Tuyệt vọng vì đại dịch, người Afghanistan tìm đến 'vaccine' thảo dược

Mỗi ngày, hàng nghìn người tìm đến phòng khám y học cổ truyền của ông Hakeem Alokozai, ở Kabul để được nhỏ 3 giọt 'vaccine' phòng chống Covid-19. Có người đến trong tình trạng đeo bình thở ôxy hay ống truyền, lại có cả người đến bằng xe cấp cứu. Thành phần bệnh nhân thì đủ cả: công nhân, sỹ quan an ninh, thậm chí cả nghị sĩ quốc hội.

Khi Bộ Y tế Afghanistan định đóng cửa phòng khám cách đây vài tuần, người dân đã rất tức giận. Ngay cả sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy, “vaccine” được pha chế có một số thành phần ma túy, chính quyền đã buộc ông phải rời khỏi thành phố. Tuy nhiên, câu chuyện đã chỉ ra sự tuyệt vọng của người Afghanistan khi đại dịch Covid-19 đã vô hiệu hóa hệ thống y tế của nước này.

Các ca nhiễm Covid-19 ở Kabul, Afghanistan tăng mạnh sau khi người dân đổ ra đường dịp lễ hội Eid al-Fitr vào tháng trước

Các ca nhiễm Covid-19 ở Kabul, Afghanistan tăng mạnh sau khi người dân đổ ra đường dịp lễ hội Eid al-Fitr vào tháng trước

Bệnh viện công “sập nguồn” vì đại dịch

Chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani, chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, đang phải ứng phó với một loạt thách thức: đại dịch Covid-19; kiểm soát bạo lực gia tăng với phiến quân Taliban hay tập trung ngăn chặn nạn đói ở nơi mà 20% dân số sống dưới mức đói nghèo.

Số ca mắc chính thức ở Afghanistan theo Bộ Y tế nước này công bố hôm 14-6 là khoảng 25.000 người, với dưới 500 ca tử vong. Nhưng các chuyên gia y tế công khai cảnh báo đây không phải là một con số chính xác. Bộ trưởng Y tế Afghanistan, Ahmad Jawad Usmani cũng thừa nhận rằng họ thu thập khoảng 20.000 mẫu mỗi ngày, nhưng chỉ có khả năng xét nghiệm khoảng 2.000 mẫu.

Ông Mohammed Dawood Danis, Giám đốc một trong hai bệnh viện ở Kabul được chỉ định là nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cho biết, nhiều người đã chết trước khi họ có thể được xét nghiệm. “Tuần trước, bệnh viện chúng tôi trung bình có 8 trường hợp tử vong mỗi ngày, trong đó chỉ 2 trường hợp được xét nghiệm, 6 người còn lại có triệu chứng chết trước khi được xét nghiệm”.

Chính phủ Afghanistan đã định tìm cách biến cuộc chiến chống dịch Covid-19 thành một minh chứng cho năng lực của mình. Ông Amrullah Saleh, Phó Tổng thống nước này hồi tháng 4 cho biết, chính phủ Afghanistan là hình mẫu trong ứng phó dịch ở thế giới thứ ba và họ không cần Tổ chức Y tế Thế giới chỉ cho họ cách rửa tay là thế nào. Tuy nhiên, các bệnh viện trên cả nước đã sớm quá tải.

Ở Thủ đô Kabul, nhiều người phàn nàn về việc thiếu bình oxy. Còn tại Herat, nơi bùng phát dịch đầu tiên, các nhân viên y tế tuyến đầu đã bỏ việc vì họ đã không được trả tiền trong nhiều tháng. Chưa hết, tại bệnh viện chính Kandahar, khoảng 100 trên tổng số 900 nhân viên dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh viện chỉ tiếp nhận những bệnh nhân bị bệnh nặng nhất. Tại bệnh viện chính của khu vực ở tỉnh phía Bắc Kunduz phía bắc, 83 trong số 361 nhân viên đã bị nhiễm Covid-19. “Tôi đang cách ly tại nhà vì bị nhiễm bệnh, vợ tôi và 4 cô con gái cũng vậy”, bác sĩ Mohamed Naeem Mangal, Giám đốc bệnh viện cho biết.

Cơn sốt “vaccine” thảo dược

Trong bối cảnh bệnh viện quá tải như vậy, lại nghe tin lan truyền rằng ông Alokozai, một thầy lang đã chế được “vaccine”, người dân vội vã tìm đến phòng khám của ông. Ông Alokozai đã làm nghề bốc thuốc bằng thảo dược được 25 năm. Đầu tiên, họ phân phối thuốc pha chế ở Kandahar sau đó đưa đến Thủ đô Kabul với quy mô mà có ngày có tới 5.000 người được tặng 3 giọt miễn phí.

Thứ “vaccine” thảo dược đó “sốt” đến nỗi có người mang theo chăn, ngủ bên ngoài từ đêm hôm trước để trở thành người đầu tiên được vào phòng khám vào sáng hôm sau, ông Sediqullah Nekzad, một thợ may bên cạnh cơ sở này cho biết. “Nó có tác dụng 100%. Một lần, một bệnh nhân được xe cứu thương chở đến, vẫn đang thở ôxy. Một tiếng sau, anh ta tự đi bằng đôi chân của mình. Chính mắt tôi trông thấy”, ông Nekzad kể.

Theo kết quả xét nghiệm của Bộ Y tế, thứ gọi là “vaccine” của ông Alokozai có chứa một số loại ma túy như thuốc phiện, morphin, papaverine, codeine trộn với một vài loại thảo mộc. Phòng khám ở Kabul đã bị đóng cửa. Ông Alokozai đang bị truy nã nhưng anh trai ông cho biết, họ tiếp tục phân phát sản phẩm cho khoảng 3.000 người ở Kandahar mỗi ngày.

Trên thực tế, những loại thuốc thảo dược kiểu này vẫn có “đất sống”. Đối tác cũ của ông Alokozai, ông Nisar Ahmad Ehsan cho biết: “Thuốc của chúng tôi tốt hơn của Alokozai, chỉ mất 5-10 phút là phát huy tác dụng còn của Alokozai phải mất từ 30 phút đến 1 tiếng. Ông ấy không phải là thầy lang, mà chỉ là một người nghiện. Tôi không biết ông ấy lấy công thức từ đâu”.

Yến Chi (Theo New York Times)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tuyet-vong-vi-dai-dich-nguoi-afghanistan-tim-den-vaccine-thao-duoc/857437.antd