Tuyệt đối không để dịch chồng dịch

Mùa hè là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết (SXH), tay, chân, miệng (TCM), viêm não Nhật Bản, sởi… Dịch Covid-19 mới tạm lắng nhưng nếu chủ quan, lơ là thì nguy cơ dịch chồng dịch có thể sẽ xảy ra. Chính vì vậy, người dân cần quan tâm hơn đến sức khỏe của mình bằng việc tuân thủ những khuyến cáo của ngành Y tế để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Vệ sinh, khử khuẩn môi trường tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Theo báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Quảng Ninh, từ đầu năm 2020 đến nay, số người mắc các bệnh như TCM, thủy đậu, sởi, ho gà... có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Toàn tỉnh có 1 ca mắc sởi, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 (133 ca). Không ghi nhận trường hợp nào mắc TCM, cùng kỳ năm 2019 là 31 ca mắc. Ghi nhận 1.539 trường hợp mắc cúm mùa, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm 2019 (2.144 ca). Những bệnh truyền nhiễm khác không xuất hiện thành các ổ dịch lớn tại cộng đồng.

Năm nay, lần đầu tiên xuất hiện dịch Covid-19. Bệnh lây lan nhanh và nguy cơ tử vong cao. Từ khi xuất hiện dịch đến ngày 11/5, Quảng Ninh đã xét nghiệm, sàng lọc 7.306 ca, trong đó có 7.299 ca âm tính, 7 ca dương tính (gồm bệnh nhân số 50 và 149, 5 bệnh nhân trước đó chuyển điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, đã được công bố khỏi bệnh).

Toàn tỉnh hiện còn 23 người đang được cách ly tại các cơ sở y tế; 828 người được cách ly tại các khu cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế; đã có 5.718 trường hợp hết cách ly.

Một trường hợp tiêm phòng bệnh dại sau phơi nhiễm tại phòng tiêm chủng Safpo (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).

Để kiểm soát dịch Covid-19, ngành y tế Quảng Ninh tiếp tục khoanh vùng và quản lý tốt, không để dịch lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ lây lan trong cộng đồng nên không thể chủ quan.

Theo thông tin của CDC Quảng Ninh, ngoài dịch Covid-19, một số bệnh truyền nhiễm mùa hè thường gặp cũng bắt đầu xuất hiện trở lại. Quảng Ninh đã ghi nhận 10 ca mắc SXH, rải rác tại Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên; không ghi nhận ổ dịch. Bệnh viêm não virus ghi nhận 2 ca; 7 ca mắc cúm A/H1N1; 14 ca mắc ho gà; 185 ca mắc thủy đậu...

Tỉnh cũng đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Hải Hà, tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019. CDC Quảng Ninh chỉ đạo Trung tâm y tế huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông cho cộng đồng về việc chủ động, tự giác tiêm phòng đầy đủ khi bị động vật cắn. Các trường hợp liên quan đến chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tử vong do dại tại Hải Hà đều được tư vấn đi tiêm phòng dại theo quy định.

Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Quảng Ninh đã có 975 trường hợp tiêm phòng bệnh dại sau phơi nhiễm, tăng 40,48 % so với cùng kì năm 2019 (694 trường hợp).

Virus dại Lyssa và Vesiculo thuộc họ Rhabdoviridae lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Virus xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn tùy thuộc vào vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Bệnh khởi phát với các triệu chứng ban đầu như: Sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu... Giai đoạn phát bệnh dại xuất hiện với các biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: Sợ ánh sáng, tiếng động và gió. Ngoài ra bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn như: Giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp...

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Trưởng khoa các bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh, cho biết: Số người điều trị dự phòng sau phơi nhiễm có chiều hướng gia tăng, do các địa phương đã mở nhiều điểm tiêm chủng dịch vụ nên người dân thuận lợi hơn khi tiêm phòng. Đồng thời do công tác tuyên truyền ngày càng hiệu quả nên người dân chủ động đi tiêm phòng.

Hiện các dòng vắc-xin phòng dại đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm chứng rất an toàn, được Bộ Y tế cho lưu hành toàn quốc. Do vậy, khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, tiêm vắc-xin phòng dại và hoàn toàn yên tâm với chất lượng thuốc.

Người dân phường Thanh Sơn, TP Uông Bí tham gia dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm.

Để tránh nguy cơ dịch chồng dịch, CDC Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến dưới thực hiện nghiêm công tác giám sát, điều tra dịch tễ khi có những ca nghi mắc đầu tiên. Các ổ dịch cũ được giám sát chặt chẽ. Đối với các cơ sở điều trị tổ chức tốt việc phân tuyến, khám thu dung và cách ly những trường hợp nghi mắc kịp thời. Các đội phản ứng nhanh sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý dịch ngay từ giờ đầu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung khuyến cáo, rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng không chỉ phòng Covid-19 mà còn giúp phòng bệnh TCM và nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa khác như thủy đậu, tiêu chảy, sởi… Người dân tham gia tích cực chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại hộ gia đình, trên địa bàn mình sinh sống. Môi trường sạch sẽ, thoáng đãng cũng làm các vi khuẩn gây bệnh khác khó sinh sôi nảy nở hơn.

Tăng cường uống nước nhằm giúp đường hô hấp không bị khô, tăng khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể cũng phù hợp trong mùa nắng nóng. Vì bổ sung đủ nước cũng là cách để không bị say nắng, tốt cho nhiều bệnh mạn tính như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… Thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín, để phòng ngừa một số bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/dichbenhncov/202005/tuyet-doi-khong-de-dich-chong-dich-2483369/