về mặt chất lượng công trình do yếu tố chủ quan và khách quan".

Sụt lún như bị động đất khiến tuyến đường tan nát. (Ảnh: VOV.vn)

"Chủ quan ở đây chính là do thi công xây dựng làm không đúng kỹ thuật, không đảm bảo theo đúng thiết kế, khách quan là do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, bằng bất kỳ yếu tố nào thì lúc thiết kế người ta cũng phải tính toán đến thời tiết và khí hậu", GS.TS Từ Sỹ Sùa cho biết.

GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng: "Hiện, Bộ GTVT và các đơn vị đang tiến hành kiểm tra xác minh, nếu do yếu tố khách quan thì các đơn vị phải chịu trách nhiệm. Các dự án khi thực hiện đều phải phụ thuộc vào địa hình, địa chất của vùng miền đó để tính đến độ sụt lún của công trình, do đó chẳng có công thức chuẩn nào bắt buộc các dự án phải áp dụng cả".

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam phân tích, tình trạng sụt lún đường chủ yếu là do nền đường được làm trên đất yếu, không được xử lý kỹ về lớp móng. Trách nhiệm của bên thi công thì chỉ mang tính chất cục bộ chứ không quá nghiêm trọng như đối với những tuyến đường hư hỏng khác.

GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục cho rằng, muốn khắc phục con đường này cần phải xem hệ thống thoát nước ở trong khu vực đó thế nào. Rất có thể trước khi làm con đường đó có người khảo sát địa chất nhưng người xử lý lại bỏ qua. Để tìm ra nguyên nhân cụ thể thì vẫn cần điều tra địa chất cụ thể lại để có biện pháp khắc phục cho phù hợp.

PV (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tuyen-tranh-duong-ho-chi-minh-qua-chu-se-sut-lun-kinh-hoang-20191103163617166.htm