Tuyển Việt Nam sẽ 'giải mã' Malaysia trên sân khách thế nào?

Tìm thấy những kẽ hở trong cách vận hành lối chơi của Malaysia, tuyển Việt Nam hoàn toàn có quyền nghĩ về kết quả khả quan dù phải làm khách trên sân Bukit Jalil tối nay.

Ở thời điểm tiền đạo Norshahrul Talaha tuyên bố "Malaysia hẹn gặp lại Việt Nam ở chung kết", không nhiều người tin kịch bản này trở thành sự thật. Malaysia khi ấy xếp dưới Myanmar và có khả năng phải gặp Thái Lan ở bán kết. Nhưng rồi, "những chú hổ Malaya" đã cụ thể hóa lời nói bằng hành động.

Malaysia "lột xác" sau thất bại ở Mỹ Đình. Đội bóng của HLV Tan Cheng Hoe càng đá càng hay, không thua thêm trận nào để hiên ngang giành vé lọt vào chung kết. Malaysia hứa hẹn mang tới nhiều hiểm họa cho tuyển Việt Nam. Muốn giải mã đối thủ này, Quang Hải cùng các đồng đội cần nắm rõ những "điểm nóng" trong cách vận hành lối chơi của đội chủ sân Bukit Jalil.

Video: Malaysia kiên cường cầm chân Thái Lan tại Rajamangala

Phong tỏa Talaha

... là một trong những yếu tố tiên quyết để tuyển Việt Nam vô hiệu hóa hệ thống tấn công của Malaysia. Chân sút mang áo số 9 bị căng cơ trong trận lượt đi, nhưng HLV Tan Cheng Hoe vẫn sẽ mạo hiểm để anh đá chính, bởi cầu thủ này là nhân vật không thể thay thế.

Chơi ở vị trí tiền đạo lùi, nhiệm vụ chủ yếu của Talaha không phải ghi bàn, dù trên thực tế là tiền đạo này đang rất "mắn" bàn thắng ở AFF Cup năm nay với 5 lần lập công. Pha xoay người dứt điểm trái phá vào lưới Thái Lan cho thấy sự nhạy bén cùng khả năng xử lý trong phạm vi hẹp cực tốt của Talaha - điều mà hàng thủ Việt Nam cần lưu ý.

Talaha (số 9) là mũi tấn công nguy hiểm của Malaysia.

Talaha (số 9) là mũi tấn công nguy hiểm của Malaysia.

Talaha quan trọng, bởi cầu thủ này là điểm nối trong lối chơi tấn công biến hóa mà HLV Tan Cheng Hoe xây dựng cho Malaysia. Khác với Adha Zaquan - chân sút được ưu ái có mặt thường trực trong vòng cấm đối phương, Talaha có xu hướng đá lùi để tạo ra tam giác phối hợp với bộ đôi Akram Mahinan và Syamer Abba ở khu trung tuyến khi Malaysia cần ổn định thế trận.

Khi "những chú hổ Malaya" đánh biên, Talaha cũng bật tường khá tốt với Mohamadou Sumareh, Safawi Rasid hay Syahmi Safari để tạo thành những tam giác tấn công. Luôn có Talaha là "đỉnh tam giác" phía trong, nên lối chơi tấn công của Malaysia không đơn điệu. Khi cần, chân sút này có thể bất ngờ đột nhập vòng cấm, khiến hậu vệ đối phương không kịp trở tay. Sở hữu thể hình khiêm tốn, song cảm quan vị trí của Talaha là rất tuyệt vời.

2 bàn thắng vào lưới Lào cho thấy khả năng phán đoán điểm rơi rất tốt của chân sút này. Nếu Malaysia tăng cường khoét biên để thực hiện những pha "rót dầu" vào trong vòng cấm, các hậu vệ Việt Nam phải băng ra bắt bài, không được cho đối thủ có cơ hội chạm bóng.

Malaysia (áo vàng) 2 lần chọc thủng lưới Thái Lan từ những pha tấn công biên.

Khả năng bọc lót của bộ đôi tiền vệ trung tâm cũng rất cần thiết khi Talaha thường xuyên di chuyển vào "điểm mù" giữa tuyến hậu vệ và tiền vệ để kéo Đình Trọng hay Ngọc Hải lên cao, tạo điều kiện cho Sumareh hay Safawi băng xuống hành lang trong. Trong trận lượt đi, bộ đôi Quang Hải và Xuân Trường nhiều thời điểm lép vế trước đối thủ, song về cơ bản, tuyển Việt Nam đã giữ cự ly đội hình hợp lý, khiến Talaha "đói bóng" hoặc nhận bóng trong tư thế bất lợi.

Đứng giữa chảo lửa Bukit Jalil, một lần nữa tuyển Việt Nam phải duy trì sự tập trung để giữ cự ly di chuyển đồng bộ, nếu không muốn "vỡ" trước lối đá giàu tính sát thương của Malaysia.

Đảm bảo cự ly phòng ngự biên

Một mình Safawi Rasid đã có tới... 8 lần dứt điểm về phía khung thành của Thái Lan trong trận lượt đi ở Bukit Jalil. Thông số nói trên cho thấy tiền vệ trẻ của Malaysia sút bóng khá... cùn, song mặt khác, Safawi lại là cầu thủ giỏi đi bóng để tự tạo cơ hội. Cùng với Mohamadou Sumareh, Safawi sẽ là hy vọng hàng đầu của Malaysia trong trận đấu tối nay.

Malaysia luôn chú trọng lên bóng ở hai cánh.

Malaysia kiểm soát bóng rất tốt, với xấp xỉ 55% thời lượng cầm bóng mỗi trận, nhưng "những chú hổ Malaya" không phải đội giỏi chơi tấn công trung lộ. Thay vào đó, HLV Tan Cheng Hoe vẫn trung thành với lối đá biên quen thuộc được xây dựng từ thời hoàng kim từ năm 2009 dưới thời "phù thủy" Datuk Rajagobal. Malaysia chú trọng tấn công ở hai biên và hành lang trong, sử dụng những cầu thủ giàu tốc độ, kỹ thuật để đi bóng, sau đó căng ngang hoặc lật lại cho tuyến hai dứt điểm.

Malaysia luôn tìm được khoảng trống ở những vị trí nơi hàng thủ đối phương dễ tổn thương nhất. Bàn gỡ 1-1 của Syahmi Safari trong trận lượt về giữa Malaysia và Thái Lan là một siêu phẩm sút xa, nhưng phải nhấn mạnh: Malaysia đã khai thác không gian quá tốt trong tình huống này. Syahmi bất ngờ băng xuống vào vị trí xen giữa hậu vệ và trung vệ của Thái Lan, khiến không cầu thủ nào kịp băng ra để áp sát. Chắc chắn, vị trí giữa Duy Mạnh - Trọng Hoàng và Văn Hậu - Ngọc Hải sẽ bị Malaysia tập trung khai thác triệt để trong trận này.

Để ngăn chặn lối đá biên của Malaysia, sử dụng sức mạnh để phòng ngự trên không là chưa đủ. Các hậu vệ cần phán đoán tốt để vừa bắt bài, vừa bọc lót cho nhau khi cần, đồng thời đập tan ý đồ chồng biên của Malaysia từ trong "trứng nước" như ở trận đấu vòng bảng trên sân Mỹ Đình. Tuyến hai cũng cần lùi về để ngăn chặn những pha dứt điểm từ xa của Malaysia. Vô hiệu hóa được Safawi và Sumareh, tuyển Việt Nam xem như hóa giải được 50% sức mạnh của đối thủ.

Các cầu thủ cần duy trì liên lạc và cự ly đội hình ổn định trong cả trận.

Đường chuyền xuyên tuyến - chìa khóa thành công của tuyển Việt Nam

Nền tảng thể lực sung mãn giúp Malaysia có thể pressing cực mạnh trên phần sân đối thủ và khu trung tuyến. Trận lượt về giữa Malaysia và Thái Lan chứng kiến thầy trò HLV Tan Cheng Hoe chơi pressing cực hay, khiến Thái Lan liên tục mất bóng và không thể triển khai tấn công từ giữa sân. Khả năng tranh cướp của Akram Mahinan và Syamer Abba sẽ giúp Malaysia phòng ngự ngay trên phần sân tấn công và triển khai lên bóng nhanh ngay khi có thể.

Malaysia quây rất nhanh và rát, nên nếu không muốn sa vào cuộc chiến khốc liệt ở vòng tròn trung tâm, HLV Park Hang Seo cần tính đến phương án khác.

HLV Park Hang Seo đã nhìn ra điểm yếu của Malaysia.

Ở tứ kết ASIAD 2018, Olympic Việt Nam từng rơi vào tình cảnh gần tương tự với tuyển Việt Nam hiện tại. Đối thủ khi ấy của Olympic Việt Nam là Olympic Syria với thể lực và tốc độ tốt hơn hẳn, đã lựa chọn lối đá pressing mạnh mẽ ở tuyến giữa để "bóp nghẹt" các pha lên bóng. Để rồi, một tình huống tấn công xuyên tuyến của trung vệ Tiến Dũng với đường chuyền dài hợp lý đã đặt Anh Đức vào thế đối mặt. Tiền đạo của Becamex Bình Dương sút bóng vào xà ngang trước khi Văn Toàn đệm lòng để ghi bàn thắng duy nhất.

Bỏ qua tuyến tiền vệ, triển khai bóng thẳng từ hàng thủ tới hàng công là nước đi đúng đắn trong bối cảnh tuyến giữa không triển khai được thế trận. Cả Duy Mạnh và Ngọc Hải đều phát động tấn công tốt, còn Quang Hải, Văn Đức lại có nhạy cảm cần thiết trong các pha di chuyển. Tuyển Việt Nam cần những pha bóng đơn giản, trực diện để "vỗ mặt" hàng thủ Malaysia - những hậu vệ chơi không chắc chắn, nay lại thiếu đi hậu vệ phải Syahmi Safari vì án treo giò.

Lối đá pressing của Malaysia cũng có điểm yếu, đó là khả năng duy trì đội hình của các cầu thủ áo vàng thường không được đảm bảo ở nhiều thời điểm. Vượt qua được "lưới pressing", tuyển Việt Nam có thể tấn công thẳng vào hàng thủ đối phương với quân số áp đảo. 10 phút cuối trận lượt về trên sân Rajamangala, Thái Lan có tới 3 lần đưa bóng vào vòng cấm Malaysia với số lượng cầu thủ tấn công ngang ngửa hậu vệ đối thủ.

Vắng Syahmi, hàng thủ Malaysia sẽ gặp nhiều khó khăn.

HLV Tan Cheng Hoe luôn "xua quân lên đánh" và muốn Malaysia phải đảm bảo quân số ở giữa sân trước. Khi ấy, một đường chuyền xẻ dọc bất ngờ từ tuyến hậu vệ rất có thể tạo nên bước ngoặt cho trận đấu. Nếu phải tìm thêm ví dụ, HLV Park Hang Seo có thể tham khảo trận đấu giữa Chelsea và Manchester City. Chelsea đã bị Man City pressing "nghẹt thở", nhưng một pha phát động từ hàng thủ đã thay đổi tất cả.

Điều quan trọng nhất trong cách tổ chức lối chơi vẫn là sự tỉnh táo, kiên nhẫn của các cầu thủ. Khó khăn chồng chất, nhưng mong toàn đội "chân cứng đá mềm" để vững lòng vượt qua.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tuyen-viet-nam-se-giai-ma-malaysia-tren-san-khach-the-nao-d444986.html