Tuyên truyền sâu rộng Luật Biên phòng Việt Nam đến với nhân dân ở khu vực biên giới, ven biển

Nhằm đưa Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) vào cuộc sống, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án 'Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết, giai đoạn 2021-2025' trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đến nay, trong toàn tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết cho cán bộ từ tỉnh đến huyện (thành phố, thị xã), xã (phường) và thôn (xóm, bản, khối).

Cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn, BĐBP Nghệ An tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam cho các em học sinh trên địa bàn. Ảnh: Lê Thạch

Thời gian qua, BĐBP Nghệ An đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN đến người dân ở khu vực biên giới, ven biển. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử, cổng thông tin điện tử, Luật BPVN còn được lan tỏa sâu rộng trong xã hội qua các hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên và hệ thống thông tin cơ sở; thông tin đầy đủ trên tờ rơi, tờ gấp và các nền tảng mạng xã hội.

BĐBP Nghệ An cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành, các địa phương trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung củng cố cơ sở chính trị ở khu vực biên giới vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, hợp tác quốc tế về biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Đồng chí Lô Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Chúng tôi xác định, tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó tổ chức tập huấn cho 250 đại biểu cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp huyện; cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn; người có uy tín trên địa bàn các thôn, bản thuộc xã biên giới; đồng thời, triển khai tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của Luật BPVN đến bà con bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua thời gian triển khai thực hiện thì nhận thức của cán bộ, người dân đã được nâng lên; thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật BPVN đi vào đời sống của người dân, nhất là đồng bào ở khu vực biên giới.

Thực tế, thời gian qua, các đồn Biên phòng đã bám sát kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, tích cực nghiên cứu, biên soạn một cách có hệ thống các nội dung cốt lõi của Luật BPVN để tổ chức tuyên truyền tập trung tại đơn vị và trụ sở UBND các xã, phường ở khu vực biên giới, ven biển. Các đồn Biên phòng đã chủ động triển khai các tổ, đội công tác trực tiếp xuống địa bàn, từng hộ dân với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền một cách cụ thể đến mỗi người dân. Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến tập trung, BĐBP còn phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tham gia phổ biến sâu rộng Luật BPVN đến bà con.

Ông Quang Văn Thu, người có uy tín ở bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong chia sẻ: “Được tham gia tập huấn, được cán bộ Đồn Biên phòng tuyên truyền, giải thích thêm, chúng tôi hiểu rằng, Luật BPVN là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia... Mỗi người dân đều hiểu trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”.

Nhờ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu nên ý thức bảo vệ, giữ gìn biên giới quốc gia đã thấm sâu vào nhân dân ở khu vực biên giới, ven biển. Một số vụ việc vi phạm quy chế quản lý biên giới, hiện tượng xâm canh, xâm cư, các dấu hiệu liên quan đến đường biên, mốc quốc giới, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta đã được người dân phát hiện, thông báo kịp thời cho BĐBP, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị trong BĐBP Nghệ An đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới, ven biển tổ chức tuyên truyền tập trung được 1.632 buổi/128.918 lượt người; qua loa phóng thanh được 1.784 giờ; qua loa kéo di động được 1.473 giờ; phát hơn 34.500 tờ rơi... tuyên truyền những vấn đề cốt lõi của Luật BPVN đến cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới, ven biển.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã tham mưu cho địa phương duy trì hoạt động hiệu quả 88 tập thể, 916 hộ gia đình, 2.102 cá nhân tự quản đường biên giới; 69 tập thể, 864 gia đình, 2.322 cá nhân tự quản 105 mốc quốc giới; 944 tổ/17.810 cá nhân tự quản an ninh trật tự xóm, bản; 137 tổ/1.464 tàu, thuyền/5.495 thành viên tổ tàu thuyền an toàn; 21 bến bãi/262 thành viên bến bãi an toàn.

Có thể thấy rằng, công tác tuyên truyền Luật BPVN trên địa bàn tỉnh Nghệ An bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần giúp cán bộ, nhân dân nắm chắc các nội dung cơ bản của luật và các văn bản quy định chi tiết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

"Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các nội dung trong đề án, kế hoạch của UBND tỉnh, trọng tâm là tổ chức tuyên truyền, triển khai tìm hiểu trực tuyến về Luật BPVN, tuyên truyền trên các ứng dụng, nền tảng xã hội để tiếp tục đưa Luật BPVN đi sâu vào đời sống của nhân dân" - Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An cho biết.

Lê Thạch

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tuyen-truyen-sau-rong-luat-bien-phong-viet-nam-den-voi-nhan-dan-o-khu-vuc-bien-gioi-ven-bien-post466809.html