Tuyên truyền giáo dục pháp luật thông qua xét xử

Nhiều phiên tòa hình sự của TAND tỉnh thu hút đông đảo người dân tham dự. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Xác định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, TAND hai cấp ở Phú Yên đã đẩy mạnh công tác này thông qua hoạt động xét xử, giải quyết các loại án. Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong Nhân dân, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị, ổn định an ninh và trật tự xã hội địa phương.

Nâng cao nhận thức

Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật trong Nhân dân, phòng ngừa tội phạm, thời gian qua, TAND huyện Sông Hinh tổ chức xét xử lưu động vụ án hình sự đối với các bị cáo: Đào Ngọc Lập (SN 1981), Nguyễn Văn Dũng (SN 1986) cùng trú huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa và Đặng Văn Thuận (SN 1992) trú huyện Sông Hinh về tội trồng cây cần sa. Phiên tòa được tổ chức tại xã Ea Trol thu hút đông đảo người dân trên địa bàn huyện tham gia.

Trao đổi về việc đưa ra xét xử lưu động vụ án này, ông Bùi Châu Kha, Chánh án TAND huyện Sông Hinh cho biết: Đây là vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, vì thế TAND huyện đã quyết định đưa ra xét xử lưu động. Chúng tôi hết sức cân nhắc, chỉ tổ chức xét xử lưu động khi nào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sông Hinh yêu cầu, nhằm hướng đến mục đích răn đe, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Theo dõi phiên tòa trực quan, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận, nắm bắt, hiểu rõ hơn các quy định pháp luật. Qua đó góp phần lan tỏa về ý thức tuân thủ pháp luật trong Nhân dân.

Chị Hà Thị Thìn ở xã Ea Trol nói: Qua theo dõi trực tiếp phiên tòa, tôi cũng như nhiều người dân địa phương có thêm những kiến thức pháp luật bổ ích, hiểu rõ hơn về pháp luật quy định đối với từng trường hợp vi phạm, hiểu được hành vi nào đúng, hành vi nào sai sẽ bị pháp luật trừng trị, xử lý.

“Sông Hinh là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phần lớn trình độ dân trí thấp, bà con chưa nắm bắt hết các quy định của pháp luật. Vì vậy, để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân cần phải tuyên truyền nhiều lần, nhiều hình thức khác nhau. Thời gian qua, ngoài tổ chức xét xử lưu động, TAND huyện Sông Hinh còn tổ chức các phiên tòa trực tuyến, phiên tòa rút kinh nghiệm. Thông qua hoạt động xét xử, các thẩm phán đã lồng ghép tuyên truyền các quy định, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để những người tham dự phiên tòa hiểu rõ hơn về pháp luật quy định đối với từng trường hợp vi phạm. Từ đó, họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của bản thân trong cuộc sống cũng như tác động tích cực đến người thân và những người xung quanh”, Chánh án TAND huyện Sông Hinh Bùi Châu Kha chia sẻ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo ông Trần Huy Đức, Chánh án TAND tỉnh, thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, những năm qua, TAND hai cấp ở Phú Yên luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn với hoạt động xét xử của hệ thống tòa án.

Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử đã mang lại hiệu quả thiết thực, các quy định, văn bản của pháp luật dễ đi vào cuộc sống, thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân. Quan trọng nhất là giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp thông qua hoạt động xét xử, từ đó ngoài việc răn đe, giáo dục còn nâng cao ý thức trong đấu tranh, phòng chống tội phạm từ mỗi phiên tòa.

“Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, những năm qua, TAND tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, triển khai tới cán bộ, thẩm phán mục tiêu, nội dung chương trình phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện tốt cơ chế phối hợp với Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh chú trọng công tác xét xử các loại án. Trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND hai cấp Phú Yên đã giải quyết 1.969 vụ việc trong tổng số 4.251 vụ việc thụ lý. Trong đó, đã tổ chức 65 phiên tòa rút kinh nghiệm, 34 phiên tòa xét xử trực tuyến; 1.065 bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử TAND. Bên cạnh đó, công tác hòa giải, đối thoại luôn được TAND hai cấp chú trọng trong quá trình giải quyết các vụ án, có 921 vụ việc được hòa giải thành, đối thoại thành trong 6 tháng, đạt tỉ lệ 46,78%. Thông qua công tác hòa giải, đối thoại, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính, hôn nhân và gia đình được các thẩm phán phổ biến đến các đương sự trong từng vụ việc. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho các bên, giúp việc thi hành pháp luật thuận lợi hơn…”, ông Đức nói.

Thông qua hoạt động xét xử của tòa án, chúng tôi mong rằng những người tham gia tố tụng và những người theo dõi phiên tòa hiểu rõ về những quy định của pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án. Từ đó, mọi người có thể tự đánh giá về hành vi, trách nhiệm pháp lý của bản thân để định hướng hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật.

Chánh án TAND tỉnh Trần Huy Đức

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/164/300238/tuyen-truyen-giao-duc-phap-luat-thong-qua-xet-xu.html