Tuyển Việt Nam phát huy điểm mạnh như thế nào ở sân Hàng Đẫy?

Campuchia nhập cuộc với lối chơi có thể nói là bất ngờ, cố gắng chủ động cầm bóng và triển khai ngay từ tuyến gần nhất với khung thành, nhưng vẫn thua 0-3 trước tuyển Việt Nam.

Đội tuyển Campuchia thể hiện sự tin tưởng lớn vào cách triển khai này, bởi dù không dưới 4 lần mất bóng ngay trên sân nhà trước sức ép của Việt Nam, họ vẫn tiếp tục luân chuyển bóng từ các cầu thủ dưới cùng. Công bằng thì các cầu thủ Campuchia thực hiện việc này không tồi, họ đã có rất nhiều tình huống phối hợp xử lý bình tĩnh trong không gian hẹp.

Đội tuyển Campuchia tổ chức từ dưới cùng.

Đội tuyển Campuchia tổ chức từ dưới cùng.

Đây là cách chơi được phổ biến hóa kể từ sau giai đoạn hoàng kim của CLB Barcelona nói riêng và bóng đá Tây Ban Nha nói chung giai đoạn 2008-2012. Tới nay, hình ảnh triển khai từ tuyến dưới cùng thay vì nhanh chóng đưa bóng lên các phần sân phía trước đã và đang gắn liền với hình ảnh ấn tượng của nhiều đội tuyển như Đức, Mexico, Hà Lan hay mới nhất là Anh.

Thế nhưng, việc triển khai bóng từ tuyến dưới cùng không đơn thuần chỉ để tạo ra một hình ảnh “đẹp”, “tự tin”, “kỹ thuật”, “phối hợp nhỏ, nhanh”. Nó phục vụ cho một trong những mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá: kéo giãn đối thủ, tìm kiếm cơ hội tấn công “chiều sâu”.

Kéo giãn đối thủ là một trong những nguyên tắc hàng đầu của bóng đá đối với đội kiểm soát bóng. Bóng đá nói riêng và các môn thể thao đồng đội với bóng nói chung đều nhằm mục tiêu tìm kiếm và khai thác các khoảng trống, qua đó tiến tới cầu môn đối thủ và ghi bàn. Việc kéo giãn bao gồm “chiều rộng” và “chiều sâu”, theo hai chiều ngang và dọc của sân thi đấu.

Luật việt vị đồng nghĩa rằng hiếm khi các trung vệ của một đội bóng dâng lên sâu vào phần sân đối thủ, mà chỉ dừng ở khoảng vạch giữa sân. Vì vậy, khi triển khai bóng từ tuyến dưới cùng, nếu các cầu thủ tuyến trên đối thủ dâng lên áp sát, cự ly giữa các tuyến của đối thủ thường sẽ bị kéo giãn.

Ở bài viết phân tích trận đấu Việt Nam 2-0 Malaysia, chúng ta biết rằng cự ly tốt đồng nghĩa rằng các cầu thủ sẽ dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ lẫn nhau (cả tấn công lẫn phòng ngự) và ngược lại, cự ly không tốt sẽ khiến đội bóng gặp khó khăn.

Việc kéo giãn đối thủ bằng cách triển khai bóng từ tuyến dưới cùng, vì vậy, sẽ là rất hiệu quả nếu có thể khai thác những khoảng trống lộ ra khi đối thủ dâng lên áp sát, hoặc tận dụng ưu thế về chất lượng cá nhân để tạo ra nguy hiểm.

Sẽ rất khó để có thể tấn công hệ thống phòng ngự có cự ly tốt như thế này.

Cự ly đối thủ sẽ bị kéo giãn, khoảng trống xuất hiện phía sau các hậu vệ đã dâng lên.

Campuchia thiếu thực tế trước tuyển Việt Nam

Campuchia làm tốt trong việc mở ra theo chiều rộng, nhưng họ lại thiếu những đòn tấn công chiều sâu. Có hai lý do cho vấn đề này. Trước hết, là trình độ cá nhân. Tiền đạo Sin Kakada cũng như tiền vệ trái Brak Thiva hầu như không thể nhận và giữ bóng, hoàn toàn thất thế trong hầu hết mọi pha tranh chấp với các hậu vệ Việt Nam.

Tiền vệ phải Reung Bunheing thì lựa chọn một cách chơi tương đối khác, khi anh thường xuyên hoán đổi vị trí với hậu vệ phải Chhin Chhoeun để có thể nhận bóng một cách thoải mái hơn từ tuyến dưới, sau đó phát động tấn công.

Chhoeun dâng cao, Bunheing lùi lại hoán đổi vị trí.

Chhoeun “kéo” Hồng Duy xuống thấp, Bunheing nhận bóng không có nhiều áp lực do Quế Ngọc Hải không thể theo lên quá cao.

Nhưng kể cả với bài này, các cầu thủ tuyến trên của Campuchia cũng không thể tạo ra pha xuyên phá nào thành công. Lý do thứ nhất, nằm ở việc họ thất thế cả về kỹ thuật lẫn thể chất so với tuyến dưới của Việt Nam. Ví dụ như trong pha bóng ở hình ảnh nói trên, Bunheing phát bóng dài cho Chhoeun bứt tốc, nhưng rốt cục cầu thủ số 17 này không thể hoàn toàn thoát khỏi Hồng Duy, và sau đó pha tạt bóng của anh là rất dở.

Lý do thứ hai, nằm ở sự thiếu đồng bộ: trong các tình huống Bunheing nhận bóng ở vị trí này, trung phong Sin Kakada thường lùi lại thay vì băng tốc độ vào khoảng trống sau lưng hàng thủ Việt Nam.

Kakada thường lùi lại như muốn phối hợp nhỏ.

Bản thân việc Kakada lùi lại không hẳn là một lỗi. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc Bunheing thường cố gắng phất bóng dài về phía sau lưng các hậu vệ áo đỏ. Ngoài Kakada, bộ ba tiền vệ trung tâm của Campuchia cũng hỗ trợ theo vị trí bóng rất tốt với cự ly và góc độ phù hợp, nhưng hiếm khi có những pha đan bóng để vượt qua đối thủ.

Một lần nữa, điều này thể hiện vấn đề ở đẳng cấp: Campuchia dường như đã được huấn luyện rất kỹ lưỡng, tuy nhiên điều đó chỉ thể hiện trong việc di chuyển đội hình và góc độ tiếp cận của họ. Còn ở các thời điểm đòi hỏi khả năng xử lý tình huống và đưa ra lựa chọn, hay nói cách khác là khả năng cá nhân, họ gặp vấn đề. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai đội trong trận đấu này.

“Món ngon” chuyển đổi của tuyển Việt Nam

Một đặc điểm quan trọng khác trong cuộc chơi chiến thuật của trận đấu nằm ở giai đoạn chuyển đổi, từ thời điểm Campuchia có bóng sang không có bóng.

Việc đội hình của “Các chiến binh Angkor” thường mở rộng cũng trở thành một điểm yếu chí mạng của họ trong giai đoạn chuyển đổi, bởi cự ly giữa hậu vệ biên và trung vệ thường là quá lớn.

Ở chiều ngược lại, sơ đồ 3-4-3 giúp cho đội tuyển Việt Nam thường xuyên có nhân sự để đánh vào “nách” của hàng thủ áo trắng, điều này đặc biệt lợi hại trong giai đoạn chuyển tiếp khi Quang Hải xử lý các tình huống phản công.

Phút thứ 39, Chanpolin nhận bóng từ cánh phải Campuchia và quyết định chuyển hướng cho hậu vệ trái Meng.

Đường chuyền thiếu chính xác bị Trọng Hoàng cắt, hãy để ý Quang Hải lập tức đổi hướng chạy về phía trước ngay từ trước khi Trọng Hoàng chạm bóng.

Campuchia lập tức gặp nguy hiểm do cự ly giữa các hậu vệ biên và trung vệ quá lớn.

Tình huống này được kết thúc khi Quang Hải và Trọng Hoàng tạo ra pha 2 đánh 1 để loại bỏ Cheng Meng, trước khi Hoàng “bò” tạt chính xác cho Tiến Linh lập công mở tỷ số.

Đó không phải là lần duy nhất Việt Nam có cơ hội từ những pha phản công.

Tình huống Đình Trọng cướp được bóng từ hậu vệ phải Chhoeun ở giữa sân ngay phút thứ 3, cả ba cầu thủ tấn công của Việt Nam đều ở vị trí rất thuận lợi.

Pha bóng phút thứ 7, khi Đức Huy cắt đường chuyền của Hong Pheng. Lập tức Việt Nam có cơ hội "4 đánh 3".

Những pha phản công thuận lợi này xuất hiện một cách rất thường xuyên trong suốt trận đấu và công bằng thì, có lẽ Việt Nam đã có thể khai thông thế quân bình sớm hơn nữa.

Kết luận

Sang hiệp hai, khi các cầu thủ Campuchia đã xuống sức rõ ràng, nhìn chung Việt Nam đã chuyển sang thế chủ động. Ở gần cuối trận, HLV Park Hang Seo - thông qua một mảnh giấy đưa Hồng Duy - đã chuyển sơ đồ thi đấu sang 4-2-3-1, gần tương tự với trận đấu gặp Lào. Một phần lý do của quyết định này dường như nằm ở việc ông không muốn phung phí khả năng của Quang Hải trong vai trò tiền vệ công, nhưng cũng không hài lòng với màn trình diễn của Đức Huy ở trục giữa sân.

Trận đấu này một lần nữa cho thấy rằng, điểm mạnh của Việt Nam dường như sẽ nằm ở khả năng tổ chức phòng ngự chắc chắn từ khu vực 1/3 giữa sân, trước khi phát động phản công, thay vì cầm trịch trận đấu. Campuchia tuy là một đối thủ dưới tầm, và sự tự tin của họ trong lựa chọn cách tiếp cận là đáng nể, nhưng điều đó dường như cũng khiến đội bóng láng giềng rơi vào thế mạnh của Việt Nam.

Dũng Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tuyen-viet-nam-phat-huy-diem-manh-nhu-the-nao-o-san-hang-day-post894999.html