Tỷ giá 'hạ nhiệt' - cơ hội để giảm lãi suất cứu doanh nghiệp

Tỷ giá ổn định được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất tiền đồng liên ngân hàng thấp nhằm tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy áp lực tỷ giá đang dịu dần nhưng theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhiều áp lực nằm ngoài kiểm soát mà không thể chủ quan.

Tỷ giá USD/VND đã đi qua đỉnh

Có thể thấy, tỷ giá tăng mạnh đang khiến nhiều doanh nghiệp "đau đầu" về bài toán kinh doanh. Thế nhưng, theo giới phân tích, các doanh nghiệp sẽ "dễ thở hơn" bởi những áp lực từ tỷ giá đang giảm dần.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá USD/VND từ nay tới cuối năm sẽ không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua, bởi sau cuộc họp ngày 23/11, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đồng tình về việc sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất từ 0,75 điểm phần trăm xuống còn 0,5 điểm phần trăm, dần dần giảm xuống 0,25%.

Sức ép tăng lãi suất của Fed giảm cộng với vốn FDI giải ngân tăng tốt và cán cân thanh toán thặng dư là cơ hội để Việt Nam giữ được tỷ giá hối đoái.

Tỷ giá USD/VND được đánh giá đã đi qua đỉnh, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, so với VND, USD tăng khoảng 9% kể từ đầu năm, có thể đây là đỉnh điểm về tốc độ tăng tỷ giá hối đoái năm 2022. Và cơ hội để tăng thêm nữa trong năm tới cũng sẽ "không xảy ra".

Về tỷ giá USD/VND, nhóm phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, số liệu xuất siêu của Việt Nam đang ở mức cao, lũy kế 10 tháng đạt 9,4 tỷ USD. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thêm cho tỷ giá khi dự trữ ngoại hối đã giảm khoảng 21 tỷ USD trong thời gian qua. Bên cạnh đó, áp lực tăng tỷ giá thời gian qua khá lớn và có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá đồng USD trên thế giới giảm dần.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã giảm giá bán USD từ 24.870 đồng/USD xuống mức 24.860 đồng/USD, áp dụng từ ngày 11/11. Đây là lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD trong năm nay khi đã có 6 lần tăng giá bán trước đó, từ 23.050 đồng/USD lên 24.870 đồng/USD, tăng khoảng 1.720 đồng, tương đương tăng 7,4% so với đầu năm.

Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục giảm tỷ giá trung tâm từ mức đỉnh 23.700 đồng/USD (ngày 24/10) xuống còn 23.678 VND/USD vào ngày 14/11. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD mà các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.494 - 24.862 VND/USD.

Trên thị trường tự do, giá USD cũng hạ nhiệt. Một số điểm thu đổi ngoại tệ báo giá USD mua vào ở mức 25.210 đồng/USD và bán ra 25.290 đồng/USD, thấp hơn khá nhiều so với mức 25.350 đồng/USD (mua) và 25.450 đồng/USD (bán) hồi đầu tháng 11/2022.

Giảm lãi suất "cứu" doanh nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, sự hạ nhiệt của USD là cơ hội để các ngân hàng xem lại lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Ông Nghĩa nhìn nhận: "Lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ, những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung cho thanh khoản và lãi suất".

Chia sẻ tại Đối thoại Điều hành tỷ giá USD-VND mới đây, ông Phạm Công Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, năm 2022 này là một năm rất khó khăn với ngành thép. Trong đó, tỷ giá đã khiến các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty tăng chi phí từ vài chục tỷ đồng lên tới 70-80 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất thực sự đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là lý do khiến kết quả quý III/2022 của đa phần doanh nghiệp thép đều "thê thảm".

Vì vậy, tỷ giá ổn định được doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất tiền đồng liên ngân hàng thấp nhằm tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.

Còn theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), với kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất và áp lực cho tỷ giá giảm dần, Việt Nam với tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt vẫn là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều dòng vốn ngoại, gia tăng nguồn cung USD từ thị trường quốc tế; và không ngoại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể quay trở lại mua USD trong nửa cuối năm 2023 trên nền tỷ giá ổn định để củng cố lại dự trữ ngoại hối vốn đã giảm mạnh trong năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ và bán ra VND sẽ củng cố thanh khoản tiền đồng trên thị trường, góp phần giảm lãi suất nội tệ và hỗ trợ tăng trưởng năm 2023. Thanh khoản thị trường và lãi suất liên ngân hàng có thể dần ổn định trong nửa cuối năm 2023. Không ngoại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng trong nửa cuối năm 2023 với kỳ vọng tỷ giá ổn định và lạm phát đạt mục tiêu dưới 4%.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/ty-gia-ha-nhiet-co-hoi-de-giam-lai-suat-cuu-doanh-nghiep-1089578.html