TVH Mùa đông Sochi 2014: Không chỉ là sân chơi thể thao

Thế vận hội Mùa đông Sochi 2014 (Olympic Sochi 2014) đã chính thức khai mạc. Chưa bao giờ mà trước Thế vận hội, người ta lại nói nhiều đến chính trị, an ninh, chống khủng bố thay vì các vận động viên hay các môn thể thao như ở Sochi. Truyền thông gọi Sochi 2014 là Thế vận hội tốn kém và nguy hiểm nhất trong lịch sử bởi những khoản đầu tư cực khủng, và chỉ báo về một "sân chơi chính trị" đầy màu sắc. Chắc chắn rằng những câu chuyện thú vị bên lề cùng với ý đồ của giới chính khách sẽ biến Sochi 2014 trở thành một đại hội thể thao có dấu ấn khó phai trong lịch sử Olympic thế giới.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/2 tại Sochi.

Những tranh cãi thú vị bên lề

Thông thường, các thế vận hội mùa đông được tổ chức sẽ có quy mô và sự đầu tư nhỏ hơn nhiều so với các thế vận hội mùa hè. Tuy vậy, Olympic Sochi 2014 đã nhận được một khoản đầu tư kỷ lục gây sốc trên toàn thế giới, lên tới 51 tỉ USD. Đây là con số quá lớn đối với một quốc gia có kinh tế tầm trung như Nga trong giai đoạn suy thoái hiện nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không ngần ngại chi số tiền này bởi ngoài các giá trị thông thường mà các quốc gia mong đợi ở một đại hội thể thao như du lịch, kinh tế thì Olympic Sochi 2014 thực sự là một ván bài của nước Nga nhằm khẳng định lại danh tiếng cường quốc của mình đối với thế giới.

Số tiền thực tế để tổ chức Olympic Sochi 2014 đã tăng gấp 5 lần dự tính ban đầu. Các chính trị gia đối lập ở Nga chỉ trích chính phủ đã chi quá nhiều tiền cho sự kiện Olympic ở Sochi, gấp hơn 3 lần kỳ Thế vận hội London 2012 diễn ra tại Anh. Các nhà tổ chức Olympic Sochi cho rằng con số thực sự cần để tổ chức Thế vận hội mùa Đông 2014 chỉ vào khoảng 7 tỉ USD. Con số này còn chưa bao gồm chi phí xây dựng lại cơ sở hạ tầng cho một khu vực còn hoang sơ như ở Sochi.

Một tranh cãi mới cũng xuất hiện ngay sau khi buổi lễ khai mạc Olympic Sochi 2014 diễn ra. Giới truyền thông thế giới thay nhau bàn tán, chỉ trích bà Irina Rodnina, cựu vận động viên trượt băng kỳ cựu của Nga, đồng thời là một trong hai cá nhân châm lửa cho đài đuốc Thế vận hội Sochi, vì… một bức ảnh.

Vai trò của bà Rodnina trong buổi lễ bị người xem đặt câu hỏi, khi hồi tháng 9/2013 bà từng đăng tải một bức ảnh mang tính phân biệt chủng tộc đối với Tổng thống Mỹ Obama trên mạng xã hội Twitter. Trong bức ảnh có chỉnh sửa gây tranh cãi về nạn phân biệt chủng tộc, một bàn tay đưa quả chuối ra trước mặt vợ chồng ông Obama.

Bà Rodnina từng giành Huy chương Vàng tại 3 kỳ Olympic liên tiếp và cũng là nghị sĩ thuộc đảng Nước Nga Thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin. Trong vụ việc hồi tháng 9/2013, bà không xin lỗi bất chấp cáo buộc về phân biệt chủng tộc. Bà cho rằng tấm ảnh chẳng có gì sai vì nó là bức ảnh do bạn bà ở Mỹ gửi. Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho rằng đây là "hành động xúc phạm, chỉ đem lại sự xấu hổ cho Quốc hội và đất nước của bà".

Do việc tiếp cận hạn chế đối với các quan chức Olympic, truyền thông đặt câu hỏi với ông Konstantin Ernst, người chỉ đạo chương trình khai mạc Olympic.

"Tôi chưa đọc những thông tin liên quan tới bà Rodnina, nhưng bà là vận động viên vĩ đại nhất và là vận động viên trượt băng nghệ thuật duy nhất giành 3 Huy chương Vàng. Vì những môn thể thao Olympic không liên quan đến chính trị, nên tất cả chúng ta nhớ đến bà như một vận động viên tuyệt vời và đáng được vinh danh", ông Konstantin cho hay.

Ván bài chính trị

Sochi càng trở nên nóng hơn khi trở thành nơi giải quyết các vấn đề liên quan tới lãnh thổ. Ông Dmitry Chernyshenko - người đứng đầu Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Sochi (IOC) cho biết hơn 60 nhà lãnh đạo quốc gia, chính phủ và các tổ chức quốc tế đã tới tham dự buổi lễ khai mạc.

Tại Sochi, Tổng thống Nga Putin đã thực hiện các cuộc hội đàm song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Động thái này được giới quan sát đánh giá là một chiến dịch nhằm nâng cao vai trò của nước Nga trên bản đồ chính trị thế giới.

Từ khi chưa diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội, truyền thông Trung Quốc đã đưa đậm tin tức về chuyến công du tới Sochi của Chủ tịch Tập Cận Bình, đặc biệt nhấn mạnh đây là lần đầu tiên một chủ tịch nước Trung Quốc tham dự một đại hội thể thao ở nước ngoài.

Truyền thông cho rằng, sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình ở Sochi làm "nổi bật giá trị quan hệ song phương Nga - Trung". Bên cạnh nhu cầu dầu khí, Bắc Kinh còn muốn lôi kéo Moskva để gây sức ép với Tokyo trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Đông Bắc Á thời gian qua đang nóng lên với việc Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.

Giới truyền thông thế giới chỉ trích bà Irina Rodnina vì một bức ảnh bị cho là mang tính phân biệt chủng tộc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng không giấu giếm mục đích đến Sochi của mình. Trước thềm chuyến đi, ông Abe cam kết sẽ kiến tạo mối quan hệ tin cậy lẫn nhau với Tổng thống Putin, đạt được tiến triển trên hồ sơ quần đảo Kuril mà Nhật gọi là "lãnh địa phương Bắc", tiến đến một hiệp định hòa bình với Nga, 68 năm sau Thế chiến II.

Trong khi đó, với hình ảnh khá mờ nhạt trên chính trường thế giới trong vài năm lại đây, Mỹ đang cố tìm cách gây ảnh hưởng tới các sự kiện quốc tế và không loại trừ Olympic Sochi 2014. Trong khi Nga khai thác triệt để sức mạnh an ninh trong nước để bảo vệ cho sự thành công của Thế vận hội Sochi 2014 do mình đăng cai, nước Mỹ cũng đã tỏ ra "nhanh nhẹn" khi lên tiếng đề nghị giúp đỡ Nga trong công việc này.

Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẵn sàng "hợp tác chặt chẽ hơn" với Nga trong công tác chuẩn bị an ninh cho Sochi 2014. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng xem việc hợp tác này là "cầu nối" giữa chính quyền hai quốc gia trong sự kiện quốc tế đáng chú ý.

Vì mục đích nào đi chăng nữa thì sau cùng, mọi lợi ích đều tập trung về phía quốc gia chủ nhà. Vẫn biết, Olympic Sochi 2014 là niềm tự hào của nước Nga. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô cũ đăng cai Olympic mùa hè 1980, nước Nga mới đón chào một đại hội thể thao mang tầm vóc quốc tế lớn như thế này. Và đương nhiên khi đăng cai Olympic, Nga trở thành điểm chú ý của cả thế giới, về sức mạnh nền kinh tế, chính trị, quan hệ các dân tộc trong nước, và cả chính sách đối ngoại.

Giới phân tích cho rằng, Olympic Sochi 2014 chính là ván bài đầy rủi ro của Tổng thống Putin. Nếu xảy ra một cuộc tấn công khủng bố ở Sochi, uy tín quốc tế của Nga sẽ tan theo mây khói. Nhưng nếu thành công, Olympic Sochi sẽ nâng vị thế của nước Nga và cả ông chủ Điện Kremlin lên một nấc thang mới.

Chắc chắn chưa ai có thể quên hình ảnh ông Putin rơi lệ tại cuộc mít tinh mừng chiến thắng sau bầu cử tổng thống hồi tháng 3/2012 bởi đây là hình ảnh hiếm thấy của một con người cứng rắn như ông Putin. Và giờ đây, chắc chắn cũng không ai có thể quên những tuyên bố chắc nịch của ông Putin về một "Sochi an toàn nhất thế giới".

Rõ ràng, Sochi vẫn luôn là niềm tự hào của Tổng thống Putin, người khẳng định làm hết mình vì uy tín nước nhà. Giờ còn quá sớm để nói đến thành bại của Olympic đắt giá nhất lịch sử thế giới này. Nhưng rõ ràng, nếu mọi việc suôn sẻ tại Sochi thì đó sẽ là bàn đạp quan trọng để hướng nước Nga đến những con đường rộng mở hơn, với vị thế cao hơn trong tương lai…

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2014/3/82618.cand