Tuyên truyền không đốt đồ mã, vàng mã tại di tích, lễ hội

VH- Bộ VHTTDL vừa có văn bản 1695/TB-BVHTTDL thông báo kết luận của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Mậu Tuất, diễn ra ngày 20.4.2018 tại Hà Nội.

Đồ mã vừa tốn kém khi đốt lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Ảnh minh họa: XUÂN TRẦN

Hội nghị đã đánh giá những kết quả đạt được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Mậu Tuất năm 2018. Theo đó, các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ; chính quyền các địa phương đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại. Công tác truyền thông đã góp phần quan trọng quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp; kịp thời phản ánh những hiện tượng thương mại hóa, biến tướng, tiêu cực trong lễ hội, qua đó đề xuất các giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2018 còn một số hạn chế như: hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc; đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi lễ hội trong giờ hành chính; hiện tượng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch…

Tại Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chỉ đạo một số nội dung, nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo đó, các nhiệm vụ được nhấn mạnh gồm: Tiếp tục thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tập trung hoàn thiện Dự thảo Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành trong quý II năm 2018. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội kích động bạo lực, trái với truyền thống; không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu, chọi dê, chọi bò… Có định hướng điều chỉnh quy mô, giảm tần suất tổ chức lễ hội VHTTDL, lễ hội ngành nghề. Không sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong tổ chức lễ hội VHTTDL, lễ hội ngành nghề. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổchức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực…

Lãnh đạo Bộ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Cục, Vụ, đơn vị chức năng. Trong đó, giao Cục Văn hóa cơ sở tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến nghị người dân không đốt đồ mã, vàng mã tại di tích, cơ sở thờ tự và lễ hội; Cục Di sản văn hóa tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể, thực hiện nghiêm chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Viện VHNT quốc gia Việt Nam chủ trì, nghiên cứu, đề xuất giải pháp hạn chế một số tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm…

Các Sở VHTTDL, Sở VHTT quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực; chỉ đạo BQL di tích, BTC lễ hội sắp xếp khu vực dịch vụ, nơi sắp lễ, đặt hòm công đức đúng quy định, có phương án quản lý tiền công đức công khai, minh bạch…

MINH NGỌC

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/tuy234n-truy%E1%BB%81n-kh244ng-%C4%91%E1%BB%91t-%C4%91%E1%BB%93-m227-v224ng-m227-t%E1%BA%A1i-di-t237ch-l%E1%BB%85-h%E1%BB%99i