Tuyên truyền, xử lý thông tin trên mạng xã hội của cơ quan Đảng, Nhà nước (Kỳ 4): Hoàn thiện thể chế, nâng cao bản lĩnh đội ngũ cán bộ

Xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật để điều chỉnh các hành vi trên môi trường mạng sẽ giúp cơ quan chức năng xử lý kịp thời các vấn đề mới nảy sinh, góp phần ngăn chặn hiệu quả những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc.

Ảnh minh họa.

Kịp thời bổ sung những quy định mới

Khẳng định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên không gian mạng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong tình hình mới, bà Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng kiến nghị cần phải có giải pháp đồng bộ để khắc phục những khó khăn, bất cập đang đặt ra hiện nay. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Internet, mạng xã hội (MXH).

Bà Hà cho biết, thời gian vừa qua cùng với sự phát triển của MXH, chúng ta đã ban hành Luật An ninh mạng và các luật, bộ luật liên quan. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, nhất là MXH..., luôn có thể xuất hiện những vấn đề mới, khiến cho một số quy định pháp luật trở nên bất cập hoặc không còn phù hợp.

Do đó cần thường xuyên theo dõi, kịp thời điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ chế, chính sách. Việc làm này sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý hiệu quả các hành vi văn hóa trong sinh hoạt xã hội và cộng đồng, đồng thời theo kịp sự phát triển của MXH với các vấn đề mới nảy sinh.

“Sự tiến bộ, hoàn chỉnh của hệ thống pháp luật cần phải tạo ra khung pháp lý để quản lý đồng bộ đối với trang điện tử, MXH; đồng thời có điều luật xử lý người lợi dụng internet để hoạt động chống chính quyền, lừa đảo kinh tế, tấn công các tổ chức, cá nhân...”- bà Hà đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay trong một số trường hợp, việc áp dụng chế tài xử phạt hành vi vi phạm trên MXH vẫn căn cứ vào nhiều quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau.

Trong khi đó, các chế tài xử phạt đối với các hành vi bị cấm đăng tải trên MXH vẫn còn không ít mâu thuẫn… Do vậy, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế sẽ giúp công tác quản lý các hoạt động trên không gian mạng đạt hiệu quả cao hơn.

Bà Đào Khánh Hà trao đổi với Phóng viên Báo PLVN.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến, Hiến pháp và các đạo luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng... đã có đầy đủ cơ sở để các cơ quan chức năng quản lý hoạt động của người dân trên MXH. Tuy nhiên, pháp luật cần phải hoàn thiện thêm về phương thức cũng như quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của một số đối tượng trong một số lĩnh vực cụ thể.

“Đối với các cán bộ lãnh đạo thì họ phải làm thế nào để đảm bảo việc ứng xử, hoạt động trên MXH được tốt hơn? xử phạt như thế nào có hiệu quả?... Vì thế các cơ quan tham mưu cần hoàn thiện thêm một số vấn đề thuộc về hành vi và đối tượng... cho một số lĩnh vực, thế là ổn”- ông Nhưỡng kiến nghị.

Nhận thức đúng trách nhiệm

Cùng với hoàn thiện thể chế, việc nâng cao khả năng đấu tranh của lực lượng nòng cốt chuyên sâu cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Bà Đào Khánh Hà nhận định, đây là lực lượng quan trọng đặc biệt, là yếu tố quyết định hiệu quả công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên internet.

Ngoài ra, cần tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc sử dụng MXH cũng như đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng. Mỗi bình luận, đánh giá của cán bộ, đảng viên trên MXH nên và phải mang một nội dung, thông điệp tích cực, có tác động tốt đến người đọc.

Khi tham gia MXH, các cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nắm bắt tư tưởng, dư luận tại địa phương, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh sống và công tác. Qua đó, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình, không để đồng chí, đồng nghiệp của mình bị lôi kéo, dụ dỗ mà cố ý hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, loan truyền những thông tin phản động, độc hại trên MXH.

“Thực tiễn chứng minh, ở nơi nào mà cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và tham gia tuyên truyền qua MXH thì ở đó việc lan truyền thông tin được người dân hưởng ứng tích cực; hiệu quả tuyên truyền qua MXH sẽ cao hơn.”- bà Hà nhận xét.

Thời gian gần đây, dựa vào lợi thế trên không gian mạng, các thế lực thù địch đã chọn MXH như một “mặt trận” để tăng cường chống phá chế độ ta, đặc biệt trong thời điểm chuẩn bị diễn ra đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc.

Vì thế, nâng cao nhận thức và khả năng tự “đề kháng” của nhân dân trước những thông tin xấu độc trên không gian mạng, không chỉ giúp cho người dân đánh giá đúng về vị trí, vai trò của MXH đối với đời sống, mà còn góp phần giảm nguy cơ xảy ra các hành vi phạm pháp từ MXH.

“Trên cơ sở nắm vững và tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần biến trang MXH của mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên những thông tin chính thống về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chủ động tham gia phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.”- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng nêu kinh nghiệm.

“Hướng tới Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XVI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh các kênh truyền thống thì các kênh tuyên truyền mới thông qua các ứng dụng trên Internet, MXH đã được các địa phương, đơn vị trên địa bàn quan tâm triển khai, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, nhất là trong giới trẻ.

Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là một trong những kênh thông tin, tuyên truyền khi tham gia MXH, góp phần phổ biến, quán triệt và đưa nghị quyết vào cuộc sống.” (Bà Đào Khánh Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng)

Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/tuyen-truyen-xu-ly-thong-tin-tren-mang-xa-hoi-cua-co-quan-dang-nha-nuoc-ky-4-hoan-thien-the-che-nang-cao-ban-linh-doi-ngu-can-bo-543829.html