Tỷ lệ lao động thiếu việc làm gia tăng

Theo báo cáo kinh tế xã hội quý I/2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, lao động có việc làm quý I/2024 ước tính là 51,3 triệu người, giảm 127 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thiếu việc làm cũng tăng so với quý trước.

Tổng cục Thống kê đánh giá, tình hình lao động, việc làm quý I/2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, các số liệu về người có việc làm giảm, tỷ lệ thiếu việc làm cũng tăng so với quý liền kề trước đó cho thấy thị trường lao động vẫn đang có những khó khăn nhất định. Nhiều địa phương xác định giải quyết việc làm cho người lao động vẫn là nhiệm vụ trọng tâm.

Rất đông người lao động tìm cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch và tư vấn việc làm thị xã Sơn Tây ngày 30/3.

Đẩy mạnh giải quyết việc làm

Phiên giao dịch và tư vấn việc làm thị xã Sơn Tây do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây phối hợp tổ chức ngày 30/3 đã thu hút rất đông người lao động, học sinh, sinh viên đến phỏng vấn, tìm hiểu về thị trường lao động việc làm, xuất khẩu lao động. Theo thông tin từ Ban tổ chức, nhu cầu tuyển sinh tại phiên là hơn 1.000 chỉ tiêu, nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu là 1.257 chỉ tiêu. Trong tổng số doanh nghiệp tham gia, doanh nghiệp lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm 40,6%, còn lại là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lao động, giáo dục - đào tạo...

Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 41%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ 34%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ 24,5%. Chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng trở lên chiếm 23,5% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng; thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng chiếm 24,02% chỉ tiêu; mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng chiếm tỷ lệ lớn nhất với 31,2% chỉ tiêu, còn lại là mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho hay, tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn thì lao động việc làm vẫn là vấn đề nóng, cần tập trung nhiều giải pháp căn cơ để giải quyết. Một trong các giải pháp để đẩy mạnh giải quyết việc làm là thông qua các phiên giao dịch việc làm. "Các phiên giao dịch và tư vấn việc làm có ý nghĩa thiết thực, tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, hỗ trợ người lao động tiếp cận dễ dàng với thị trường lao động. Hết quý I/2024, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 45.602 lao động. Trong đó có đóng góp rất lớn từ các phiên giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên", ông Nam cho biết.

Theo con số của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tính từ đầu quý 1, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 54 phiên giao dịch việc làm với 1.715 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 28.336 người. Tổng số lao động được phỏng vấn là 11.513 lao động. Số lao động được tuyển dụng tại phiên là 3.648 lao động. "Số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2021 là hơn 63 nghìn người, năm 2022 tăng lên thành hơn 72,5 nghìn người, năm 2023 tăng lên đến hơn 85,6 nghìn người và 2 tháng đầu năm 2024 đã có 8.729 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Những con số cho thấy vấn đề lao động việc làm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Với vai trò của mình, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động. Dự kiến năm nay sẽ tổ chức 230 phiên giao dịch việc làm, bao gồm các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, online, chuyên đề, phiên lưu động và mục tiêu tuyển dụng 20 nghìn lao động qua các phiên giao dịch việc làm", Phó Giám đốc Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu nói.

Thị trường lao động vẫn còn khó khăn. Ảnh minh họa.

Cần thêm nhiều sàn giao dịch liên kết vùng

Có một nghịch lý trên thị trường lao động đang tồn tại thời gian qua là dù lao động thất nghiệp tăng, nhưng một số nơi doanh nghiệp lại rất khó tuyển lao động. Theo các chuyên gia lao động, nghịch lý này tồn tại do nhiều nguyên nhân. Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, đầu tiên là do xu hướng dịch chuyển lao động khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Rất nhiều lao động ở các tỉnh rời bỏ các trung tâm công nghiệp để về quê sinh sống, tìm việc làm mới. Nguyên nhân nữa là công tác thông tin, dự báo, kết nối cung - cầu lao động ở các địa phương chưa thực sự tốt khiến cho người lao động thì thất nghiệp, trong khi doanh nghiệp cần tuyển dụng lại không tuyển được.

"Việc cần làm ngay và phải làm tốt chính là các cơ quan liên quan đến lĩnh vực lao động việc làm, các địa phương phải tăng cường công tác thông tin, dự báo, kết nối cung - cầu lao động. Không thể để cung một đằng, cầu một nẻo hoặc ngược lại. Một giải pháp nữa theo tôi là cần đẩy mạnh việc liên kết vùng trong lĩnh vực lao động việc làm giúp người lao động dễ dàng tiếp cận việc làm, doanh nghiệp dễ tìm được nguồn nhân lực chất lượng và tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa các địa phương trong giải quyết việc làm cho người lao động. Điều này sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động tại một số khu vực", TS Nguyễn Thị Lan Hương nêu quan điểm.

Tại "Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 10 tỉnh, thành phố phía Bắc" do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành tổ chức giữa tháng 3 vừa qua, 10 địa phương tham gia gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ. Phiên giao dịch việc làm đã thu hút 154 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với tổng số 41.777 chỉ tiêu tuyển dụng. Bắc Giang, Bắc Ninh là 2 địa phương có chỉ tiêu tuyển dụng lớn nhất, lần lượt là 17.338 và 11.113 lao động. Các phiên giao dịch việc làm liên kết vùng phía Bắc được tổ chức thời gian qua đã nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu tại sàn giao dịch việc làm.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành đánh giá, tổ chức các phiên giao dịch việc làm giữa các tỉnh, thành sẽ tạo sự liên kết, chia sẻ về cơ sở dữ liệu giữa "người và việc". Như vậy, thị trường lao động của các tỉnh sẽ có mối liên hệ gắn kết với nhau, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp tìm kiếm lao động, cũng như tăng cơ hội việc làm cho người lao động. "Hiện tại, giao thông kết nối các địa phương cũng rất thuận tiện, do đó doanh nghiệp cũng nên tính toán, tạo điều kiện đưa đón người lao động để có thể thu hút thêm nguồn lực. Điều này cũng giúp người lao động có thể làm việc ở nhiều địa phương, thay vì chỉ tìm việc xoay quanh địa phương mà lao động đó sinh sống như trước đây", ông Thành nêu ý kiến.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/ty-le-lao-dong-thieu-viec-lam-gia-tang-i726867/