TUYÊN TRUYỀN ĐỂ ĐẢM BẢO TỈ LỆ VÀ CHẤT LƯỢNG ĐẠI BIỂU ĐƯỢC BẦU Ở NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Tuyên truyền làm sao để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu đúng, hiểu đủ về quyền lợi và nghĩa vụ về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đối với đại biểu là người dân tộc thiểu số đòi hỏi sự kiên trì, linh hoạt ở người cán bộ.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh

Phóng viên: Thưa bà, để đạt được tỷ lệ 18% đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khóa XV như mục tiêu đề ra. Theo bà, yếu tố nào là quan trọng nhất?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh: Để đảm bảo 18% tỷ lệ đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số phải có thêm nhiều giải pháp và một trong những giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phải có phương thức tuyên truyền hợp lý.

Vậy trước hết là cần phải tuyên truyền để cho đồng bào dân tộc thiểu số để họ nhận diện được quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi một cử tri, cách tuyên truyền phải có phương thức phù hợp, chuyển tải những chủ trương chính sách của nhà nước chỉ đạo về bầu cử thì rất cần thiết phải nói bằng tiếng nói gần gũi với họ.

Một trong những đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số là việc tự nói về mình có nhiều hạn chế, phải hỗ trợ cho các ứng cử viên có kỹ năng giao tiếp trước cuộc họp, một nơi đông người phải tạo môi trường để họ nói được tiếng nói của chính mình và của cộng đồng mình, điều này cũng rất quan trọng.

Phóng viên: Không chỉ đảm bảo tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số mà quan trọng hơn là phải đảm bảo chất lượng đại biểu. Theo bà, liệu có thể đạt được mục tiêu kép này hay không?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh: Thật không dễ để vừa phải đảm bảo cơ cấu vừa đảm bảo được chất lượng đại biểu dân tộc thiểu số trong Quốc hội, khi hiệp thương lựa chọn các ứng cử viên tham gia đại biểu Quốc hội phải nhìn nhận đầy đủ và chính xác những người được tín nhiệm trong cộng đồng, phải có những môi trường để các ứng viên thể hiện được chính mình, từ tiếng nói, từ những khát khao hành động của mình. Bên cạnh đó cần phải có các lớp tập huấn cho những ứng viên đại biểu dân cử, đặc biệt là nữ để họ có đủ kiến thức cơ bản nhất trong giao tiếp và thể hiện được tiếng nói của chính mình trước những môi trường rộng mà họ ít có cơ hội tiếp cận.

Phóng viên: Thưa bà, Ủy ban Dân tộc sẽ có những giải pháp như thế nào góp phần tăng cường tuyên truyền đảm bảo cơ cấu và chất lượng đại biểu dân tộc thiểu số trong Quốc hội?

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh: Ủy ban Dân tộc sẽ cùng với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp thực hiện Kế hoạch số 1449/KH- HĐDT14 ngày 2/3/2021 về việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chúng tôi cũng sẽ cùng với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cung cấp thông tin và tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan báo chí để tập trung tuyên truyền đúng trọng tâm trọng điểm. Mặt khác Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc sẽ tổ chức công tác hậu kiểm nhằm đánh giá hoạt động tuyên truyền của các cơ quan báo chí trong công tác bầu cử, và có những đánh giá mới về công tác tuyên truyền, để tiếp tục có những định hướng tuyên truyền trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là tuyên truyền về quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời cũng mong muốn các cơ quan báo chí có kế hoạch để đi sâu đi sát về cơ sở hơn, cần dành nhiều thời gian hơn để có mặt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi để có những bài viết, hình ảnh sinh động về đời sống của đồng bào, nhất là trong dịp bầu cử sắp tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=55190