Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đang ở mức 3,64%

Kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2016 vừa được đưa ra cho thấy, Hà Nội có 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ toàn TP.

Trong đó, khu vực nông thôn có 60.272 hộ nghèo, chiếm 5,6% tổng số hộ dân trong khu vực; khu vực thành thị có 5.105 hộ nghèo, chiếm 0,71% tổng số hộ dân trong khu vực. Tại 14 xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 3.728 hộ nghèo, chiếm 13,38% tổng số hộ dân. Xã An Phú (huyện Mỹ Đức), xã Ba Vì (huyện Ba Vì) và 17 thôn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Ảnh minh họa

TP có 10 quận, tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, trong đó quận Cầu Giấy có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là 0,12%. 2 huyện tỷ lệ hộ nghèo trên 10% là Ba Vì (11,4%) và Chương Mỹ (10,2%); hai xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là xã Ba Vì (48,5%) và An Phú (38,4%). Đặc biệt, các phường Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên (Tây Hồ), Khương Mai (Thanh Xuân) và thị trấn Sóc Sơn (Sóc Sơn) không còn hộ nghèo. Cùng với đó, toàn TP hiện có 34.005 hộ cận nghèo, chiếm 1,89% tổng số hộ dân. Về mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, kết quả điều tra cho thấy: Với lĩnh vực giáo dục, 5% hộ nghèo có ít nhất 1 thành viên từ 15 đến dưới 30 tuổi (sinh từ năm 1986 - 2000) không tốt nghiệp THCS và hiện không đi học; 2% hộ nghèo có ít nhất 1 thành viên từ 5 đến dưới 15 tuổi (sinh từ năm 2001 đến 2010) hiện không đi học. Trong lĩnh vực y tế, 8% hộ nghèo có người bị ốm đau nhưng không đi khám chữa bệnh trong vòng 12 tháng qua. Về nhà ở, 37% hộ nghèo đang ở trong nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ... Nước sạch và vệ sinh có 13% hộ nghèo không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh; 29% hộ nghèo không sử dụng hố xí (nhà tiêu hợp vệ sinh). 9% hộ nghèo không có ti vi, radio, máy tính và không nghe được hệ thống loa đài truyền thanh xã, thôn.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo, góp phần giảm dần khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các khu vực thành thị, nông thôn và miền núi, TP sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin) của người dân, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo. Đặc biệt, hạn chế thấp nhất số hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh. Tập trung nguồn lực, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo diện chính sách người có công, hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội…

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ty-le-ho-ngheo-theo-chuan-tiep-can-da-chieu-dang-o-muc-364-257342.html