Tuyển Việt Nam nguy cơ sớm dừng bước tại vòng loại 2 World Cup 2026

Lá thăm đã đưa đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng đấu khó lường ở vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á.

Quang Hải (áo đỏ) trong trận giao hữu Việt Nam thắng Syria 1-0. Ảnh: INT.

Nguy cơ bị loại sớm với thầy trò huấn luyện viên Philippe Troussier được nhận diện khá rõ ràng.

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo kết quả bốc thăm, đội tuyển Việt Nam sẽ đối đầu với các đội tuyển Iraq, Philippines và đội thắng trong cặp đấu ở vòng loại thứ nhất giữa Indonesia và Brunei (gần như Indonesia sẽ giành quyền đi tiếp).

Thoạt nhìn, đây là bảng đấu vừa sức với thầy trò huấn luyện viên Philippe Troussier. Ngoài Iraq được đánh giá cao nhất bảng, thì rõ ràng Philippines và có thể là Indonesia chỉ là đối thủ dưới tầm đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không được phép chủ quan, bởi những chuyển biến gần đây đã thu hẹp khoảng cách về chuyên môn giữa 3 đại diện của Đông Nam Á.

Đội tuyển Iraq được đánh giá cao nhất bảng, hiện đứng thứ 7 châu Á và 70 thế giới. Iraq là đại diện quen thuộc ở các sân chơi lớn. Sức mạnh thể chất, tốc độ, kỹ thuật cùng sự ngẫu hứng đặc trưng của các đội bóng vùng Vịnh là điểm mạnh của Iraq.

Đội tuyển Việt Nam từng cùng bảng với Iraq ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. Việt Nam hòa 1-1 ở trận lượt đi và thua 0-1 khi hai đội tái đấu trên sân trung lập ở lượt về. Đến Vòng chung kết Asian Cup 2019, trong trận ra quân, đội tuyển Việt Nam thua 2-3 trước Iraq dù đã có lợi thế dẫn bàn.

Đội tuyển Việt Nam và Iraq cùng lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á với 12 đội bóng được chia làm 2 bảng. Kết thúc vòng đấu này, đội tuyển Việt Nam giành được 4 điểm, đứng cuối bảng B, trong khi Iraq đứng thứ 4 bảng A với 9 điểm, kém rất xa 2 đội dẫn đầu là Iran (25 điểm), và Hàn Quốc (23 điểm).

Mới đây, Iraq vô địch Cúp vùng Vịnh - Arabian Gulf Cup sau khi đánh bại Oman trong trận chung kết. Trước trận chung kết, đội tuyển Iraq còn đánh bại nhiều đối thủ rất mạnh như Qatar, chủ nhà World Cup 2022, Ả-rập Xê-út, đội bóng gây sốc khi đánh bại Argentina 2-1 ở lượt trận mở màn bảng C World Cup 2022.

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh trên sân nhà của Iraq khiến nhiều đội bóng lo ngại. Trước năm 2023, đội tuyển Iraq không được đá trên sân nhà do tình hình an ninh bất ổn. Tuy nhiên, khi được tổ chức các trận đấu quốc tế trở lại thì sự cố nghiêm trọng xảy ra. Cuối trận chung kết Cúp vùng Vịnh 2023, bên ngoài sân hàng nghìn người đập phá, đòi... mở cổng để vào sân.

Thảm kịch đã xảy ra khi những đám đông mất kiểm soát, chen lấn, giẫm đạp nhau khiến hàng chục người bị thương và một người qua đời vì bị đám đông giẫm đạp. Nếu công tác an ninh không được thắt chặt, bất cứ đội khách nào đến Iraq cũng khó có thể thi đấu đúng năng lực.

Đối thủ thứ hai là Philippines, hiện đứng thứ 135 trên bảng xếp hạng Liên đoàn Bóng đá Thế giới, kém Việt Nam 40 bậc. Philippines vẫn trung thành với chính sách sử dụng cầu thủ ngoại có gốc Philippines. Điều đó giúp đội bóng này từng là hiện tượng của bóng đá Đông Nam Á, với 4 lần lọt vào bán kết giải vô địch khu vực từ năm 2010, 2012, 2014 và 2018.

Tuy nhiên, “thế hệ vàng” giúp bóng đá Philippines “thay da đổi thịt” đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Trong lần gặp nhau gần nhất tại bán kết AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam toàn thắng Philippines cả 2 trận đều với cùng tỷ số 2-1.

Ngoài ra, hai kỳ AFF Cup gần đây, đội tuyển Philippines đều không vượt qua vòng bảng, thậm chí họ phải hứng chịu thất bại nặng nề khi đụng độ những đội mạnh khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Mặc dù vậy, sự đi xuống về thành tích của Philippines ở giải đấu khu vực có nguyên nhân từ việc đội bóng này không hội tụ đủ những cầu thủ tốt nhất.

AFF Cup đến bây giờ vẫn không thuộc hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Thế giới. Vậy nên, nhiều cầu thủ chất lượng và nổi tiếng của Philippines vắng mặt do câu lạc bộ chủ quản không nhả quân.

Việt Nam (áo đỏ) thắng Indonesia 2-0 trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2022. Ảnh: INT.

Đơn cử như AFF Cup 2022, Philippines thiếu Neil Etheridge, thủ môn khoác áo Birmingham City đang chơi tại giải hạng Nhất của Anh, từng được định giá chuyển nhượng 10 triệu USD. Ngoài ra, hậu vệ Daisuke Sato – Persib Bandung (Indonesia), John Patrick Straub – Hansa Rostock (Đức), tiền vệ Gerrit Holtmann – VfL Bochum (Đức), Kevin Ingreso – Sri Pahang (Malaysia), anh em Mike Ott và Manny Ott hay tiền đạo Oscar Arribas – Cartagena (Tây Ban Nha)... cũng vắng mặt.

Philippines đang gấp rút tăng cường những gương mặt mới cho đội tuyển quốc gia. Trong đó, Jefferson Tabinas, sinh năm 1998, mang nửa dòng máu Nhật Bản, thi đấu cho Mito Hollyhock (J-League 2 - Nhật Bản) và em trai Paul Tabinas, sinh năm 2002, cũng chơi bóng ở J-League 2 cho Iwate Grulla Morioka; tiền vệ Oliver Bias, sinh năm 2001, mang nửa dòng màu Đức, từng thi đấu cho đội U15, U16, U17 nước này; thủ môn Kevin Ray Mendoza, cao 1,88m, cầu thủ mang dòng máu Đan Mạch này từng sang Liverpool tập luyện và thử việc…

Điều quan trọng, với vòng loại World Cup 2026, đội tuyển Philippines có quyền triệu tập những cầu thủ tốt nhất, chứ không thiếu hụt nhân sự như 2 giải AFF Cup gần đây.

Đội còn lại sẽ gặp thầy trò ông Troussier gần như là Indonesia, bởi Brunei quá yếu. Theo thống kê, đội tuyển Việt Nam toàn thắng và hòa trước Indonesia trong 7 năm gần đây. Ở lần đối đầu tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã thắng Indonesia cả 2 trận, lần lượt với tỷ số 3-1 và 4-0. Nhưng đội bóng của huấn luyện viên danh tiếng Shin Tae-yong đã tiến bộ nhiều nên không phải đối thủ dễ bị đánh bại. Như ở vòng bán kết AFF Cup 2022, đội tuyển Việt Nam hòa 0-0 trên sân Indonesia và sau đó, thầy trò ông Park phải rất khó khăn mới giành chiến thắng 2-0 trong trận lượt về tại Mỹ Đình.

Sự vươn lên của bóng đá Indonesia còn được thể hiện khi lứa U22 của họ giành Huy chương Vàng SEA Games 32. Lực lượng nòng cốt của đội hình vô địch SEA Games này chính là lứa cầu thủ được chuẩn bị khoa học, đầu tư mạnh mẽ cho Vòng chung kết U20 World Cup 2023. Nhưng vào phút chót, Liên đoàn Bóng đá Thế giới đã tước quyền đăng cai của Indonesia sau khi Thống đốc bang Bali, Wayan Koster, từ chối để đội U20 Israel đến Indonesia vì lí do chính trị. Dẫu sao, với sự chuẩn bị bài bản, lứa cầu thủ U22 Indonesia hiện nay chơi bóng tự tin, đều, thể lực và kĩ thuật cá nhân rất tốt, có khả năng vượt tầm so với các đối thủ cùng trang lứa của khu vực.

Đội tuyển Iraq ăn mừng chức vô địch Arabian Gulf Cup 2023. Ảnh: INT.

Những lỗ hổng cần khắc phục

Huấn luyện viên Troussier và đội tuyển Việt Nam đã khởi đầu thuận lợi với hai chiến thắng có cùng tỷ số 1-0 ở hai trận giao hữu quốc tế trước các đối thủ Hồng Kông (Trung Quốc) và Syria.

Về mặt kết quả, những chiến binh sao vàng đã có bước chạy đà thuận lợi với ông thầy mới, nghiễm nhiên cùng với đó là triết lý mới cùng nhiều cầu thủ mới. Tuy nhiên, cách đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng mới là điều đáng lưu tâm, và rõ ràng sau 2 trận giao hữu hồi tháng 6 vừa qua, lối chơi của thầy trò huấn luyện viên Troussier vẫn để lại nhiều âu lo.

Hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam với sự hội tụ gần như những gương mặt tốt nhất chưa tạo được cảm giác yên tâm cần thiết, đặc biệt sai số về mặt cá nhân rất nhiều. Điều đó có thể do đội tuyển vận hành lối chơi mới thay vì quan điểm phòng ngự chặt như thời ông Park. Huấn luyện viên Troussier yêu cầu toàn đội dâng cao hơn để cùng tham gia vào khâu kiểm soát bóng, khoảng trống sau lưng hàng phòng ngự sẽ lộ ra nhiều hơn. Các tuyển thủ, kể cả những gương mặt dày dạn kinh nghiệm như Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải chưa thể bắt nhịp với lối chơi mới. Cả thầy và trò cần thời gian để hiểu nhau hơn.

Với những trận giao hữu, sai lầm và sự “lệch nhịp” của hàng phòng ngự chưa để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhưng bao giờ hàng thủ đáp ứng được mong muốn của ông Troussier là câu chuyện không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

Trong tay huấn luyện viên Troussier chỉ còn trận giao hữu gặp Hàn Quốc vào tháng 10. Sau đó, đội tuyển sẽ bước vào những trận đấu không được phép mắc sai lầm của vòng loại World Cup 2026. Liệu ông thầy người Pháp có kịp thời tìm ra giải pháp gia cố lại tuyến dưới, để đội tuyển Việt Nam tránh phải nhận “quả đắng”?

Không phủ nhận rằng, đội tuyển có sự chuyển biến tích cực sau 2 trận giao hữu. Tuy vậy, vẫn quá sớm để cho rằng, lối chơi và con người của đội tuyển dưới triều đại ông Troussier đã được định hình. Tính hiệu quả từ lối chơi kiểm soát bóng của những chiến binh sao vàng vẫn là cái gì đó xa vời, mơ hồ.

Chúng ta cầm bóng nhỉnh hơn so với Hồng Kông và cả Syria, song thực tế các miếng đánh chưa đa dạng, thiếu biến hóa. Vấn đề không chỉ là triết lý chơi bóng, có lẽ mấu chốt nằm ở vấn đề con người. Cầu thủ Việt Nam liệu có đủ năng lực để chơi thứ bóng đá đòi hỏi kỹ thuật, sự khôn khoan và pha lẫn chất thiên tài?

Sau thất bại của đội tuyển Tây Ban Nha tại World Cup 2022, cựu huấn luyện viên nổi tiếng Fabio Capello nhận định, lối chơi kiểm soát bóng kiểu tiki-taka không còn phù hợp với bóng đá hiện đại. Tiki-taka là lối chơi dựa vào khả năng kiểm soát bóng bằng lối ban bật nhỏ và kỹ thuật, từng giúp Barca dưới trướng huấn luyện viên Pep Guardiola thống trị châu Âu và mang lại rất nhiều danh hiệu lớn giai đoạn 2009 - 2019, với đỉnh cao là cú ăn sáu năm 2009. Đội tuyển Tây Ban Nha, với nòng cốt là các cầu thủ Barca cũng thành công với tiki-taka, làm nên giai đoạn hoàng kim khi vô địch hai kỳ Euro 2008, 2012 và World Cup 2010.

Tiki-taka có thể không “chết”, song lối chơi này rất kén người. Khi Barca và Tây Ban Nha không còn những siêu tiền vệ như Xavi, Andres Iniesta, Sergio Busquets; hàng phòng ngự không còn chắc chắn và hàng công không có những tiền đạo ngôi sao thì tất yếu nó thất thế trước lối đá nhanh, tốc độ và cơ bắp.

Tất nhiên, khó có thể so sánh bóng đá Việt Nam và Tây Ban Nha về đẳng cấp, song ở đây có sự tương đồng về lối chơi. Mong muốn của ông Troussier không sai, nhưng liệu thứ ông áp dụng có phù hợp với con người bóng đá Việt Nam? Và một bài toán nữa đặt ra, rất nhiều cầu thủ kỹ thuật hàng đầu Việt Nam lúc này đang sa sút phong độ, như Quang Hải. Những cầu thủ trẻ lên tuyển mới ở dạng tiềm năng, chưa đủ độ chín như lứa U22 của Thái Lan, hay Indonesia.

Nhìn nhận về kết quả bốc thăm Vòng loại thứ hai World Cup 2026, ông Troussier cho biết: “Phải nói rằng kết quả bốc thăm này khá thú vị. Bởi ở Asian Cup, chúng tôi cũng sẽ gặp Iraq và Indonesia. Tôi không biết đó có phải lợi thế hay không nhưng chúng tôi sẽ phải tìm hiểu kỹ về nhau. Trong bóng đá không có trận đấu nào là dễ dàng cả. Tất cả các đội tuyển trong bảng đấu đều có tham vọng vượt qua vòng loại. Đó là lý do tại sao đây là bảng đấu khó khăn. Với đội tuyển Việt Nam, chúng tôi có cơ hội thể hiện diện mạo mới. Chúng tôi có tham vọng vượt qua vòng loại và sẽ có 3 tháng để hiện thực hóa điều đó”.

Châu Á sẽ có 8,5 suất tham dự Vòng chung kết World Cup 2026 tổ chức tại Mỹ, Canada và Mexico. Vòng loại thứ 2 của World Cup 2026 khu vực châu Á sẽ diễn ra từ ngày 16/11/2023 - 11/6/2024. 36 đội được chia thành 9 bảng, thi đấu vòng tròn 2 lượt sân nhà - sân khách để chọn ra 2 đội đứng đầu mỗi bảng (tổng cộng 18 đội) lọt vào vòng loại thứ 3. Vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á diễn ra từ ngày 5/9/2024 - 10/6/2025. Các đội được chia thành 3 bảng, mỗi bảng 6 đội, thi đấu theo thể thức vòng tròn 2 lượt sân nhà - sân khách. Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành tổng cộng 6 vé vào thẳng Vòng chung kết World Cup 2026.

Vòng play-off châu Á (Vòng loại thứ tư) bao gồm các đội xếp thứ ba và thứ tư của mỗi bảng từ Vòng loại thứ 3. Tổng cộng 6 đội được chia thành hai bảng, mỗi bảng ba đội, sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm tại địa điểm tập trung vào khoảng tháng 10 - 11/2025. Hai đội đứng đầu từ các bảng tại vòng loại này sẽ giành quyền tham dự Vòng chung kết World Cup 2026, trong khi các đội đứng thứ nhì từ cả hai bảng sẽ thi đấu loại trực tiếp theo thể thức sân nhà và sân khách để xác định đội sẽ thi đấu trận play-off liên châu lục.

Thành Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tuyen-viet-nam-nguy-co-som-dung-buoc-tai-vong-loai-2-world-cup-2026-post649729.html