Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Hải Hà: Sát đặc thù địa phương và đời sống của nhân dân

Huyện miền núi, biên giới Hải Hà hiện có khoảng 60.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24,8% và phần lớn cư trú ở các vùng giáp biên, biển đảo, nơi có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng. Xác định rõ đặc thù, nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho người dân nói chung, người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn được huyện Hải Hà quan tâm triển khai.

Huyện Hải Hà phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tuyên truyền các quy định của pháp luật về tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Thanh Trường (Trung tâm TT-VH Hải Hà)

Huyện Hải Hà phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tuyên truyền các quy định của pháp luật về tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Thanh Trường (Trung tâm TT-VH Hải Hà)

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện hằng năm, Phòng Tư pháp huyện Hải Hà đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức nhiều đợt TTPBGDPL phù hợp với nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị và sát với tình hình thực tế của địa phương.

Thực hiện Luật PBGDPL, Phòng Tư pháp huyện Hải Hà tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020. Phòng cũng tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị tập trung phổ biến các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua, các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, như: Chủ đề công tác năm 2020 của huyện “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững; phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng cấp đô thị và huyện đạt chuẩn nông thôn mới”; Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19…

Chủ động biên soạn và cấp trên 21.500 tờ gấp tìm hiểu một số quy định về bảo vệ môi trường; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Hôn nhân gia đình và các quy định về xử phạt hành chính về y tế dự phòng; một số quy định xử phạt hành chính về an toàn thông tin mạng... Đồng thời, thực hiện đăng tải công khai, kịp thời các luật, nghị định mới có hiệu lực trên cổng thông tin điện tử thành phần của huyện.

Các ngành thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện cũng chủ động phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh công tác TTPBGDPL cho người dân trên địa bàn. Mới nhất, ngày 16/6 vừa qua, Công an huyện Hải Hà đã phối hợp với 2 xã Quảng Phong, Quảng Minh tổ chức hội nghị TTPBGDPL về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng cho 75 cán bộ, công chức, nhân dân, lực lượng công an xã và các đối tượng hoàn thành thi hành án hình sự trở về địa phương. Qua hội nghị tuyên truyền đã giúp người dân, nhất là các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù nắm rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình phải thực hiện khi trở về địa phương. Qua đó, hạn chế tối đa các đối tượng tái phạm tội, góp phần phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Công an huyện Hải Hà tuyên truyền pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng cho người dân.

Trong 6 tháng năm 2020, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện đã tổ chức hơn 100 cuộc TTPBGDPL cho trên 10.000 lượt người dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan mật thiết đến người dân... Qua đó, kịp thời tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc của người dân trong việc tiếp cận với các thủ tục hành chính liên quan đến pháp luật.

Các hoạt động hòa giải cơ sở; công tác tiếp công dân và trợ giúp pháp lý được các địa phương, đơn vị của huyện quan tâm, triển khai hiệu quả. 6 tháng đầu năm, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã hòa giải thành công 29/36 vụ việc, góp phần giải quyết các tranh chấp ngay từ cơ sở, giữ gìn tình đoàn kết thôn xóm, giữ gìn trật tự trị an trong cộng đồng dân cư.

Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề thiết thực, sát đặc thù của địa phương, đơn vị và đời sống của nhân dân nên đã mang lại hiệu quả rõ nét... Qua đó, giúp người dân, nhất là bà con người dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã biên giới nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng người dân vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.

Nguyễn Chiến

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-o-hai-ha-sat-dac-thu-dia-phuong-va-doi-song-cua-nhan-dan-2489836/